Học giả An Chi:Người Sài Gòn rong chơi miền chữ nghĩa

THU NGÂN/DNSGCT| 19/07/2013 05:00

Với nhiều bạn đọc tuổi trung niên, nhất là độc giả của tạp chí Kiến thức Ngày nay, cái tên An Chi không hề xa lạ. “Chuyện Đông chuyện Tây” trên tờ tạp chí này đã hấp dẫn người đọc bởi những giải đáp “gọn ghẽ” nhiều thắc mắc hóc búa về từ nguyên, ngữ nghĩa… Chuyên mục ấy đã gắn liền với tên tuổi An Chi từ thập niên 1990.

Học giả An Chi:Người Sài Gòn rong chơi miền chữ nghĩa

Với nhiều bạn đọc tuổi trung niên, nhất là độc giả của tạp chí Kiến thức Ngày nay, cái tên An Chi không hề xa lạ. “Chuyện Đông chuyện Tây” trên tờ tạp chí này đã hấp dẫn người đọc bởi những giải đáp “gọn ghẽ” nhiều thắc mắc hóc búa về từ nguyên, ngữ nghĩa… Chuyên mục ấy đã gắn liền với tên tuổi An Chi từ thập niên 1990.

Tranh Hoàng Tường

Ông ở quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, trong một căn nhà khá rộng rãi nằm ở cuối con hẻm cụt mà nhìn vào khoảnh sân nhỏ, người ta có thể đoán chủ nhân là người có tâm hồn hoài niệm. Thì đây, hai cây điệp hoa vàng hoa đỏ được ưu ái trồng giữa sân, tàn nhánh um tùm, cùng vài chậu sen, súng lơ thơ như một mảnh vườn nhỏ ở quê.

Đón khách là một ông già Nam bộ vui vẻ, dễ mến từ nụ cười cởi mở, tác phong nhanh nhẹn, giọng nói trẻ trung, cách nói chuyện dí dỏm, không hề “đạo mạo, chỉn chu, khó gần…” như những gì người ta thường hình dung về một học giả “cả bồ kiến thức” trong đầu.

Phòng khách nhà ông, tủ sách chất đầy các thể loại sách nghiên cứu, văn học, từ điển, cả sáu tập “Chuyện Đông chuyện Tây” được in thành sách xếp gọn trên kệ. Trên bàn làm việc, màn hình máy tính của ông mở nhiều cửa sổ, ông mở facebook và “khoe” những hình ảnh ông vừa chụp…

Cứ thế, ông trải lòng với chúng tôi về duyên nợ chữ nghĩa: Từ một cậu học sinh trường Tây được bạn bè biết đến với tên Emile Pierre Lucatos ôm mộng văn chương ở Sài Gòn, theo tiếng gọi thời cuộc mà chàng thanh niên 20 tuổi ra Hà Nội, gắn đời mình bằng nghề dạy học, nhận về không ít thăng trầm của số phận trong suốt 20 năm cho đến ngày miền Nam thống nhất mới trở lại Sài Gòn.

* Ông từng làm qua nhiều việc, ông muốn gọi là một nhà giáo về hưu hay một học giả?

- Từ lâu rồi, tôi thích mọi người cứ gọi tôi là An Chi, không có danh xưng nào ở đằng trước hết, bởi tôi chỉ là một người bình thường. Tôi thấy thoải mái nhất với cách gọi đó.

* Nhưng đây cũng là một trong những bút danh của ông, ông còn có những bút danh khác nữa?

- Đúng vậy. Tên khai sinh của tôi là Võ Thiện Hoa, khi bắt đầu cộng tác với Kiến thức Ngày nay, giống như nhiều người làm báo, viết lách… thường chọn cho mình bút danh, tôi cũng nghĩ tới nghĩ lui, tìm cho mình một cái tên khác.

Người miền Nam hay chơi chữ theo kiểu nói lái – khác với “láy” trong láy vần, láy phụ âm đầu, láy toàn bộ, thế là tôi cũng làm theo cách ấy, lái tên mình lại nhưng có thay đổi một chút. Thay vì nói lái tên “Thiện Hoa”, tôi dùng chữ “Thiện Huê”, lái lại thành Huệ Thiên. Đó là bút danh đầu tiên của tôi.

* Nghe nói thi sĩ Bùi Giáng lúc sinh thời có làm thơ tặng cho bút danh “Huệ Thiên” của ông. Câu chuyện thực hư như thế nào, thưa ông?

- Lúc mẹ tôi còn sống, có lần bà hỏi tôi lấy bút danh Huệ Thiên có nghĩa là gì. Tôi giải thích cho bà là do chơi chữ nói lái mà ra chứ không ẩn nghĩa gì khác. Thật lòng tôi nghĩ như thế. Rồi có bạn bè do yêu mến, tìm cách giải nghĩa, cho rằng đó là “một trời hoa huệ”. Tôi nghe vậy chỉ cười rồi cũng bỏ qua. Nhưng đến khi thi sĩ Bùi Giáng ngẫu hứng xuất khẩu thành thơ, giải nghĩa về bút danh của mình, tôi mới thấy “sợ”.

Sinh thời, Bùi Giáng là hàng xóm của tôi, thỉnh thoảng vẫn vào ra gặp nhau. Hồi trước khi chưa cấm xích lô trên một số con đường chính, khi có việc cần ra phố tôi hay đi bằng xích lô.

Trong một lần về gần đến nhà tôi gặp Bùi thi sĩ đang đi ngoài đường, ông chặn xe tôi lại và nói “cho trẫm đi nhờ về nhà với”. Khi đến đầu hẻm ông bảo dừng xe, ông nói “để tôi làm thơ tặng anh”. Sẵn bên đường có sạp bán báo, ông bước vào xin chủ sạp báo tờ giấy, mượn cây viết rồi ngồi xuống, kê giấy lên đầu gối viết liền bốn câu mà hai câu đầu là:

“Một trời trí huệ thênh thang, đi về bắt gặp thằng lang thang Bùi”. Đọc xong tôi giật mình, từ lâu nay cho rằng tên mình chỉ để gọi bình thường, giờ có người hiểu theo nghĩa này thì nó thành cao vời, kiêu ngạo quá làm tôi đâm lo.

Cũng may sau đó Kiến thức Ngày nay có đặt tôi làm câu đối viết bằng tiếng Hán nên tôi cũng ký tên bằng tiếng Hán ngụ ý để giải nghĩa. Chữ Huệ tôi viết theo nghĩa là hoa huệ, còn Thiên là màu xanh, vẻ tươi tắn của cây cỏ.

* Còn cái tên An Chi sau đó bắt nguồn từ đâu? Có phải cũng từ một trò nghịch ngợm chơi chữ khác của ông?

- Cái tên này lại xuất phát từ một… sự cố nghề nghiệp của tôi. Cũng từ một câu đối – trò chơi chữ nghĩa mà tôi bị nhận quyết định “tác giả Huệ Thiên ngưng phụ trách mục Chuyện Đông chuyện Tây một thời gian”.

Lúc đó tạp chí Kiến thức Ngày nay còn phát hành mỗi tháng hai kỳ. Sau quyết định đó, tôi ngừng phụ trách mục “Chuyện Đông chuyện Tây” trong suốt năm kỳ báo. Bạn đọc không biết vì sao ông Huệ Thiên ngưng làm việc nên vẫn gửi thư về để trao đổi.

Được nhiều người hiến kế, rằng tôi nên lấy bút danh khác để tiếp tục làm việc, chỉ cần không phải do ông Huệ Thiên làm là được. Do vẫn còn yêu mến công việc nên tôi đồng ý phương án này.

Lúc đầu tôi được người trong ban biên tập chọn bút danh mới là Lão Ngoan Đồng – một nhân vật trong truyện của Kim Dung, nhưng tôi không thích. Tôi xin phép được lấy tên là An Chi, từ này trong câu “lão giã an chi” – người già sống yên phận. Nhưng thật ra ý tôi đơn giản hơn, An Chi có nghĩa là “y chang”, tức cũng là Huệ Thiên đó thôi.

*Chắc ông có nhiều kỷ niệm đáng nhớ cũng như nhiều bạn bè khi giữ chuyên mục “Chuyện Đông chuyện Tây”, bởi trong hỏi – đáp ít nhiều có sự tương giao?

- Ở đời mọi thứ đều có nhân duyên, công việc của tôi cũng vậy. Tôi không nghĩ mình là người duy nhất làm được việc này, vì có nhiều người giỏi hơn tôi rất nhiều, nhưng là cái duyên để tôi được bạn đọc xa gần của tạp chí nhớ đến và yêu mến. Qua công việc, xuất phát từ sự đồng cảm, cùng mối quan tâm, tôi có thêm nhiều bạn bè.

Sau nhiều năm tôi không còn phụ trách chuyên mục ấy nữa, tình bạn thân giao ấy vẫn quý mến, bền chặt. Có người ở tận Hà Nội, hay một nhóm bạn ở Vũng Tàu, có người là học giả rất uyên thâm nhưng sống kiểu “ẩn cư”… chúng tôi vẫn giữ liên lạc và thăm nhau khi có điều kiện.

Phần lớn độc giả của tôi là người lớn tuổi, nhưng cũng có không ít bạn trẻ là sinh viên. Kiến thức, sự hiểu biết là vô cùng, ai cũng có điều hay để cho mình học hỏi nên có nhiều bạn bè là có thêm nhiều kiến thức. Mà có khi học ở trường đời còn thực tế và thú vị hơn cả trường học.

* Xuất thân từ trường Tây, duyên cớ gì đưa ông đến với lĩnh vực Hán Nôm và gắn bó với nó suốt mấy chục năm qua?

- Tôi học trường Tây nhưng bản thân tôi vốn rất yêu thích tiếng Việt, kiểu “dân ta phải biết tiếng ta”. Tôi có niềm đam mê đọc sách nên từ nhỏ, tôi đã mua sách rất nhiều, cả sách tiếng Việt và tiếng Pháp. Tình cờ tôi mua được bộ Chánh tả Việt ngữ của Lê Ngọc Trụ do Nhà Nam Việt xuất bản.

Cảm giác được tìm hiểu cặn kẽ một sự việc mình yêu thích rất sướng làm cho tôi thấy hứng khởi, muốn được tiếp tục nghiên cứu tiếng Việt, gồm cả từ nguyên và tiếng Hán.

Sau này, khi nói chuyện với bạn bè về nguyên nhân tôi bén duyên với chữ nghĩa, tôi đều nói rằng ông Lê Ngọc Trụ chính là người ơn tinh thần của tôi, đã khơi dậy, mở đường cho tôi.

Thích đọc sách, tìm hiểu chữ nghĩa, nhưng phải đến sau năm 1955, khi tôi ra miền Bắc, công tác trong ngành giáo dục và làm nhiều công việc khác, tôi mới thật sự bắt đầu dấn sâu vào việc nghiên cứu.

Có thời gian nghỉ dạy, phải đi làm cho nhà ăn của trường, đi mua than, củi, muối, gạo, tôi đều lận theo quyển từ điển tiếng Hán để tranh thủ đọc. Đó là một trong những quyển sách mà tôi rất quý, có nhiều quyển sách đã bị thất lạc khi dời đổi chỗ ở, nhưng riêng quyển này tôi giữ rất kỹ.

Còn nhớ, tôi mua lại sách cũ của một người quen với giá 15 đồng, trong khi lương của tôi mỗi tháng chỉ có 30 đồng.

(Ông mở tủ lấy ra một quyển sách nhỏ mà giấy đã ngả màu thời gian được bọc cẩn thận trong bao nylon. Ông đọc tựa tiếng Hán có nghĩa là “Thực dụng học sinh từ điển” của Thương vụ ấn thư quán xuất bản năm Trung Hoa dân quốc lục niên – 1917).

* Có vẻ như giới trẻ ngày nay ít mặn mà với lĩnh vực Hán Nôm. Theo ông, làm thế nào để người trẻ không quay lưng lại với văn hóa truyền thống?

- Chữ Hán và một phần liên hệ tới nó là chữ Nôm là một thứ tài sản của cha ông, rất cần cho nhiều người, nhiều công việc nghiên cứu khác nhau, từ lịch sử, văn hóa, xã hội. Đặc biệt là với giới trẻ, rất nên có kiến thức nền tảng nhất định để “ôn cố tri tân”.

Tôi nghĩ ở bậc học phổ thông, nên đưa vào giảng dạy chữ Hán trong chương trình chính. Chỉ cần biết chừng 1.000 chữ là có thể tạm gọi là đủ để đọc, hiểu những điều căn bản như câu đối ở đình, chùa, bia lăng mộ…

Đây là điều hoàn toàn có thể làm được trong điều kiện giáo dục hiện nay. Cái gì khó thì phải xây từ từ từng bước.

Tôi không biết hết suy nghĩ của giới trẻ như thế nào, nhưng trong số bạn trẻ trong facebook của tôi có nhiều người dành sự quan tâm rất nhiều cho lĩnh vực Hán Nôm. Qua trao đổi, tôi thấy họ có ý thức trân trọng và gìn giữ vốn cổ. Điều đó cho tôi có cái nhìn lạc quan rằng mạch nước ngầm trong và sâu vẫn luồn lách để tìm ra khơi xa.

* Ông tham gia mạng xã hội facebook từ khi nào vậy? Ông thường cập nhật những thông tin gì trên facebook của mình?

- Tôi lập tài khoản facebook khoảng ba năm nay. Hiện tôi có hơn 1.400 bạn trên facebook, nhưng tôi không có thời gian để xem hết được. Trong đó chỉ có khoảng vài chục người thân quen, nhớ và thuộc tên, có sự trao đổi, thăm hỏi.

Hiện nay, tôi giữ mục “Có thể bạn chưa biết” trên báo Năng lượng mới, nên tôi thường cập nhật nội dung khi báo phát hành, đưa bài lên facebook vào thứ Sáu hằng tuần.

Hình ảnh trên facebook của tôi đều do tôi chụp, đó cũng là thú vui của tôi. Chỉ với khoảnh sân nhỏ này, mỗi ngày có một bông hoa mới nở, tia nắng mới hay giọt mưa… tôi đều chụp và dùng làm hình nền. Cả những bạn bè mà tôi có dịp tiếp đón cũng là nguồn cảm hứng để tôi cập nhật lên facebook.

* Trên facebook, nếu không xem lý lịch trích ngang sẽ không thể biết An Chi là ông lão sắp bước vào tuổi bát tuần, vì ông rất trẻ trung, lại kết nối với nhiều bạn trẻ. Ông có thấy thú vị với sân chơi này và có theo kịp với trào lưu “chém gió” trên facebook không?

- Tất nhiên tôi có cảm thấy thú vị mới tham gia chứ. Nếu không, tôi sẽ dành thời gian cho nhiều việc khác có ích hơn. Nhưng sự thú vị thì mỗi người có sự cảm nhận riêng. Với tôi đó là những niềm vui nho nhỏ, là thành quả của mình sau thời gian mày mò trên máy tính.

Lúc đầu tôi đâu có biết làm, có cái phải nhờ, sau này tôi mới tự làm trang igoogle của tôi. Nhưng tôi không thao tác nhanh như các bạn trẻ được đâu (cười).

Dù nhiều người nói mạng là thế giới ảo, nhưng tôi vẫn thấy nó có tính hai mặt. Ở đó, mỗi người có cách thể hiện riêng, tùy vào văn hóa của họ. Với tôi, thông qua mạng xã hội, đó là cách để tôi cảm nhận và hiểu về giới trẻ hiện nay.

Một mặt cũng thấy được nếp sống không được thật sự lành mạnh, nhưng ngược lại cũng có những bạn trẻ có lối sống nghiêm túc, hướng đến những giá trị chân chính trong cuộc sống. Tôi nghĩ đây cũng là sự thật ngoài xã hội.

* Có ý kiến cho rằng một bộ phận người trẻ bây giờ dễ mất phương hướng, dễ bị stress, hay dễ bất mãn, bi quan… Nhất là trên mạng xã hội càng thấy rõ điều này, ông có thấy đúng như vậy không?

- Tôi chưa có điều kiện để có một nhận xét toàn diện, vì lâu nay tôi ít khi ra khỏi nhà. Mà thời gian gần đây xã hội mới phát triển mạnh, có nhiều thay đổi về nhiều mặt. Trong đó, giới trẻ là bộ phận dễ thích ứng và cũng dễ bị tác động nhất, ảnh hưởng đến tâm lý, suy nghĩ, cách sống của họ.

Qua thông tin báo chí, rõ ràng cuộc sống có quá nhiều thứ xô bồ, bất an. Bạn trẻ trên facebook của tôi dù khá nhiều, nhưng cũng không thể đại diện cho bộ mặt lớp trẻ được, huống chi tôi đã có sự sàng lọc khi kết nối, biết rõ do ai giới thiệu hoặc làm gì… nên phần lớn đều có sự nghiêm túc.

Về mặt xã hội, theo tôi, Nhà nước, chính quyền và các đoàn thể xã hội phải có trách nhiệm cụ thể hơn trong việc góp phần định hướng cho giới trẻ. Từ việc quản lý những sinh hoạt tập thể thuộc lĩnh vực văn hóa, những cuộc thi… có tầm ảnh hưởng đến nếp nghĩ, cách sống của người trẻ thì không thể dễ dãi được.

Có người cho như vậy mới là dân chủ. Nhưng dân chủ thật ra không phải là như thế. Nếu có hiện tượng những người trẻ sống thiếu “lửa”, đương nhiên từng chủ thể phải chịu trách nhiệm về chính bản thân mình, nhưng cũng cần phải có những quyết sách có tầm dẫn dắt.

* Có thể hiểu mỗi người trẻ nên nhận ra niềm đam mê của mình và sống với nó sẽ tránh được những suy nghĩ tiêu cực phải không ạ?

- Đúng vậy. Mỗi người ai cũng có giá trị riêng, nên đừng đem so sánh với bất kỳ ai khác. Đời người hữu hạn. Tôi nghĩ ai cũng có đam mê một thứ gì đó trong cuộc đời và được sống với nó là một niềm hạnh phúc. Không có ai là tẻ nhạt. Không có cuộc sống nào là vô nghĩa.

* Như vậy là ông đã có hạnh phúc khi được sống với niềm đam mê chữ nghĩa…

- Có người cho rằng về hưu là giai đoạn khó khăn khi đối mặt với tuổi già, khó chấp nhận cảm giác nhàn rỗi của người quen làm việc. Nhưng với tôi thì ngược lại, khi về hưu tôi có nhiều thời gian để sống theo ý mình.

Tuổi đời sinh học thì không thể thay đổi, mình chỉ có thể cải thiện bằng cách tập luyện thể chất để có sức khỏe. Còn tuổi tinh thần thì hoàn toàn do cách sống của mỗi người.

Chính vì quan niệm và sống như thế nên tuổi già với tôi không có gì đáng sợ, nó còn là một sự trải nghiệm thú vị, là món quà của đấng tạo hóa ban cho mỗi người. Ba mươi năm về hưu nhưng thật sự đâu phải hoàn toàn nghỉ ngơi kiểu “ngồi chơi xơi nước”. Tôi vẫn làm việc đều đặn đó thôi.

Ông cậu tôi khi còn sống, ông thắc mắc nói “không biết thằng Hoa theo đuổi chữ nghĩa để làm gì, cuối cùng được cái gì mà suốt ngày ngồi ở bàn với cây viết, quyển sách”. Vậy đó, niềm vui của mình đôi khi là sự khó hiểu đối với người khác.

* Công việc góp nhặt chữ nghĩa của ông hiện nay thuộc hàng hiếm, có khi nào ông trăn trở khi mai đây, có ai tiếp tục giữ lửa công việc mà ông hằng tâm huyết?

- Cũng có một số bạn bè bày tỏ băn khoăn về việc này với tôi rồi. Họ lo không có ai để truyền lại công việc của tôi. Có lẽ tôi khác người nên tôi ít nghĩ tới khía cạnh ấy. Vì trong lòng tôi không xem đây là một công việc quan trọng, nó mang tới cho mình niềm vui khi được chia sẻ sự hiểu biết của mình với mọi người.

Như tôi nói kiến thức là vô cùng, không thể nào am tường hết chữ và nghĩa nên tôi cũng vậy, không thể biết hết được. Có khi nhờ sự thắc mắc của độc giả mà tôi phải kiểm tra lại, tìm hiểu thêm. Con người ta hơn nhau ở chỗ chịu học hỏi mới là quan trọng.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này, chúc ông nhiều sức khỏe để tiếp tục rong chơi miền chữ nghĩa!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Học giả An Chi:Người Sài Gòn rong chơi miền chữ nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO