Nhà văn không thể không cầm bút

HẢI DƯƠNG - THÁI HOA| 29/10/2010 05:46

Khi chúng tôi đến vẫn thấy ông cặm cụi bên chiếc bàn để viết sách. Không ai nghĩ những dòng chữ nắn nót, chắc khỏe lại là của một người cụt cả hai bàn tay viết ra...

Nhà văn không thể không cầm bút

Tên thật của ông là Trần Đức Mô, do cùng xã với nhà văn Nam Cao (xóm 2, Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam) nên việc tìm đến nhà ông không phải là chuyện khó. Khi chúng tôi đến vẫn thấy ông cặm cụi bên chiếc bàn để viết sách. Không ai nghĩ những dòng chữ nắn nót, chắc khỏe lại là của một người cụt cả hai bàn tay viết ra...

Những trang sách ứa nước mắt

Sinh năm Ất Dậu (1945) đúng vào cái nạn đói nên ông nghiệm ra một điều cuộc đời mình gặp rất nhiều đau khổ, nhọc nhằn. Sau hơn mười năm lăn lộn ở chiến trường như bao chàng trai khác, anh lính Đức Mô quay trở về làng quê, rồi đi học trung cấp xây dựng.

Tháng 4/985, trong một lần giúp bạn sửa điện cao thế, ông đã bị tan nạn nghiêm trọng. Các bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ cả hai bàn tay để cứu lấy tính mạng ông. Thời gian sau đó đối với ông là cả một chuỗi dài đau đớn của một người tàn phế. Những ý nghĩ rời bỏ cuộc sống để quên đi sự thật rằng “mình là gánh nặng của gia đình và xã hội” đã từng xuất hiện trong ông...

Thế nhưng thương người vợ hiền và đàn con nhỏ, ông cố nén nỗi đau để làm những việc nhỏ giúp gia đình. Ban đầu là chăm sóc lợn, gà, quét tước vườn tược, rồi công việc cứ nặng dần như cày cấy, gánh nước...

Công việc giúp ông lấy lại sự tự tin của một người lính. Thế rồi, ông thổ lộ: “Nhiều khi thấy tâm can mình bứt rứt nhưng lại không có ai để tâm sự nên tìm đến văn chương để bày tỏ nỗi lòng mình”.

Và Trần Đức Mô đã đến với văn chương rất đỗi tự nhiên như thế. Nhưng khi đôi tay đã không còn thì việc viết văn dường như khó hơn lên trời. Nên những ngày đầu tập cầm bút thật khủng khiếp đối với ông.

Ông kể: “Thời đó, tập dùng hai cánh tay cụt để nâng cây bút lên đã mất nhiều tháng trời. Giữ được cây bút trong bằng hai mỏm tay đã cụt đến khuỷu đã khó, viết được thành chữ càng khó hơn. Có những lúc đau đớn tưởng ứa nước mắt, nhưng vẫn phải cố kìm nén để vợ và con không phải lo lắng...”.

Tập cầm bút rồi tập viết để những con chữ ngay ngắn trên trang giấy chính là việc đầu tiên của nhà văn nông dân Từ Thiết Linh.

Ông tâm sự: “Dù tay bị cụt nhưng tôi vẫn luyện để viết. Vì tự viết sẽ có cảm hứng vừa viết vừa sáng tác, mà đánh máy vi tính thì phải đeo ống vào tay có mũi nhọn ở dưới gõ từng chữ sẽ chậm và lại càng đau tay hơn. Với lại nhà văn không thể không cầm bút”.

Đó cũng là điều đặc biệt khiến mọi người càng thấy được nghị lực vươn lên để “tàn nhưng không phế” của ông.

Mặc dù cụt cả hai tay nhưng ông chưa bao giờ sống dựa vào đồng tiền của gia đình, với ông đã dấn thân vào nghiệp văn thì phải sống được bằng chính tiền nhuận bút của mình.

Tất cả các tác phẩm của ông đều hướng về người phụ nữ ở vùng quê có số phận và gian khó trong thời kỳ đổi mới, cùng với vấn đề nông thôn, nông dân.

Ở những tác phẩm ấy, người đọc thấy hiển hiện trên trang sách hình ảnh người đàn bà góa sống khổ cực, bị các em chèn ép mấy lần muốn tự tử, hay người cán bộ xã sau khi về hưu ốm đau bệnh tật mà chẳng được quan tâm...

Ông đã dùng ngòi bút để thay họ viết lên tâm trạng cũng như sự đau khổ, uất ức. Thành thị hóa nông thôn vẫn kéo theo nhiều người nông dân luẩn quẩn trong vòng đói nghèo, lạc hậu, thậm chí là phạm pháp để rồi gia đình ly tán...

Từ Thiết Linh xuất hiện trên văn đàn bằng truyện ngắn đầu tay Nghệ sĩ ve đăng trên Tạp chí Công nhân Nam Định. Nhà văn nhớ lại: “Khi đó, nghe tiếng ve kêu râm ran giữa trời nắng mà không biết mệt, tự nhiên tôi lại liên tưởng đến những con người lao động, vậy là đặt bút viết luôn”.

Đây cũng giống như bước mở đưa Từ Thiết Linh tiến sâu vào sự nghiệp văn chương. Năm 2000, với tác phẩm Bến lỡ (NXB Lao động - 2000), ông đã đạt giải nhất thi sáng tác văn học viết về đề tài công nhân toàn tỉnh Hà Nam. Sau đó, tiếp tục cho ra các tác phẩm như: Miền quê trăn trở (NXB Hội Nhà văn Việt Nam - 2004) và mới đây nhất là Dòng đời rong ruổi (NXB Lao động - 12/2008).

Theo nhà văn, hiện ông đang viết một cuốn tiểu thuyết dài khoảng 500 trang trong hình tượng nông dân vẫn là hạt nhân để khởi nguồn những câu chuyện buồn, vui lẫn lộn.

Không chỉ viết văn mà Từ Thiết Linh cũng là một nhà thơ. Cuối năm 2009, ông cho xuất bản một tập thơ mang tên Hương đất. Ông luôn mang một nỗi niềm trăn trở, “Thời nay, đề tài đi sâu vào tâm tư, tìn cảm của người nông dân vẫn ít được chú ý, trong khi xung quanh họ có bao điều đáng để viết”.

Như trong truyện ngắn Thầy đồ đắc nghệ, rõ ràng chữ nghĩa đã giúp nông dân thoát nghèo nhưng rồi khi người ta quay mặt lại với con chữ thì một ngày nào đó, cái nghèo sẽ quay lại và lúc đó thì nghèo một cách cùng quẫn.

Cũng có những truyện đề cập đến sự năng động, giỏi tính toán làm ăn của nông dân trên mảnh đất cằn sỏi... Có những người tự bứt ra khỏi ám ảnh nghiện ngập để trở lại làm người lương thiện, chịu khó làm ăn bằng mô hình VAC...

Lương y miền quê nghèo

Bị tan nạn, sống trong những ngày tháng đau đớn về thể xác ông cũng đã nung nấu ý định sẽ theo đuổi nghề y để chữa bệnh cứu người. Đã từng học qua cách làm thuốc và kết hợp tham khảo nhiều loại sách đông y, nên ông cũng mày mò sáng tạo ra được một số bài thuốc hữu dụng.

“Vùng quê tôi còn nghèo lắm, nhiều người dân vẫn đói ăn, khi bị ốm đau cũng chẳng có tiền để đi mua thuốc. Tôi thương họ lắm, chính vì thế hành nghề y cũng chỉ mong sao giúp họ được một phần nào khó khăn”, ông thổ lộ.

Ông đã dành cả một sào đất vường để trồng các cây thuốc như: xạ cam, dấp cá, bạc hà, sâm hành, đan sâm, thủy xạ, bồ đề... Dưới sàn nhà, ông cũng đặt hàng trăm lọ thuốc ngâm. Từ những lọ thuốc ấy, nhà văn Từ Thiết Linh đã giúp được nhiều người ốm đau qua cơn nguy khó.

Người bệnh trong vùng đến khám, nếu chưa có tiền ông vẫn kê thuốc, bao giờ có tiền thì mang đến trả, với một cái giá rất ưu ái. Chính vì thế ở mảnh đất Hòa Hậu hôm nay, hỏi thầy thuốc Từ Thiết Linh sẽ còn có nhiều người biết hơn là cái danh nhà văn, nhà thơ.

Năm 2003, ông đã được kết nạp vào Hội Đông Y huyện Lý Nhân - Hà Nam. Tạm biệt nhà văn, nhà thơ, thầy thuốc Từ Thiết Linh, trong lòng chúng tôi cứ nghĩ ngợi hoài về câu thơ “Bàn tay ta làm nên tất cả/ có sức người sỏi đá cũng thành cơm” của Hoàng Trung Thông.

Có lẽ Từ Thiết Linh mà chúng tôi đã biết, độc giả đã từng đọc tác phẩm của ông, thực sự vượt ra ngoài ý nghĩa của câu thơ đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà văn không thể không cầm bút
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO