Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Bay bổng trong thế giới tuổi thơ

Phương Trang| 19/09/2019 01:00

Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh không chỉ khiến bạn đọc tuổi hoa niên say mê mà người lớn cũng tìm thấy ở đó những ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ, những gạn đục cho tâm hồn. Văn chương của ông đơn giản mà ấm áp, thấm đượm tinh thần sống đẹp, sống vì người khác.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Bay bổng trong thế giới tuổi thơ

Làm bạn với bầu trời, cuốn sách mới nhất của ông cũng không ngoại lệ. Tèo, cậu bé chẳng may bị ngã xuống suối, phải nằm bất động. Vậy nhưng, Tèo “bao giờ cũng nhìn thấy sự may mắn trong hoàn cảnh kém may mắn, tươi vui trong số phận kém tươi vui, bao giờ cũng đối xử tốt với cuộc đời mặc dù không phải lúc nào cuộc đời cũng đối xử tốt với mình”. Cậu bé luôn xem việc làm bạn với bầu trời cao xanh và khoáng đạt là niềm vui. Niềm vui này lớn hơn nhiều so với những mất mát mà bản thân cậu đang phải gánh chịu.

Kể câu chuyện giản dị này qua hình ảnh ẩn dụ của bầu trời, một lần nữa, Nguyễn Nhật Ánh gột rửa tâm hồn đầy bụi bặm cho những người lớn.

* Thưa nhà văn, ông mất bao lâu để hoàn thành cuốn sách này? Và tại sao lần này, ông lại chọn Tèo, một cậu bé không may làm nhân vật chính?

Tôi mất khoảng 7-8 tháng để viết. Cũng như bao truyện khác, nhân vật Tèo không lấy nguyên mẫu cụ thể ngoài đời mà được kết từ nhiều câu chuyện, nhân vật. Tôi không cố ý buộc nhân vật phải có hoàn cảnh thế này, thế kia để kể câu chuyện của mình. Chỉ là, trong suốt quãng thời thơ ấu và cuộc sống sau này, tôi có những người bạn không may bị khuyết tật. Họ hiện hữu và gắn bó, trở thành một phần ký ức. Điểm chung của họ là sự lạc quan, tin yêu vào cuộc sống, hơn cả người thường. Khi tôi viết, mọi thứ cứ thế hiện ra. Họ có thể khiếm khuyết về cơ thể nhưng tâm hồn của họ rất đẹp. Cũng giống như thằng Tèo trong truyện, nó có nhu cầu được yêu thương và cũng có nhu cầu yêu thương người khác. Tâm hồn nó đẹp và lớn lao hơn bất hạnh của bản thân. Viết về những nhân vật như vậy cũng là cách tôi học tập họ.

* Thế giới của ông trong trang sách luôn trong trẻo và bay bổng. Ông “vẽ” thế giới ấy để người khác đọc hay để chính ông được sống trọn vẹn với những ám ảnh của tuổi thơ?

Trước tiên là tôi viết cho chính mình. Tôi yêu tuổi thơ, tiếc nuối và bất lực khi nhận ra càng ngày tôi càng rời xa nó. Viết những cuốn sách là cách để tôi kéo tuổi thơ gần lại, để những điều đẹp đẽ ấy sống mãi. Và tôi chia sẻ cảm xúc của tôi với bạn đọc, như chia sẻ một giấc mộng. Các bạn đọc đa cảm ấy, họ cũng yêu tuổi thơ của mình nên họ sẵn sàng lên chuyến tàu ký ức của tôi. Giống như nỗi náo nức trong thơ Chim Trắng: “Lên chuyến xe lam về Tiên Thủy/Xem năm mười bốn mất hay còn”.

* Hẳn thế giới đó cũng mang đến cho tâm hồn ông sự trẻ trung, khiến ông luôn trẻ hơn tuổi thật?

Tuổi thơ là thế giới trong trẻo. Những nhân vật trẻ thơ là những nhân vật hồn nhiên. Viết về thế giới đó mỗi ngày, tiếp xúc với các nhân vật trẻ em đó mỗi ngày, nhà văn giống như sống trong một bầu khí quyển vô trùng, “lây nhiễm” cả cách nhìn đời trong sáng của các nhân vật. Nhờ vậy, tâm hồn người viết cũng trẻ trung hơn, gột rửa được những vướng bận thường ngày.

Tôi nghĩ mình có dí dỏm, tinh nghịch trong tâm hồn… chút chút nhưng không vì vậy mà tôi bị… đánh lừa bởi những nhận xét ưu ái về ngoại hình. Hồi tôi còn trẻ, như nhiều nhà văn đi giao lưu bây giờ, bạn đọc thường đề nghị: bạn/anh ký giùm em cuốn sách này. Theo thời gian, là chú, là bác ký giùm con cuốn này. Gần đây nhất, một bạn đọc dẫn theo đứa con: “Con con, lại chụp hình với ông đi con”. Chính bạn đọc đã chỉ ra sự thật… phũ phàng cho tôi.

* Đứng tên trên 100 đầu sách và gần như đều là best-seller, đã có lúc nào ông cảm thấy… bão hòa ý tưởng?

Rất may là tôi chưa từng rơi vào trạng thái này. Khi đã bão hòa, mọi khát khao sáng tạo coi như kết thúc. Nhà văn sẽ mất động lực, sẽ không còn cảm hứng để sáng tác. Tôi thì vẫn còn nhiều đề tài muốn thử sức, nhiều ấp ủ muốn thực hiện. Tôi vẫn viết đều đặn mỗi ngày. Bởi nếu không viết thì tôi không biết làm gì cả. Đối với tôi, thực lòng mà nói, “in trên 100 cuốn sách” hay “sách best-seller” chỉ là con số thống kê. Khi bắt tay viết một cuốn sách mới, bao giờ tôi cũng có cảm giác hào hứng và hồi hộp như đang viết tác phẩm đầu tay.

* Cảm ơn nhà văn đã chia sẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Bay bổng trong thế giới tuổi thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO