Chưa có thế hệ kế thừa tinh hoa văn hóa làng

BÍCH HỒNG| 23/06/2009 04:16

Trong chuyên đề “Số phận những ngôi làng đẹp nhất Việt Nam”, DNSG đã cùng bạn đọc đến thăm những ngôi làng có bề dày văn hóa, lịch sử mang tính tiêu biểu nhất của quá trình hình thành và phát triển từng vùng đất.

Chưa có thế hệ kế thừa tinh hoa văn hóa làng

Trong chuyên đề “Số phận những ngôi làng đẹp nhất Việt Nam”, DNSG đã cùng bạn đọc đến thăm những ngôi làng có bề dày văn hóa, lịch sử mang tính tiêu biểu nhất của quá trình hình thành và phát triển từng vùng đất. Hầu hết những ngôi làng ấy đang rất nổi tiếng, và cùng lúc, nó mang thêm trọng trách bảo tồn kho tàng văn hóa đang lưu giữ.

>>Làng Vua Lửa
>>Qua Chốn phủ đệ Kim Long
>>Làng phát mệnh đế vương

Lạc Tịnh Viên

Nhưng tồn tại thế nào vẫn là một câu hỏi không chỉ cần câu trả lời từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hay từ chủ nhân của những ngôi nhà rường cổ hàng trăm năm tuổi, mà còn từ những người thưởng thức hay cảm nhận những giá trị văn hóa này.

Những cuộc giao thoa văn hóa đến từ cuộc mưu sinh, đến từ làn sóng du khách đổ về chẳng khác nào con sóng dữ ngày đêm đập vào chân đê. Liệu những tinh hoa văn hóa đó vẫn luôn tỏa sáng trong cuộc sống hiện đại?

Hầu hết trong những ngôi nhà trên hai trăm năm tuổi tuyệt đẹp ở Kim Long - Phú Mộng Huế, hay ở Đường Lâm – Sơn Tây, chúng tôi luôn cảm nhận sự cô đơn hiện diện. Những ngôi nhà đẹp cổ kính cô đơn giữa những thôn xóm đang hiện đại hóa. Những cụ già bảy tám mươi tuổi cô đơn trong cái không gian cũ, con cháu đã tản mát làm ăn xa và chẳng thiết tha gìn giữ ngôi nhà cũ.

Ngược lại,ở những ngôi làng cũ của phố cổ Hội An, vì từng mét vuông không gian nơi đây lại trở thành đặc sản dán mác “Di sản văn hóa thế giới”, nên chủ nhân cũ đã bán với giá rất cao và ra đi. Những người mới đến mang theo thói quen sống mới, kiểu cách kinh doanh mới và làm cho công cuộc bảo tồn di tích văn hóa, không gian văn hóa trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Ngôi nhà Lạc Tịnh Viên ở Huế,một ngôi nhà nổi tiếng bởi vẻ đẹp kiến trúc, nhưng quan trọng nhất là có một chủ nhân còn cố công giữ gìn nề nếp cũ chỉ để cho du khách gần xa hiểu được cốt cách tinh thần xứ Huế một thời vàng son. Mùi hương trầm lãng đãng khắp nơi, mười hai bát hoa rải rác trong nhà ngoài hiên.

Ở độ tuổi trên bảy mươi, chủ nhân vẫn giữ vẻ đẹp toát ra từ cốt cách tinh thần cao quý, khoáng đạt của phụ nữ trí thức, lại cũng vẫn nguyên vẹn khuôn phép khép kín của bậc “lá ngọc cành vàng” xuất thân từ các phủ đệ danh gia vọng tộc. Chủ nhân trang điểm kín đáo, áo dài và chuỗi hạt, nụ cười khuê các, lời nói dịu dàng khiêm nhường ít gặp.

Những chủ nhân cuối cùng ở một làng cổ của Huế.

Không khí u tịch nhưng không hoang vắng, xưa cũ nhưng không điêu tàn. Phòng đọc sách khép hờ như chủ nhân mới cùng tao nhân dạo gót ra vườn. Và đặc biệt là chủ nhân, còn giữ nguyên vẹn tinh hoa cốt cách danh gia vọng tộc xứ Huế qua khuôn phép ứng xử, qua sự kỳ công gìn giữ nề nếp gia phong.

Một năm 12 tháng bà không chỉ chăm chút hoa cỏ cho khu vườn, mà còn gắng gỏi tổ chức những buổi gặp mặt đúng lễ nghi cho con cháu trong mỗi ngày giỗ kỵ, dạy cho các con trang điểm Lạc Tịnh Viên bốn mùa đúng kiểu các gia đình hoàng tộc.

Lạc Tịnh Viên dưới bàn tay chăm sóc của một quận chúa, cháu năm đời vua Minh Mạng thực sự sống động, với tất cả chiều sâu văn hóa, tập quán tựa như chẳng có vật đổi sao dời trong gần 120 năm qua.

Tuy nhiên, câu chuyện của bà đượm nhiều nỗi lo. Con cháu đã tản mác làm ăn khắp thế giới. Gia đình bà không thiếu kinh phí để bảo quản tôn tạo ngôi nhà cổ, nhưng người thừa kế cái tinh thần của Lạc Tịnh Viên thì không có. Sau này ngôi nhà nổi tiếng cũng sẽ chỉ là một di tích, nó không thể là một di sản văn hóa, được truyền lại và tiếp tục phát triển.

Câu chuyện của mỗi ngôi làng còn khó khăn hơn nhiều. Từ những chuyện không thể tin được, như người ta từng kéo đổ cổng làng Mông Phụ để xây cổng mới, phá đình làng còn nguyên vẹn để trùng tu, đến quy mô lớn hơn là quy hoạch lộn xộn trong quá trình đô thị hóa. Những ngôi làng cổ bao quanh Chùa Thầy đang bị những con đường cao tốc áp sát, và trên con đường đó các tòa cao ốc cũng đang tiến lại gần.

Ở một vùng gần Quảng Trị, chúng tôi từng chứng kiến người ta mua một lúc 15 cái nhà sàn cổ đưa về miền xuôi làm khu du lịch. Cái làng Vân Kiều cũ được “đền” cho những ngôi nhà cấp bốn lợp tôn...

Những ngôi làng cổ của Tây Nguyên liệu có giữ được bản sắc văn hóa trước làn sống du lịch?

Chúng ta đang không chỉ mất đi kiến trúc, mà còn mất mát kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ, đạo lý làm người, tình làng nghĩa xóm trong những ngôi làng ấy. Số phận những ngôi làng nổi tiếng của Việt Nam như ĐườngLâm, Phước Tích, Kim Long, làng vua lửa Tây Nguyên đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Chúng ta chưa có một thế hệ sẵn sàng kế thừa tinh hoa văn hóa của ông bà để lại, mà chỉ có những chủ nhân sẵn sàng cho công cuộc kinh doanh du lịch. Một cuộc kinh doanh chưa chắc thắng vì không giữ được, không hiểu được cái tinh thần cốt lõi của những ngôi làng cổ đang có.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chưa có thế hệ kế thừa tinh hoa văn hóa làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO