Chọn mặt nới room

QUỲNH VŨ| 04/07/2013 09:42

Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 15% năm 2013, một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã phải xin tăng tỷ lệ cho vay, tất nhiên chỉ dành cho những doanh nghiệp tốt.

Chọn mặt nới room

Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12 - 15% năm 2013, một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã phải xin tăng tỷ lệ cho vay, tất nhiên chỉ dành cho những doanh nghiệp (DN) tốt.

Đọc E-paper

Dòng vốn chọn lọc

Đích ngắm tăng trưởng tín dụng của các NH hiện nay vẫn ưu tiên hàng đầu là khối DN nhỏ và vừa. Nhưng một thực tế là các NH ký hợp đồng tín dụng rất nhiều nhưng không giải ngân được. Có ba lý do để giải thích cho sự tắc nghẽn tín dụng:

(1) Thị trường đang cạnh tranh lãi suất vô cùng khốc liệt;

(2) Nhiều DN tính đến thời điểm này vẫn không đáp ứng được điều kiện mà NH đưa ra;

(3) Những DN tốt đã đầy room 15% vốn tự có. Để đẩy nhanh tín dụng, phần lớn các NH chọn cách xin thêm room để cho vay những DN tốt để đẩy vốn cho nền kinh tế.

Cụ thể, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Eximbank, đã kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc nới room cho NH này cho vay đối với nhóm DN, tập đoàn tốt.

Nguyên nhân ông Phước đưa ra là mặt bằng lãi suất cho vay tại NH này hiện chỉ dao động khoảng hơn 11% mỗi năm. Thậm chí, với lãi suất 7%/ năm, DN vẫn lắc đầu, dù rằng huy động và chi phí vốn đã lên 9% mỗi năm.

Ngoài ra, một số NH khác đang cho vay 5 - 6%/năm khiến Eximbank phải cạnh tranh khó khăn hơn so với những năm trước. Điều đó giải thích vì sao dư nợ của Eximbank đến thời điểm này chỉ mới tăng được 0,9% so với kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, một số khoản tín dụng của Eximbank đã bị đầy room, tức là các khoản cho vay DN, tập đoàn lớn tại NH này đều đã ở mức 15% vốn tự có.

"Nhu cầu vốn của các DN tốt đang còn rất lớn và đó cũng là chỗ để NH tăng trưởng tín dụng trong năm. Chẳng hạn, Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam hiện đang cần rất nhiều vốn để đầu tư xây dựng công trình.

NH HSBC dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ ở mức 5,1%. Trong khi đó, Capital Economics dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay và 5,5% trong năm tới. Báo cáo từ NH ANZ đánh kinh tế Việt Nam có nguy cơ không đạt được mức tăng trưởng 5,6% như dự báo mà NH này đưa ra cho năm 2013.

Tuy nhiên, room tín dụng dành cho DN này đã đầy nên Eximbank không thể cho vay thêm. Ngoài ngành than, ngành điện, dầu khí, lúa gạo, thậm chí những DN xuất khẩu hàng hóa cũng là những DN lớn hút vốn mà NH đang nhắm tới", ông Phước chia sẻ.

Cùng quan điểm, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc NH Đông Á, nói rằng, sau thời gian đẩy mạnh tín dụng cho vay DN nhỏ và vừa nhưng kết quả không được như ý muốn, do đó, khó khăn hiện nay của các NH không nằm ở tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng mà ở tỷ lệ cho vay tối đa cho một khách hàng tốt, theo quy định hiện nay là 15% vốn tự có.

Nói như Chủ tịch HĐQT Vietinbank, nếu được tăng tỷ lệ tối đa cho vay với một khách hàng từ 15% lên 25% sẽ giúp ích rất nhiều cho sự tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH.

Dao hai lưỡi

Thực ra, đối với vấn đề này Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã giải thích rằng, sở dĩ NHNN thận trọng để tránh những bài học trước kia là cho vay quá đà dẫn đến rủi ro. Tuy nhiên, Thống đốc cũng từng nhấn mạnh nếu NHTM cung cấp đầy đủ hồ sơ thì NHNN sẽ tích cực xử lý.

"Tính đến nay, tín dụng tăng trưởng khoảng 3%, đạt một phần tư mục tiêu 12% của cả năm. Theo chu kỳ thông thường, tín dụng thường tăng trưởng rất mạnh vào quý III, quý IV nên NHNN ủng hộ việc các NH xin điều chỉnh hạn mức để đón đầu. Do đó, việc nới room hay không ở thời điểm này phụ thuộc vào bản thân NHTM có thể đảm bảo được dòng vốn chảy đúng hướng hay không mới là quan trọng", Thống đốc nói.

Một chuyên gia tài chính cho rằng, việc xin tăng tỷ lệ cho vay đối với một DN là điều tốt nếu NH đang tăng trưởng thực chất, vốn được bơm đúng địa chỉ để hạn chế rủi ro. Nói như thế vì hiện nay, một số tập đoàn, DN lớn làm ăn khá tốt nhưng thiếu vốn để đầu tư sản xuất.

Nếu được khơi thông nguồn vốn, các DN này không chỉ giúp NH tăng trưởng tín dụng mà còn kéo theo sự phát triển của các DN nhỏ và vừa.

Ví dụ, Vietinbank vừa cấp hạn mức tín dụng hơn 2.500 tỷ đồng cho Tập đoàn Hoa Sen để đầu tư 2 dây chuyền thép cán nguội với công suất thiết kế 200.000 tấn/năm/dây chuyền và dây chuyền sản xuất tôn với công suất thiết kế 400.000 tấn/năm (thuộc giai đoạn 2 dự án Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ) trong thời hạn 6 năm.

"Tập đoàn Hoa Sen đang là DN sản xuất - kinh doanh tôn số 1 Việt Nam, với gần 42% thị phần tôn. Sản lượng xuất khẩu của Hoa Sen tính đến nay đạt 180.863 tấn, hoàn thành 79% kế hoạch. Điều này cho thấy Tập đoàn Hoa Sen đang hoạt động khá tốt.

Nếu dự án đi vào hoạt động, các DN phụ trợ liên quan đến việc xây dựng nhà máy như sắt, thép, xi măng... cũng sẽ bán được hàng. Khi Tập đoàn Hoa Sen cán mốc doanh thu 1 tỷ USD như dự kiến thì Viettinbank sẽ thu hồi được cả vốn lẫn lãi", vị chuyên gia nói.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nói rằng dồn vốn cho DN quy mô sẽ là "con dao hai lưỡi" đối với vốn đầu tư nên các NH nên cần hết sức cẩn trọng. Thực tế, điều này đã được chứng minh từ nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng trong hệ thống NH xuất phát từ việc cho vay tập đoàn lớn như Vinashin do giá trị lớn, luôn vượt khả năng tài chính của NH.

"Tóm lại, không nên đánh đồng các mức độ rủi ro tín dụng đối với DN khác nhau, đặc biệt là ở một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Vốn cho DN lớn luôn luôn phải là nguồn trung và dài hạn và khi các điều kiện để vay vốn hình thành trên một cơ sở đủ tiêu chuẩn", vị này phân tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chọn mặt nới room
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO