Không bắt đầu sẽ không bao giờ có...

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (thực hiện)/DNSGCT| 27/10/2012 08:06

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (bí danh tự nhận “Dũng khùng” - chất riêng, cá tính, bản năng) được nhiều người đánh giá “là hình ảnh của lứa đạo diễn độc lập, không bị những áp đặt trong tư duy nghệ thuật” và phim của anh thuộc hàng có “doanh thu khủng nhất của điện ảnh Việt Nam”.

Không bắt đầu sẽ không bao giờ có...

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng (bí danh tự nhận “Dũng khùng” - chất riêng, cá tính, bản năng) được nhiều người đánh giá “là hình ảnh của lứa đạo diễn độc lập, không bị những áp đặt trong tư duy nghệ thuật” và phim của anh thuộc hàng có “doanh thu khủng nhất của điện ảnh Việt Nam”.

Đọc E-paper

* Phim Mỹ nhân kế của anh sẽ ra mắt phục vụ tết, đang làm đến đâu rồi?

- Phim đã quay xong, đang làm hậu kỳ, dựng phim kỹ xảo và tôi rất ưng ý.

* Vậy phim có gì đặc biệt hơn so với những phim trước của anh không?

- Khán giả sẽ được mãn nhãn về mặt thẩm mỹ hình ảnh, vì đây là bộ phim kiếm hiệp Việt Nam được thực hiện với kỹ thuật 3D.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng. Tranh Hoàng Tường

* Chắc có nhiều cảnh gay cấn?

- Có rất nhiều pha đáng chú ý, ví dụ như cuộc đối đầu giữa hai người đẹp Tăng Thanh Hà và Thanh Hằng. Hoặc cảnh đá cầu mây trên núi…

* Anh suy nghĩ gì khi bước vào làm phim hành động Việt Nam?

- Chúng ta thiếu truyền thống làm phim hành động, do đó tay nghề không chắc. Tiền đầu tư là một việc, ngoài ra còn là ý thức, khả năng. Chưa đạt được vì lý do không làm.

* Trong tình hình kinh tế suy giảm như hiện nay, liệu bộ phim có thể đạt được mức “doanh thu khủng” như những phim trước đây của anh: Nụ hôn thần chết, Giải cứu thần chết, Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Những nụ hôn rực rỡ…?

- Mong là phải hơn. Vì đầu tư 17 tỉ đồng thì muốn có lãi phải thu được tới 34 tỉ đồng.

* Trước anh định lấy tên phim là Chân dài hành động nghe cũng có vẻ rất ăn khách, sao cuối cùng lại chọn tên Mỹ nhân kế?

- Đây là phim cổ trang kiếm hiệp, Chân dài hành động chỉ là ý tưởng tạm ban đầu, sau thấy không hợp với kịch bản. Mỹ nhân kế nghe hơi hướng Trung Hoa, nhưng đúng với chuyện phim nhất.

* Anh từng nói làm phim ăn khách luôn là mơ ước của mình. Lại còn nói làm phim không cần người xem nhớ lâu. Vậy chỉ là giải trí, làm sao điện ảnh có được những phim đỉnh cao như Cánh đồng hoangcủa cha anh, nhà văn Nguyễn Quang Sáng?

- Thị trường ngày càng phát triển. Trong trường điện ảnh dạy những chuyện lớn, cao xa bất hủ. Còn muốn cho khán giả nhớ được thì trước hết phải làm cho người ta yêu và đến xem nó đã. Khán giả quay lưng lại, không xem thì làm sao nhớ!

Tiêu chí phải phù hợp với từng thời kỳ. Thế hệ sau phải tìm thấy một cái gì đó. Phải mất một thế hệ sau nữa. Cánh đồng hoang hay ở thời kỳ đó, tay nghề, hồn nhiên… Nhưng nay phải là một cái khác, ngay như có làm phim về chiến tranh cũng phải có góc nhìn khác.

* Vậy theo anh, cái đặc biệt của những người làm phim thể hiện ở chỗ nào?

- Người làm phim lúc nào cũng muốn có một sự đặc biệt cả. Phim ngày nay đã đa dạng hơn. Thời kỳ trước năm 1980, có đến 90% phim Việt Nam là về đề tài chiến tranh. Cũng nhiều phim giống nhau, nhưng người ta vẫn nhớ, vì lúc đó ít phim, cũng không nhiều phim nước ngoài, không có phim Hollywood. Bây giờ khó hơn.

Thế giới nghiên cứu đưa ra con số 90% phim thất bại, chỉ từ lỗ đến huề vốn. Những phim lỗ, phim dở thì không có dấu ấn. Những phim hay đến với chúng ta là những phim đã được lựa chọn rồi. Giống như hằng ngày ta chỉ ăn cơm, cuối tuần mới nấu món đặc sắc. Đừng quá quan trọng chuyện đó.

Phim Việt Nam học theo, giống phim nước ngoài là hiển nhiên. Ví như ta mới là anh học trò cấp một, trong khi Hollywood là anh sinh viên đại học chẳng hạn. Mình học theo thì đâu có gì phải lên án.

Điện ảnh Hàn Quốc bây giờ phát triển, nhưng ban đầu cũng chịu ảnh hưởng từ những phim lớn. Nền âm nhạc cũng vậy. Sự phát triển kế tiếp theo sau bước ban đầu đó là một quá trình. Tác giả nào khẳng định được tài năng hay không còn tùy vào mỗi người, hên xui. Nhưng thường thì tài năng tốt khi có nền tảng tốt.

* Anh chắc có biết phim Việt bị chê nhạt, giống nhau, diễn viên kém?

- Tôi mừng vì người làm phim sống được với nghề. Đi đến chuyên nghiệp phải sống được bằng nghề, không phải ban ngày làm phim, đêm về bán phở. Sau nữa, phim Việt về kỹ thuật, chất lượng cũng có những tiến bộ rõ ràng, số phim hay có nhiều hơn. Mỗi năm cũng tìm ra được một, hai phim tốt.

Phim cũng là một sản phẩm, phải đáp ứng được nhu cầu của khán giả. Sau đó, phải có gì đó bất ngờ, thú vị, có cảm xúc chuyển tải
tới khán giả.

* Thế còn về diễn viên bị nhận xét là kém?

- Nhìn thấy diễn viên nay đóng nhiều phim, người ta tưởng rằng đóng phim bây giờ dễ hơn. Thật ra, điều đó cũng giống như hiện tượng nhà văn bây giờ in sách ra rất nhiều.

Thí dụ ngày xưa họ viết năm cuốn, khán giả nhớ vì viết ít, có sự chắt lọc. Nay sách in nhiều hơn, khó gây ấn tượng hơn. Khó mua được sách hay. Đó là tốt, buộc người ta phải cạnh tranh nhiều hơn. Ngày nay có thể chỉ có mười cuốn sách hay nhưng nằm trong một ngàn cuốn, thì diễn viên cũng giống vậy.

Trước đây, diễn viên thường bị chê, nhưng nay đã khá, diễn viên sau này nghiêm túc và có văn hóa hơn. Văn hóa cơ bản của họ đã tốt hơn. Xưa cực khổ, làm gì có show để chạy. Nay show quá trời.

* Nhưng trở thành diễn viên bây giờ có vẻ dễ hơn, diễn viên nhiều hơn vì người đẹp đông lắm?

- Vậy mà ngày nay nguồn từ Trường Sân khấu - Điện ảnh ra làm diễn viên ít hơn. Nhà làm phim casting chọn diễn viên tự do. Ngày xưa giữa người bình thường và người đóng phim có khoảng cách rất xa, nay đã gần nhau. Nguồn đầu vào của Trường Sân khấu - Điện ảnh không còn tốt như xưa nữa. Bây giờ người đẹp có nhiều sự lựa chọn hơn.

* Anh có thường xem phim Việt Nam?

- Vâng, có. Tôi xem phim Việt nhiều.

* Lao động nghề nghiệp của anh chắc kín mít lịch nhỉ?

- Cũng là đọc thông tin, cập nhật, tìm hiểu phim ảnh, xem nhu cầu của Việt Nam và thế giới ra sao và viết kịch bản. Những bữa rỗi rãi cũng đi cà phê với bạn bè. Chỗ chúng ta ngồi đây là quán quen của tôi.

* Phong cách làm nghệ thuật của Dũng Khùng có những đặc điểm gì? So với phim đầu tiên Con gà trống anh đã khác đi thế nào?

- Sau khi làm phim đó tôi mới thấy truyện hay nhưng tôi hơi liều vì mình còn trẻ quá mà lại làm phim khi tay nghề và trải nghiệm đều ngoài tầm, cả chuyện kinh phí nữa. Phải làm gì mình thực sự có thì sẽ tốt hơn. Phim đó không diễn tả đúng phong cách của tôi. Thời điểm đó làm phim như vậy để làm nghề.

Tôi đặc biệt thích cái hay của Harry Potter, vì nó hay theo kiểu nhiều tầng ý nghĩa hấp dẫn. Con nít chỉ thích môi trường phù thủy, lứa tuổi khác thấy tầng ngầm xã hội giữa quan hệ bạn bè, thầy cô. Harry Potter biến thành phù thủy nhưng rất gần gũi và hấp dẫn. Rất đa tầng.

Tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung cũng đa tầng, thu hút nhiều người đọc, nhiều đối tượng. Có khuynh hướng làm phim thường bắt đầu từ những câu chuyện thật của đời sống, như Trương Nghệ Mưu của Trung Quốc. Ở Việt Nam, người ta thấy Vũ Ngọc Đãng cũng bắt đầu từ những câu chuyện bình thường, gần gũi, cảm động.

* Còn phim Dũng Khùng thì ngược lại. Anh làm quá lên, giả tưởng, dùng kỹ thuật, kỹ xảo. Anh có cho rằng nhận xét đó đúng?

- Phim của tôi có khi không chủ ý mang những vấn đề to lớn, mà nhiều cảm xúc hơn. Sự khác nhau giữa Vũ Ngọc Đãng và tôi có thể thấy thông qua một ví dụ như thế này. Đãng làm câu chuyện về một nhân vật ở quê lên thành phố, vượt khó để trưởng thành.

Phim của tôi thì nhân vật ấy không biết tìm gì trong cuộc sống, môi trường ấy, họ thích một công việc khác hơn và đi tìm chính mình.

* Anh không ngại làm phim hành động sao, khi kỹ xảo của chúng ta không thể bằng được phim hành động nước ngoài?

- Đó chính là lý do vì sao ở các nước chưa phát triển người ta ngại làm phim hành động. Thường họ kể những câu chuyện trong nhà để không bị so sánh với kỹ thuật phim hành động của Mỹ. Người ta ngại phô ra điểm yếu về kỹ thuật.

Tôi nghĩ nếu sợ hoài, né hoài sẽ không bao giờ làm được. Kỹ thuật rất quan trọng trong điện ảnh. Không bắt đầu sẽ không bao giờ có. Phải làm, phải tìm hiểu xem khán giả Việt thích xem phim kỹ thuật thế nào. Tôi cũng thích nghiên cứu kỹ thuật.

* So với các giai đoạn phát triển của điện ảnh thế giới, Việt Nam đang ở đâu?

- Nói một cách tóm tắt thì thường phát triển theo ba giai đoạn. Lúc chưa có tiền, còn nghèo thì làm phim tình cảm, hài, như hàng địa phương.

Thứ hai, khi bắt đầu có khán giả, thì làm phim ma, loại này không tốn nhiều lắm. Nhưng khi phát triển, thì phim hành động là loại bán chạy nhất thế giới, ai cũng thích ngôn ngữ phim hành động. Mình vẫn đang ở giai đoạn đầu.

* Vậy anh có thể tự đánh giá về phim hành động của anh?

- Phim được quay với công nghệ 3D. Không so sánh được với nước ngoài, nhưng tôi tự tin là mãn nhãn nhất so với phim Việt từ trước đến nay. Phim kiếm hiệp nhưng không bị cảm giác phim Tàu loại B, mà chính là kiếm hiệp Việt Nam.

Mục đích của tôi là muốn thoát khỏi giai đoạn phim hài đầu tư không cao mà lợi nhuận cao. Vì điện ảnh Việt Nam bị nghiêng quá nặng. Phim này là phim đầu tư cao mà thu được lợi nhuận, vì ở ta, phim đầu tư cao mà không có lợi nhuận thì không ai dám sản xuất.

Nếu như phim của chúng tôi thành công về doanh thu thì nhà sản xuất mới đầu tư làm nhiều thể loại hơn, sẽ thoát được phim hài.

* Nhưng trước đây nghe nói những phim như Dòng máu anh hùng, Thiên mệnh anh hùng, Áo lụa Hà Đông là những phim hay nhưng chịu cảnh lỗ về doanh thu?

- Hay dở chưa nói, nhưng đó là những phim của người yêu nghề, có trách nhiệm, kỹ lưỡng. Nếu có lợi nhuận, thế hệ đạo diễn sẽ rất đỡ, dễ làm được phim lớn. Chứ nếu không, như Charlie Nguyễn, anh bỏ đi làm phim hài luôn.

* Báo chí nói rằng anh buồn vì chưa làm được bộ phim mà anh ấp ủ từ khi mới mười tám tuổi. Phim gì mà khó thực hiện vậy?

- Phim về xã hội bình thường thôi, nhưng cách kể rất lạ, chưa phù hợp thời điểm, khó tìm nguồn đầu tư. Mỗi thời điểm phải chọn ý tưởng phù hợp. Nhưng tôi không ái ngại. Sẽ làm lúc khác, không đau đáu chờ.

* Trước đây khi thị trường bất động sản chưa đóng băng, anh có nói vui rằng giá của đạo diễn tăng như giá nhà đất. Bây giờ vẫn đúng chứ?

- Vẫn đúng.

* Vậy có thể gọi là có những “đại gia” trong nghề đạo diễn được chưa?

- Thực ra đạo diễn nổi tiếng thì việc tìm các nhà tài trợ sẽ dễ dàng hơn. Không phải đi mời chào ý tưởng mà nhà sản xuất sẽ tự tìm đến hỏi thăm, mình kể, nếu hợp thì họ đặt làm. Còn việc kiếm tiền có thể nhiều hơn, nhưng tôi nghĩ phải biết giữ.

Nếu một năm làm nhiều, hai, ba phim chẳng hạn thì sẽ giàu hơn, nhưng như phim Mỹ nhân kế chuẩn bị đã hết hai năm, quay nữa là hơn hai năm rưỡi. Khi cảm thấy vui thích thì tôi tập trung vào một việc.

* Anh còn dành nhiều thời gian cho blog?

- Trước đây mỗi ngày dành một giờ, tôi tập viết trên blog. Vì ban đầu, tôi thấy viết rất khó, diễn đạt ý còn dở. Coi như nhật ký, mỗi ngày bỏ ra một tiếng, kể chuyện một trang. Là nơi chia sẻ tâm tư với cộng đồng. Bây giờ thì xài Facebook.

* Anh thấy mình chịu ảnh hưởng gì từ người cha là nhà văn nổi tiếng?

- Tôi chịu ảnh hưởng từ cha mình rõ nhất: Ông là một nghệ sĩ chuẩn mực, có trách nhiệm với cuộc sống. Không nghe ông chê ai trong nghề mình bao giờ. Ông cho là nếu không thích thì thôi, nhưng phải tôn trọng người khác.

Hồi tôi còn nhỏ, ông hay dẫn đi chơi, đi ăn, hướng dẫn quan sát qua các trò chơi miêu tả những người mình gặp.

* Ba anh có thường đi xem và góp ý những phim anh làm không?

- Mỗi khi tôi có phim mới chiếu ra mắt, cả nhà đều đi xem. Nhưng ông không hay phát biểu nhận xét, khen chê gì.

* Anh được biết các văn nghệ sĩ lớn khi họđến chơi với ba anh. Có ấn tượng nào về các vị ấy anh còn giữ đến hôm nay?

- Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì mỗi ngày rồi. Văn Cao cũng hay ghé qua nhà. Lúc đó tôi còn nhỏ, giữ chân phục vụ bàn, đập đá, khui soda cho khách quý nói chuyện với nhau.

* Họ có gì đặc biệt không?

- Điều đặc biệt nhất là họ rất hồn nhiên. Thời đó không ai bận rộn đi kiếm tiền gì nên được rảnh, rất dễ thương. Hay nhất là khi họ uống rượu nói ra mọi chuyện thú vị.

* Anh nổi tiếng là do phim, hay do làm giám khảo các cuộc thi trên truyền hình?

- Chắc là biết tên đạo diễn điện ảnh trước, sau này người ta biết mặt nhiều do tôi làm giám khảo, lên tivi nhiều.

* Người nổi tiếng hay kêu ca vì bị nhòm gó đời tư, báo chí phỏng vấn tò mò, anh có thế không?

- Tôi hiểu nhu cầu của độc giả ảnh hưởng đến báo chí, nôm na là dễ bán báo. Nhiều khi khán giả xem phim lại không muốn nghe bình phim, mà muốn biết các thông tin đời sống phía sau.

* Anh cũng rất hay “được” các báo phỏng vấn, nhiều khi chỉ quanh quẩn xem anh yêu ai trong “dàn chân dài” rất nhiều người đẹp cùng giới văn nghệ, showbiz?

- Vâng, họ moi hoài, khai thác hoài mà không được.

* Là vì sự thật chưa có gì để moi ra?

- Tôi còn ham chơi. Giống ba tôi.

* Tiếp xúc với nhiều bạn bè, diễn viên, giới giải trí, anh thấy có phức tạp như lời đồn đại?

-  Cũng tùy môi trường. Sân khấu phức tạp, kiếm tiền nhiều nhất nên cạnh tranh lớn. Lĩnh vực phim mới được vài năm nay, không khắc nghiệt bằng. Tôi cũng ít thân với người trong giới.

Thực ra, giới nào cũng có sự phức tạp riêng. Nhưng với showbiz thì bề chìm khó giấu được, bị săm soi nhiều hơn. Họ là nguồn giải trí lớn của mọi người. Bản chất của showbiz là vậy.

* Anh có buồn phiền vì những scandal của họ gần đây rộ lên trong dư luận?

- Không có nó thì như biển không có sóng. Có sóng mà vẫn sống được trong môi trường đó…

* Xin cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không bắt đầu sẽ không bao giờ có...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO