Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Vẫn có cơ hội cho doanh nghiệp Việt

MAI PHƯƠNG| 12/09/2018 06:18

Trong chương trình Café Doanh nhân - HUBA lần 37, chủ đề "Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đối với doanh nghiệp Việt" diễn ra vào ngày 8/9 tại khách sạn Rex (Q.1, TP.HCM), đại diện các doanh nghiệp cho rằng vẫn có cơ hội để khai thác nhiều thị trường cùng lúc, thay vì chỉ tập trung vào một thị trường lớn.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Vẫn có cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Với tham luận "Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đối với doanh nghiệp Việt Nam", ông Trần Toàn Thắng - Trưởng Ban Kinh tế Thế giới, Trung tâm Thông tin dự báo xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu Tư) đã chia sẻ, điểm qua các mặt hàng nằm trong nhóm 50 tỷ USD hàng hóa mà 2 nước Trung Quốc và Mỹ đang áp thuế dành cho đối phương thì không thấy các mặt hàng thuộc thế mạnh của Việt Nam. Điều này cho thấy sức ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến các doanh nghiệp Việt Nam là không đáng lo.

Duy chỉ có một vấn đề cần phải nhắc đến là lợi thế trong thu hút đầu tư, bởi một khi chi phí thương mại tăng cao thì nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ quan tâm hoặc tìm đến các kênh đầu tư. Lúc này giá nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam được dự báo rẻ hơn rất nhiều do không thể xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cơ cấu các mặt hàng doanh nghiệp Việt Nam đã và đang sản xuất, xuất khẩu thì đa phần chỉ các doanh nghiệp FDI mới có đủ năng lực đón làn sóng cơ hội này, vì vậy lợi thế vẫn thuộc về khối ngoại, chứ không phải các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đó, ông Thắng nói thêm, với kịch bản áp đặt lên 50 tỷ USD hàng hóa, trong cơ cấu kinh tế của Việt Nam hiện nay, mặc dù có cơ hội cho nước thứ ba nhưng tại Việt Nam lại có tác động tiêu cực hơn là tích cực, thậm chí đầu tư của doanh nghiệp FDI được dự báo sẽ giảm hơn một chút so với trước đó. Hơn thế nữa, nhiều nguồn tin cho rằng các biện pháp phi thuế quan sẽ được áp dụng một cách triệt để hơn trong thời gian tới.

Link bài viết

Trên thực tế, việc áp thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa dù được đánh giá là không ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng không hẳn là không đáng lo. Bởi theo ông Thắng, trong thời gian tới, một khi Mỹ thực hiện kế hoạch đánh thuế 200 tỷ USD hàng hóa thì sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam.

Trước những phân tích cùng dự báo từ phía chuyên gia về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa 2 thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam cũng chia sẻ góc nhìn và những câu chuyện thực tế mà họ biết được. Cụ thể, ông Nguyễn Trí Kiên - Giám đốc Công ty TNHH May túi xách Minh Tiến (Miti), vừa trở về sau khi tham dự một hội chợ thương mại tại Mỹ, đã cho biết, theo chia sẻ của một doanh nhân Trung Quốc tại hội chợ, trên thực tế các doanh nghiệp Trung Quốc cũng gặp khó khăn.

Theo một đại diện doanh nghiệp Trung Quốc, trước diễn biến vừa qua, đã có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đóng cửa, đồng thời một số doanh nghiệp tìm cách xả hàng, số khác thì tìm đến những quốc gia thứ ba để hạn chế tác động từ chính sách áp thuế. Ông Kiên nhận định, đây là vấn đề rất đáng lo ngại đối với kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, ở góc độ khác, ông Kiên cho rằng các doanh nghiệp lớn sẽ có cơ hội nếu chủ động khai thác thị trường Mỹ hoặc các thị trường khác, thay vì chú trọng quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

Trên thực tế, thời gian qua cũng đã có rất nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài tìm đến làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam. Một đại diện doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dây cáp cho biết, chỉ trong tuần qua, doanh nghiệp đã tiếp đến 6 đoàn doanh nghiệp Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc tìm đến làm việc. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội làm việc với các nước lớn. Thế nhưng điều doanh nghiệp kỳ vọng là Chính phủ cần đưa ra những định hướng và tiêu chí cụ thể để doanh nghiệp dễ dàng quyết định đầu tư hơn.

Đồng tình với quan điểm này, luật sư Phan Văn Hải - hội viên Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP.HCM cũng chia sẻ, các doanh nghiệp Việt Nam nên nhìn cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ở khía cạnh tích cực, xem đó là cuộc chơi giữa các doanh nghiệp, rất bình đẳng và rõ ràng. Nếu được, các doanh nghiệp lớn tại đầu tàu kinh tế của cả nước nên có sự liên kết và định vị trong cuộc chơi toàn cầu để xác định ta đang đứng ở vị trí nào, từ đó mới có thể xác định được giá trị thực tế của doanh nghiệp Việt Nam.

Mặc dù vẫn nhìn nhận là có cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển, thế nhưng doanh nghiệp luôn mong muốn Nhà nước sẽ xây dựng các chính sách vĩ mô có liên quan đến doanh nghiệp. Cụ thể là sự tác động hoặc những ngành hàng thuộc diện "cần lưu ý" trước danh mục áp thuế hàng hóa 200 tỷ USD.

Về vấn đề này, ông Thắng chỉ ra thực tế là Chính phủ rất khó xây dựng một chiến lược về hàng rào thuế quan, trong khi Việt Nam gần như đã ký hết các hiệp định thương mại tự do (FTA) rồi. Tuy nhiên, ở góc độ nhà làm chính sách, ông Thắng cũng lưu ý doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đến xu hướng áp đặt phi thuế quan đang tăng lên. Vì với nhiều ngành sẽ là cơ hội tốt, nhưng cũng có nhiều ngành gặp thách thức lớn, điều này còn căn cứ vào mức độ ảnh hưởng của thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Vẫn có cơ hội cho doanh nghiệp Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO