Chứng khoán: Cổ đông lớn bắt đầu thoát hàng

Khánh Phương| 01/04/2021 09:30

Hàng loạt pha “thoát hàng” của các cổ đông lớn đã diễn ra ồ ạt trong tháng 3. Với việc chỉ số VN-Index đã thử thách thành công mốc 1.200 điểm vào cuối tuần qua, liệu xu hướng thoái vốn này có sớm đảo chiều hoặc ít nhất sẽ chững lại?

bai-1-co-dong-2-2109-1616658803.jpg

Từ ngoại tới nội

Trong tuần trước, Công ty CP Quản lý quỹ VinaCapital đã báo cáo việc Vietnam Master Holding 2 Limited hoàn tất bán ra 2,3 triệu cổ phiếu Công ty CP Bất động sản Thế Kỷ (HoSE: CRE). Quỹ VOF Investment Limited thuộc Vina Capital cũng bán hơn 2 triệu cổ phần của Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT  (FPT Retail - FRT) từ đầu tháng 3 đến nay, đưa tỷ lệ sở hữu của nhóm này giảm xuống chỉ còn 4,78% và không còn là cổ đông lớn.

Một quỹ ngoại khác cũng xả hàng FRT đó là Dragon Capital, khi liên tục bán ra cổ phiếu FRT từ cuối năm 2020, giảm tỷ lệ nắm giữ về 3,12%. Nhóm Dragon Capital cũng đã hoàn tất bán ròng hơn 95 triệu cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu, giảm tỷ lệ sở hữu của cả nhóm tại đây từ 12,04% xuống còn 7,64% từ ngày 10/3/2021.

Động thái thoát hàng của các quỹ tương đồng với xu hướng bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây. Tính từ phiên ngày 19/2-18/3/2021, khối ngoại đã có 20 phiên bán ròng liên tiếp với tổng giá trị lên đến 11.384 tỷ đồng trên toàn thị trường, đánh dấu chuỗi bán ròng dài nhất trong nhiều năm trở lại đây, bất chấp chỉ số VN-Index vẫn duy trì xu thế vận động tích cực và triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam.

Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài, cổ đông nội bộ của các doanh nghiệp cũng thi nhau thoái vốn. Đơn cử như Công ty CP Licogi 16 (HoSE: LCG), thành viên HĐQT Phan Ngọc Hiếu sau khi bán ra 4,7 triệu cổ phiếu LCG thì mới đây tiếp tục đăng ký thoái thêm 2 triệu cổ phiếu. Bà Lê Thị Thanh Lệ - thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại - Xuất nhập khẩu Việt Phát (HoSE: VPG) đã bán 962.400 cổ phiếu VPG, tiếp nối lượng bán toàn bộ 1,4 triệu cổ phiếu của Chủ tịch Công ty Nguyễn Xuân Trường.

Những cổ đông nội bộ, cổ đông lớn đều phải đăng ký trước khi thoái vốn, do đó việc bán ra sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian, nhất là khi phải bán với số lượng lớn nên cần nhiều lực cầu để hấp thụ hết.

Một loạt doanh nghiệp khác cũng chứng kiến cổ đông nội bộ bán ra, có thể kể đến như Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia, Công ty CP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Kiên Giang, Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, Công ty CP Chứng khoán Trí Việt, Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên, Công ty CP VICEM Bao bì Bút Sơn, Công ty CP Mía Đường Lam Sơn...Hay như tại Công ty CP Xây dựng Điện VNECO 1 (HNX: VE1), hàng loạt cổ đông lớn liên tục bán ra cổ phiếu này, như Công ty TNHH Quản lý đầu tư Long Việt đã thoái vốn hoàn toàn khi bán thành công 2,25 triệu cổ phiếu, Công ty CP Đầu tư Việt Tú bán 54.500 cổ phiếu, ông Xu Sheng - một cổ đông lớn của VE1 cũng bán ra 57.200 cổ phiếu. Tại Tổng công ty CP Xây dựng Số 1, sau khi Công ty CP Top American Viet Nam bán ra 12,1 triệu cổ phiếu, mới đây hai cổ đông lớn khác là Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc và Công ty CP Cơ điện lạnh Nam Thịnh cũng đăng ký thoái tương ứng là 20,9 triệu cổ phiếu và 16,5 triệu cổ phiếu.

Sẽ chưa sớm dừng lại?

Dù đưa ra nhiều lý do giải thích cho việc thoái vốn, như tái cơ cấu danh mục đầu tư hay nhu cầu tài chính cá nhân, thì mẫu số chung của các thương vụ thoái vốn này đều diễn ra khi giá cổ phiếu đã bứt phá mạnh trong thời gian qua, có lẽ đã thúc đẩy quyết định chốt lời của các cổ đông nội bộ. Nhiều cổ phiếu đã tăng hàng chục phần trăm chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, trong khi nếu tính từ mức đáy thì không ít cổ phiếu đã đạt được mức tăng tính bằng lần.

Trong khi nhiều nhà đầu tư cá nhân tin tưởng vào triển vọng đi lên của thị trường trong thời gian tới và vẫn mua vào, việc các cổ đông lớn bắt đầu bán ra với số lượng lớn cổ phiếu gây ra không ít lo ngại, nhất là trong bối cảnh lạm phát đang gia tăng có thể gây áp lực kéo mặt bằng lãi suất đi lên có thể tác động đến những kênh đầu tư rủi ro và rất nhạy cảm với lãi suất như chứng khoán.

Đáng lưu ý là vào cuối tuần qua, chỉ số VN-Index một lần nữa chinh phục thành công mốc 1.200 điểm, mang đến sự lạc quan cho thị trường trong giai đoạn tới khi báo hiệu đà tăng sẽ cao hơn nếu vượt ngưỡng kháng cự này. Dù vậy, điều này có thể sẽ chưa giúp đà thoái vốn của các cổ đông lớn sớm dừng lại.

Vì khi thị trường càng lên cao, tâm lý chốt lời có thể sẽ càng lan rộng, nhất là khi phiên chinh phục mốc 1.200 điểm của VN-Index vừa qua vẫn chủ yếu nhờ kéo nhóm cổ phiếu trụ có vốn hóa lớn, còn dòng tiền vẫn chưa thật sự lan tỏa khắp thị trường. Điều này thậm chí càng khiến động thái thoái vốn ở các cổ phiếu ngoài nhóm VN30 càng gia tăng, vì lo ngại đà đi lên sẽ khó bền vững.

Cũng cần biết rằng, không như các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ có thể bán ra chốt lời bất cứ lúc nào nếu muốn, những cổ đông nội bộ, cổ đông lớn đều phải đăng ký trước khi thoái vốn, do đó việc bán ra sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn, nhất là khi phải bán với số lượng lớn nên cần nhiều lực cầu để hấp thụ hết. Vì vậy, nhóm này thường cố gắng dự báo đà tăng của thị trường để tận dụng cơ hội thoát hàng thuận lợi nhất.

Vì vậy, dù VN-Index có vượt qua vùng kháng cự 1.200 điểm và tiến xa hơn, như hầu hết dự báo tin rằng thị trường sẽ diễn biến tích cực cho đến hết tháng 4, từ đó thu hút thêm nhiều dòng tiền mới, thì cũng không có gì lạ khi nhiều cổ đông lớn vẫn tiếp tục đăng ký bán ra trong một vàì tháng tới để tận dụng xu hướng tăng mạnh của thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán: Cổ đông lớn bắt đầu thoát hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO