![]() |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), một trong những thách thức đối với doanh nghiệp ngành thủy hải sản chính là chi phí logistics trong xuất nhập khẩu đang ngày càng tăng, góp phần làm giảm năng lực cạnh tranh cũng như cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.
VASEP cho biết, những năm gần đây, nhiều hãng tàu đã tăng thêm các mức phí so với trước. Đơn cử trường hợp Mearsk/MCC Line - hãng tàu hiện có thị phần lớn nhất tại Việt Nam tính từ năm 2013 đến nay, trong giai đoạn này, Hãng đã tăng một số chi phí từ 30 - 38%.
Cùng với tăng các mức phí, các hãng tàu cũng đưa ra thêm nhiều loại phí mới như phí khai báo trọng lượng (VGM) từ 300.000 - 500.000 đồng/lô hàng, phí truyền dữ liệu từ đại lý Việt Nam cho đại lý nước ngoài từ khoảng 750.000 - 850.000 đồng/lô hàng, mặc dù việc truyền dữ liệu này được thực hiện thông qua website.
Diễn đàn Logistics Việt Nam được thực hiện tại TP.HCM cách nay 2 năm đã chia sẻ một khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho rằng chi phí logistics chiếm tỷ lệ rất lớn trong giá thành sản phẩm của nhiều ngành hàng tại Việt Nam.
Thời điểm đó, ở ngành thủy sản, chi phí logistics đã chiếm 12% giá thành sản phẩm, đồ gỗ 23%, rau củ quả 29,5%, gạo chiếm đến 30%. Như vậy, chi phí logistics của Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12% và gấp 3 lần so với Singapore. Điều đáng lưu ý trong chi phí logistics của các doanh nghiệp Việt Nam là chi phí vận tải đã chiếm tới gần 60%.
Một thống kê từ Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam cũng chỉ ra, dịch vụ logistics tại Việt Nam hiện có quy mô lên đến hàng chục tỷ USD/năm. Thế nhưng chi phí vận tải chiếm hơn 2/3 giá trị hàng hóa, trong khi chi phí này ở các nước chỉ chiếm khoảng phân nửa giá trị hàng hóa. Do đó, chi phí logistics đang là gánh nặng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam bởi mức phí cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung trên thế giới.
Về vấn đề này, theo thông tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi phí vận chuyển một container hàng hóa từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đôi khi đắt gấp 3 lần so với việc vận chuyển hàng từ Trung Quốc, Hàn Quốc về Việt Nam. Dẫu biết so sánh như vậy là khập khiễng, nhưng theo phía VCCI, cũng có khá nhiều điều cần suy ngẫm.
Dù đã được bàn luận trong rất nhiều hội thảo, thế nhưng sáng ngày 16/4, tại hội nghị về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông, được tổ chức theo hình thức truyền hình trực tuyến với sự tham gia của các bộ, ngành địa phương và đông đảo các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp sản xuất thuộc các ngành hàng, kinh doanh dịch vụ logistics, vận tải, hỗ trợ vận tải,... vấn đề nổi trội nhất là chi phí logistics của Việt Nam đang ở mức cao cũng đã được nêu lên.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, chi phí vận chuyển container loại 40 feet bằng đường bộ từ Hà Nội vào TP.HCM là khoảng 40 triệu đồng, cao gấp gần 10 lần so với vận chuyển bằng đường biển và gần 2,5 lần so với vận chuyển bằng đường sắt.
Một trong những nguyên nhân khiến chi phí vận chuyển bằng đường bộ tăng cao là do sự cạnh tranh không lành mạnh, giao dịch qua quá nhiều trung gian, chi phí xăng dầu đang chiếm khoảng 30 - 35%, phí cầu đường bình quân chiếm khoảng 10 - 15%...
Để giảm chi phí logistics, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng cần đầu tư hình thành tuyến đường bộ cao tốc quốc gia chuyên dùng đảm bảo kết nối hiệu quả các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế trọng điểm và các khu vực cửa khẩu. Ngoài ra, đối với ngành đường sắt, cần xây dựng các ga đầu mối hàng hóa, nâng cấp trang thiết bị để ngày một hoàn thiện và hiện đại hơn.
Cùng với những đề xuất cho ngành đường bộ, đường sắt, ngành hàng không cũng được đề xuất đẩy mạnh phát triển dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường hàng không, chuyên trung chuyển hàng hóa và có cơ chế ưu đãi để tạo động lực cho các hãng hàng không mở tuyến bay vận chuyển hàng hóa.