Ross Stewart và tình yêu với Việt Nam

Hoàng Linh Lan| 18/11/2019 07:00

Bằng tình yêu trong trẻo dành cho điện ảnh và những người trẻ làm phim, 10 năm trước, Ross Stewart đưa "Làm phim 48H" (48HFP) đến Việt Nam, mà chính ông cũng không nghĩ, dự án này sẽ trở thành hành trình đáng nhớ của ông tại đất nước này.

Ross Stewart và tình yêu với Việt Nam

48HFP và hành trình của Ross Stewart tại Việt Nam

Mark Ruppert và Liz Langston rất thích làm phim ngắn. Khi thảo luận với nhau, Mark đưa ra một ý tưởng điên rồ - hoàn thành cuộn phim này trong 48 giờ! Họ bắt tay thử sức và nhận ra hoàn toàn có thể. Điều họ nhận được không chỉ là bộ phim ngắn được thành hình mà còn là niềm vui và sự gắn kết. Mark và Liz không dừng lại ở đó. Họ muốn chia sẻ ý tưởng này đến các nhà làm phim trẻ trên toàn thế giới để khuyến khích, cổ vũ họ bắt tay vào làm những thước phim đầu tay - bệ phóng kinh nghiệm cho những thước phim dài.

Năm 2001, Làm phim 48H (48HFP) được thành lập ở Mỹ, trở thành một trong những cuộc thi sáng tạo và cam go nhất với “cuối tuần không ngủ” - theo cách những người trẻ nói về cuộc thi này khi trong vòng 48 giờ, họ phải hoàn thành một bộ phim ngắn có thời lượng từ 4-7 phút, bám sát theo nhân vật, đạo cụ và câu thoại bắt buộc được ban tổ chức đưa ra trong ngày khai mạc. Tính đến nay, 48HFP đã có mặt trên 130 quốc gia của 6 lục địa trên thế giới, sản xuất khoảng 30 nghìn bộ phim ngắn, thu hút 390 nghìn nhà làm phim tham gia.

Bộ phim giành chiến thắng ở mỗi quốc gia sẽ được tham dự vòng chung kết toàn cầu Filmapalooza của 48HFP. Nếu chiến thắng vòng quốc tế, bộ phim này sẽ có cơ hội công chiếu tại Góc phim ngắn của LHP Cannes.

Năm 2010, 48HFP đến Việt Nam nhờ bàn tay chăm chút của Ross Stewart. Hành trình của Ross bắt đầu bằng lời rủ rê của người bạn, đi xem Người vợ ma của sân khấu Hồng Vân, vở kịch đang làm mưa làm gió thời bấy giờ trên sân khấu kịch kinh dị.

"Mặc dù bạn tôi thuyết phục rằng vở kịch rất hay, và tôi thì đã đến Việt Nam cách đó vài năm nhưng với vốn tiếng Việt quá tệ, tôi không thể hiểu được vở kịch nói gì. Cố gắng đến 30 phút thì tôi hoàn toàn bỏ cuộc. Tôi nhận ra người trẻ ở Việt Nam hoàn toàn không có sân chơi sáng tạo nào, đặc biệt là các nhà làm phim và tôi cũng tự hỏi, mình đang làm gì ở đất nước này? Chính vì thế, tôi muốn tạo ra một dự án sôi động để các bạn hào hứng tham gia, từ đó quy tụ họ thành một cộng đồng".

Tạm biệt để mở ra chương mới

Trong vai trò người điều phối, làm sản xuất và kết nối các nguồn lực từ nhà tài trợ, nhà làm phim, rạp chiếu cho đến truyền thông, 10 năm qua, Ross Stewart đã sản xuất 1.000 phim ngắn. Rất nhiều nhà làm phim trẻ Việt Nam trưởng thành từ cuộc thi, bắt tay làm những thước phim dài đầu tay như Vũ Ngọc Phượng, Luk Vân, Chung Chí Công… 3 đại diện Việt Nam gồm A Good Day to Die (2010), Canh Ba Ba (2011) - hai phim thắng vòng quốc tế và Đường mật (2018) lọt top 4 phim xuất sắc, thắng giải Đạo diễn xuất sắc đã đến LHP Cannes.

Đây đồng thời là dự án duy nhất trình chiếu tất cả những phim hợp lệ tại rạp cho tất cả cộng đồng cùng thưởng thức. Tất cả những hoạt động này giúp biến giấc mơ của các nhà làm phim Việt Nam thành hiện thực khi tác phẩm của mình được trình chiếu rộng rãi ở một rạp thương mại (điều gần như bất khả thi đối với nhà làm phim độc lập).

Tất nhiên, hành trình của Ross không chỉ trải hoa hồng. Ông gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục ngay khi bắt đầu, tiếp đó là về tài chính. Một quãng 3 năm (2015-2017) 48HFP gián đoạn tại Việt Nam nhưng Ross chưa bao giờ bỏ cuộc dù trong những lúc mệt mỏi nhất, ông than với bạn bè rằng: “Chắc là tao phải dừng mọi thứ lại ở đây thôi!”

Năm 2019, đánh dấu cột mốc 10 năm của 48HFP tại Việt Nam. 10 năm với rất nhiều kỷ niệm, nước mắt, nụ cười và cũng là năm Ross Stewart nói lời chia tay Việt Nam vì yêu cầu công việc. Ross nói, ông sẽ nhớ Việt Nam rất nhiều, nhớ những người bạn Việt Nam đã cùng ông đồng cam cộng khổ, nhớ những làm phim trẻ, những người tài năng và đầy tự tin. Điều họ thiếu và cần chính là một sân chơi, một sự cổ vũ mạnh mẽ.

“Kỷ niệm đáng nhớ luôn thuộc về những nhóm tham dự. Mỗi dự án thường có rất nhiều nhà làm phim đầu tay, hoàn toàn không kỳ vọng gì nhiều từ việc dự thi. Nhưng cuối cùng, rất nhiều người tìm tới chúng tôi với nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt, kể lại những trải nghiệm tuyệt vời của họ, và mong muốn được tiếp tục tham gia trong những năm sau” - Ross chia sẻ.

Với các nhà làm phim trẻ, Ross Stewart vừa là một người thầy đầy kinh nghiệm, một người bạn xông xáo, sẵn sàng sẻ chia, một người hướng dẫn tận tình. Còn Ross, bằng sự gắn bó với họ đã bày tỏ những lời chân thành: “Các nhà làm phim trẻ hiện nay chính là sự khởi đầu của một định hướng điện ảnh mới ở Việt Nam. Tôi hy vọng cuộc thi này giúp cho các ông bố bà mẹ yên tâm hơn về con cái họ khi nghe chúng nói muốn trở thành một nhà làm phim, thay vì trở thành kỹ sư, bác sĩ, giáo viên dạy tiếng Anh… Tôi cũng hy vọng các cơ quan chức năng của Việt Nam tạo điều kiện và có cái nhìn cởi mở hơn để hỗ trợ những tài năng điện ảnh. Còn các bạn, hãy tự tin bước ra và thực hiện những thay đổi”.

Chia tay 48HFP Việt Nam, Ross Stewart cho biệt ông sẽ tiếp tục phát triển dự án 48HFP ở châu Á. Tình yêu của ông với điện ảnh, giờ đây lớn hơn và cũng đầy áp lực hơn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ross Stewart và tình yêu với Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO