Con đường vốn rẻ ở Việt Nam

22/04/2013 09:23

Xu hướng trên thế giới là dòng vốn rẻ. Dòng vốn này đang có lợi cho Việt Nam. Nhưng cơ quan quản lý cần phải tự xây dựng con đường vốn rẻ cho riêng mình sao cho hiệu quả hơn.

Con đường vốn rẻ ở Việt Nam

Kể từ tháng 11/2012 đến cuối tháng 3, chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật đã tăng 40%. Đó là hệ quả của nỗ lực tăng cung tiền nhằm kích thích kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe. Đầu tháng 1 năm nay, Ngân hàng Trung ương Nhật đã công bố mục tiêu mới của mình: lạm phát kỳ vọng ở mức 2% thay vì 1% như trước đây.

Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần giảm lãi suất huy động, từ đó giảm chi phí vay cho doanh nghiệp.

Không chỉ ở Nhật, ngân hàng trung ương ở các nước phát triển khác cũng có hành động tương tự. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) gần đây cho biết sẽ làm nhiều cách nhằm hạ tỉ lệ thất nghiệp từ 8% xuống còn 6,5%.

Thậm chí, một số nước châu Âu vốn nổi tiếng với việc thắt lưng buộc bụng cũng bắt đầu nới lỏng dần.

Những động thái này cho thấy một điều: thời kỳ chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo đã đến, như nhận xét của tờ The Economist (Anh).

Kết quả là chi phí vay đã giảm đáng kể. Theo Ngân hàng Citigroup, một doanh nghiệp được xếp hạng tín dụng ở mức A có thể vay với lãi suất 2,4% thay vì mức thông thường 5,1% như trước đây.

Các nhà làm chính sách kỳ vọng chi phí vay giảm sẽ khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư, kích thích khu vực sản xuất. Thế nhưng, những tác động lên khu vực sản xuất hay lên thị trường lao động (qua việc doanh nghiệp tăng cường thuê mướn nhân công) lại chưa được thể hiện rõ nét. Trước mắt, thị trường tài chính là được hưởng lợi nhiều nhất.

Một biểu hiện của việc này là các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ đang nắm trong tay lượng tiền mặt kỷ lục (lên tới 1.800 tỉ USD) và đang tăng cường mua lại cổ phiếu quỹ hoặc đổ tiền vào các thương vụ đầu tư.

Trong tháng 3 vừa qua, cả chỉ số Dow Jones lẫn S&P 500 đều tăng lên mức kỷ lục mới.

Xu hướng bơm tiền để làm giảm lãi suất là điều không thể tránh khỏi. Việt Nam cũng vậy. Trên thực tế, sau giai đoạn thắt chặt tiền tệ để kiềm hãm lạm phát vào năm 2011, lãi suất điều hành đã giảm mạnh kể từ đầu năm 2012.

Mức trần lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng đã giảm từ 14% xuống còn 7,5%. Điều tương tự cũng diễn ra với các loại lãi suất chủ chốt như lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu.

Cùng với việc hạ lãi suất, giới đầu tư trong nước đã chứng kiến chỉ số VN-Index tăng khoảng 17% trong năm 2012 và tăng 17,69% chỉ trong quý I/2013.

Tuy nhiên, đi sâu vào phân tích kết quả này lại thấy đây không phải là hệ quả của chính sách vốn rẻ ở Việt Nam mà là từ nước ngoài.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, dòng vốn nước ngoài đóng góp phần lớn vào tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong giai đoạn cuối năm 2012 trở lại đây.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Nam Sơn, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Vietnam Capital Partners, cho rằng đối với những nhà đầu tư nước ngoài, việc giảm lãi suất khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn bởi xu hướng lãi suất giảm chính là tín hiệu cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt dần, nền kinh tế trở nên ổn định và bớt rủi ro hơn.

Dòng vốn rẻ trong nước chưa tác động gì đáng kể lên thị trường tài chính, trong khi mục đích quan trọng nhất của việc giảm lãi suất - kích thích sản xuất - cũng chưa làm được.

Sau 1 năm triển khai các biện pháp giảm lãi suất, nền kinh tế vẫn còn trì trệ, sản lượng tăng không như kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng vẫn yếu ớt, niềm tin đầu tư và tiêu dùng sụt giảm nghiêm trọng.

Trong quý I/2013, số doanh nghiệp phá sản và giải thể đã tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại sao cùng chính sách vốn rẻ nhưng Việt Nam lại đang hưởng lợi từ nước ngoài chứ không phải từ vốn rẻ của chính mình?

Có 2 điểm khác biệt trong chính sách vốn rẻ ở Việt Nam so với các nước khác. Thứ nhất là quản lý bằng các mệnh lệnh hành chính thay vì kiểm soát mức cung tiền để điều hành lãi suất.

Giữa năm 2012, Ngân hàng Nhà nước thậm chí còn buộc các ngân hàng thương mại phải giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp. Quan hệ tín dụng không còn được điều chỉnh một cách tự nhiên.

Thứ hai là sự “ngập ngừng bơm vốn” bởi lo ngại về lạm phát. Ngân hàng Nhà nước đang vừa hạ lãi suất vừa phải nhìn lại chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Bởi vì nếu lãi suất thấp hơn lạm phát thì sẽ dẫn đến lãi suất thực âm. “Đối với người Việt Nam, điều này là khó chấp nhận và có thể dẫn đến rủi ro hệ thống”, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận xét.

Trên thực tế, bơm tiền chưa chắc đã gây ra lạm phát, bởi Ngân hàng Nhà nước có sở hữu những công cụ đảm bảo cho việc bơm và hút tiền một cách nhịp nhàng.

Hơn nữa, theo ông Doanh, trong bối cảnh nhu cầu yếu, tín dụng tăng quá thấp, áp lực lạm phát chủ yếu là do giá các mặt hàng độc quyền như điện nước, xăng dầu, y tế tăng nhanh trong khi các nhóm này chiếm phần nhiều trong rổ hàng hóa tính CPI.

Kinh nghiệm của FED cho thấy các ngân hàng trung ương cần phải cân nhắc mạnh tay can thiệp vào nền kinh tế bằng cách mở rộng cung tiền.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nếu trong cuộc đại khủng hoảng diễn ra vào năm 1929, FED được cho là tội đồ khi thắt chặt cung tiền thì trong cuộc khủng hoảng năm 2009, chính sách vốn rẻ đã đóng góp quan trọng vào việc khôi phục niềm tin, giảm thiểu rủi ro hệ thống và đưa các nước G7 thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng vào nửa cuối năm 2009.

Xu hướng trên thế giới là dòng vốn rẻ. Dòng vốn này đang có lợi cho Việt Nam. Nhưng cơ quan quản lý cần phải tự xây dựng con đường vốn rẻ cho riêng mình sao cho hiệu quả hơn.

Ở Việt Nam, điều này không chỉ phụ thuộc vào ý chí điều hành của Ngân hàng Nhà nước mà còn vào ý chí của nhiều cơ quan khác.

“Chi phí vốn chỉ là một trong những chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Sâu xa hơn, cần phải giảm những chi phí không chính thức khác thì doanh nghiệp nội địa mới có cơ may thành công”, ông Doanh nhận xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Con đường vốn rẻ ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO