Chơi tranh để thấy mình khác biệt

Phan Minh Thông| 12/10/2022 09:00

Tranh nghệ thuật gần đây là một chủ đề nóng bỏng, rất nhiều người quan tâm và giá tranh tăng chóng mặt.

Khi có cơ hội chia sẻ với đồng nghiệp và đối tác là các tổng giám đốc công ty, tôi nhận được một câu hỏi rất thú vị: “Con đường nào dẫn tới việc anh chơi và mua tranh, rồi kinh doanh tranh?”.

-7789-1665457715.jpg

Hoa - họa sĩ Trần Lưu Hậu, chất liệu arcrylic trên toan

Lúc thân thiết, họ nói là họ thích làm giống như tôi nhưng họ không hiểu về nghệ thuật, không biết mua thế nào cho “đúng” một bức tranh, hoặc thiếu nơi tư vấn tin cậy. 

Đúng là trong suốt quá trình học từ cấp 1 đến đại học của chúng ta (nếu không học ở các trường nghệ thuật), nghệ thuật luôn được xem là thứ yếu và chưa được đặt đúng giá trị, cho nên bây giờ muốn kết nối, mua hay trao đổi một tác phẩm nghệ thuật thật không dễ dàng. Đại đa số người muốn mua tranh đều thắc mắc giá tranh đẹp thì cao và không biết mua thế nào cho đúng.

Thế giới phẳng và kinh tế phát triển giúp rất nhiều bạn trẻ kiếm tiền giỏi. Họ có tiền, có nhà cửa đẹp. Khi tiếp xúc với nhiều nhân sự cao cấp là ông chủ của các công ty trong khu vực và trên thế giới, họ nhận ra rằng không phải rất nhiều mà đại đa số những người quản lý cao cấp hoặc các ông chủ đều sưu tập các tác phẩm nghệ thuật. 

Nhiều câu hỏi bật ra là tại sao ở nước ngoài như Singapore, Indonesia, Hồng Kông... các nhà quản lý đều có thú sưu tầm tranh và cảm thấy tự hào khi sở hữu các tác phẩm nghệ thuật mà trong số đó có những tranh của các họa sĩ Việt Nam. Điều đó đã tác động đến các ông chủ Việt Nam, họ nhìn thấy tranh đẹp và cũng muốn mua.

Nếu là đồng hồ, xe ô tô thì ai cũng dễ dàng đánh giá về giá trị, nhưng một bức tranh, một tác phẩm nghệ thuật thì không biết đánh giá như thế nào? Và tôi thấy mọi người cần một đường dẫn. 

Tôi chia sẻ câu chuyện sưu tầm tranh của mình. Thật ra, lúc đầu tôi cũng y hệt như vậy, cũng lúng túng và không biết bắt đầu từ đâu. Hơn 10 năm trước, tôi xây nhà và thấy một mảng tường phòng khách rất đẹp bị trống và nghĩ mình phải mua một bức tranh gốc để treo. May mắn tôi được bạn bè giới thiệu ra một phòng tranh ở quận 1 khá tuyệt và ở đó tôi được tư vấn. Lần đầu tiên tôi mua một tác phẩm của họa sĩ Mai Xuân Oanh và đến giờ tôi vẫn nghĩ đó là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Mai Xuân Oanh. Tôi nghĩ mình đã rất may mắn. Sau đó, tôi được giới thiệu tranh đắt tiền của Trần Lưu Hậu với giá đắt gấp 5 lần tác phẩm của Mai Xuân Oanh dù nhỏ hơn, làm tôi không thể tin được. Thế là tôi đi về dù rất thích bức đó. 

Ngày hôm sau, tôi quay lại thì bức đó đã bị bán rồi và tôi rất tiếc... nhưng cũng không biết làm sao. Thế là tôi muốn tìm hiểu kỹ hơn và bắt đầu mua tranh đắt tiền vì thấy thị trường này bán khá tốt. Khi tôi mua bức tranh nào thì trước tiên tôi phải thích bức đó, thích tác phẩm đó và tên tuổi của họa sĩ cũng là một tiêu chí để lựa chọn, nhưng điểm mấu chốt là bạn phải rất thích tác phẩm.

Sau này, tôi mua tranh nhiều hơn vì khi tôi chia sẻ với các khách hàng nước ngoài của tôi về các bức tranh mà tôi sưu tập, thì có nhiều người tỏ ý rất thích và lập tức muốn mua các tác phẩm đó. Có những bức của các họa sĩ trẻ, nhưng cũng có nhiều bức của các danh họa Việt Nam rất đắt tiền. Điều này càng thôi thúc tôi đầu tư vào việc mua tranh và nghĩ đó là một món hàng nhiều khi bán khá dễ dàng. Sau 10 năm, tranh của họa sĩ Trần Lưu Hậu tăng hơn 7 lần. Đấy là một công việc đầu tư phải nói là thành công. 

Nhiều bạn bè sau này hỏi tôi là sao tôi lại tự tin giới thiệu hay nói chuyện về tranh như vậy? Có phải tôi có nhiều kiến thức hội họa hay không? Hay tôi có biết vẽ không và nếu biết vẽ có đẹp không? 

Không chỉ bạn bè và đối tác hỏi tôi, mà tôi cũng tự hỏi mình như vậy và tôi đi tìm hiểu, điều gì giúp mình có thể nói say sưa về tác phẩm nghệ thuật như vậy?

Câu trả lời là tôi không có nhiều kiến thức về hội họa, cũng không biết vẽ, nhưng điều làm tôi tự tin có lẽ là khả năng thưởng thức hội họa, một món quà lớn của cuộc sống. Tôi có cảm nhận rất tốt về vẻ đẹp của các bức tranh. Khi tôi xem thì ít khi tôi bị tác động bởi xung quanh và tôi thường biết sâu sắc mình thích cái gì. 

Khi bạn yêu tác phẩm, nhìn thấy vẻ đẹp và không bị bất cứ thứ gì tác động thì đó là điểm tựa lớn của bạn. Bạn không phải lên gân hay giả vờ yêu thích, mà tất cả sự yêu thích là sự thật từ con người bạn thì đó là điểm tựa lớn vì những cái đó không giả vờ được. Tình yêu nghệ thuật toát ra tự nhiên từ con người bạn, mà nhiều khi những người xung quanh nhìn thấy rõ, không cần bạn cất tiếng.

Hơn nữa, tôi bỏ rất nhiều tiền vào việc sưu tập tranh đã là một minh chứng cho tình yêu mà không cần nói nhiều lời.

Tôi có một may mắn là kết nối được với nhiều người chơi tranh. Thật tuyệt vời là họ cũng giống như tôi, khi họ khám phá ra sở thích rất điên rồ là sau khi mua một bức tranh đầu tiên thì tiếp tục mua và tiêu rất nhiều tiền. Nhưng hơn hết, họ khám phá trong chính con người họ có một nơi sâu thẳm nhiều năm không lộ diện: đó là cảm nhận về vẻ đẹp, tình yêu với các bức tranh, mà nếu không có dịp khơi mào thì gần như sẽ “ngủ yên”. 

Như tôi đã nói ở phần trước, nhiều năm đi học chúng ta không có cơ hội đánh giá cao nghệ thuật đúng với tầm ảnh hưởng của nó, vậy thì khi công việc và cuộc sống cho chúng ta nhiều trải nghiệm, biết đâu sẽ gợi mở ra những niềm vui, trong đó có sự yêu thích với tác phẩm nghệ thuật và các bức tranh.

Vậy đấy, đường dẫn của tôi là như vậy. Nếu bạn xây nhà, có văn phòng mới hay nhà bạn đang có mảng tường mới, hãy bắt đầu mua các bức tranh gốc của các họa sĩ mà bạn thấy đẹp. Tác phẩm ban đầu đó không cần phải đắt tiền, mà phải là tác phẩm bạn thấy thích, thấy yêu. 

Khi mua bức tranh mình thích mang về treo trên tường, bạn sẽ thấy căn nhà trở lên tuyệt vời biết bao, từ đó bạn sẽ thấy rất nhiều sự khác biệt.  

(*) Chủ tịch Phúc Sinh Group

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chơi tranh để thấy mình khác biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO