Họa sĩ Phi Loan: Lãng du cùng giấy

QUÝ YÊN| 16/04/2010 00:49

Khi làm tranh, toàn thân tôi rung động trong thứ cảm xúc kỳ lạ, có khả năng khiến tôi quên đi tuổi của mình, quên những lo toan còn đang ngổn ngang ngoài cuộc sống...

Họa sĩ Phi Loan: Lãng du cùng giấy

Khi làm tranh, toàn thân tôi rung động trong thứ cảm xúc kỳ lạ, có khả năng khiến tôi quên đi tuổi của mình, quên những lo toan còn đang ngổn ngang ngoài cuộc sống...

Nhát kéo hồn tranh

Họa sĩ Phi Loan xưng bà với tôi ngay từ lần gặp đầu tiên. Đã 72 tuổi nên chị quen với suy nghĩ mình là người già dù hình dung bên ngoài của chị trẻ hơn tuổi khá nhiều. Sự trẻ trung càng thể hiện nhiều hơn trong tác phẩm. Thuyền độc mộc, Hoa thiếu nữ, Những người phụ nữ H’Mông... cũng như bao họa sĩ khác, phái yếu vẫn là hình tượng gây cảm hứng cho chị.

Ảnh: Quý Hòa

Trên bàn là tạp chí cũ, dưới chân, trong góc phòng là vải vụn, quần áo cũ, trên tay là kéo... đơn giản như thế nên dụng cụ để sáng tác của họa sĩ Phi Loan dễ khiến người ta liên tưởng đến trò chơi của các cô bé gái. Vậy mà, vừa ngồi xuống bàn, quan sát màu sắc, hình ảnh của các trang tạp chí một lúc, đã thấy tay chị bắt đầu hoạt đông liên tục trong các động tác, xé, lựa giấy, dán...

Chẳng mấy chốc, bức tranh đã thành hình trong sự ngỡ ngàng của người chứng kiến. Không ngỡ ngàng sao được, thông thường, các họa sĩ vẫn phải tạo phác thảo ban đầu, sau đó mới tìm màu sắc phù hợp. Họa sĩ Phạm Đỗ Đồng, Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM nhận xét, chỉ có trí tưởng tượng phong phú mới giúp người nghệ sĩ tạo nên một bức tranh mà không cần phác họa trước như thế!

Mới đây, trong triển lãm cá nhân của mình tại TP.HCM, một người bạn của chị đã reo lên khi thấy... chiếc váy ngủ của mình, giờ đã là những thành tố chính, cấu thành bức tranh Thiếu nữ. Hỏi ra mới biết, hễ nhìn màu vải, nảy ra ý tưởng là chị để mặc cảm xúc dẫn mình đi, không cần phác thảo. Quần áo, vải vóc bạn bè tặng... lần lượt biến thành tác phẩm vì lẽ đó.“Khi làm tranh, toàn thân tôi rung động trong thứ cảm xúc kỳ lạ, có khả năng khiến tôi quên đi tuổi của mình, quên những lo toan còn đang ngổn ngang ngoài cuộc sống”, chị trải lòng.

Say mê sáng tác bằng cả giấy và vải nhưng họa sĩ Phi Loan cho biết, tranh vải khiến chị mất nhiều thời gian hơn vì phải tiến hành nhiều công đoạn. Hồ, phơi, tẩm chống mốc... có khi chị mất hàng tháng trời cho một bức tranh nhưng niềm vui mà nó mang đến lại kéo dài.

Thời gian, với chị không còn quan trọng. “Không có gì là muộn với người già”, chị nói vậy. Bởi thế, 65 tuổi, người ta thấy chị mang tập vở đến Trung tâm Văn hóa Hữu nghị Việt Xô học sáng tác tranh. Đến khi gần 70 tuổi, chị là người Việt Nam duy nhất (và già nhất) học làm tranh cắt vải trong một lớp đào tạo ngắn hạn tại Osaca, Nhật Bản, học vẽ và trang trí mỹ thuật tại quốc gia có biểu tượng chim đại bàng...

Chạm tay vào nghệ thuật

Chứng kiến nụ cười rạng rỡ của họa sĩ Phi Loan trong từng triển lãm, cứ ngỡ, hạnh phúc là thứ trang sức thường trực của chị. Mấy ai nhớ những chuỗi ngày chị chỉ biết vùi đầu vào công việc.

Cha là một đầu bếp nổi tiếng, 17 tuổi, chị đã là cán bộ lãnh đạo thanh niên tình nguyện. May mắn được sang Nga du học chuyên ngành địa chất tại Trường Đại Học Lomonoxốp, chị trở về, cống hiến trọn vẹn tuổi trẻ của mình cho Tổng cục Địa chất. Mới ngơi việc xã hội, tình yêu đối với những đứa con lại kéo chị đi.

Sang Mỹ, Ba Lan, Nhật... chuyến đi nào của chị cũng là vì lý do chăm cháu cho con đi học tiến sĩ. Một đời vì con, rồi mất hơn chục năm vì những đứa cháu ở nước ngoài nhưng chị vẫn bảo mình may mắn. “Nếu không có những chuyến đi ấy, tôi đâu có dịp tìm hiểu và chạm tay vào nghệ thuật”, chị chia sẻ.

Họa sĩ Phi Loan kể, những ngày ở Ba Lan, lo xong việc nhà cho con nhưng vẫn còn thời gian, sẵn mớ kiến thức mình học được, chị bắt tay và làm hoa vải, làm tranh. Thấy nhiều người bản xứ thích thú và hỏi mua, chị bán những tác phẩm đầu tay của mình trên đất khách, tự hào đến đỏ mặt khi nghe khen: Người Việt Nam khéo tay thật!

Rời Hà Nội vào sống tại TP.HCM, không còn phải lo nhiều cho con cháu như trước nữa, họa sĩ Phi Loan lại gánh lấy nỗi lo khác. Ngoài thời gian sáng tác, chị nhận dạy từ thiện ở Tổ chức Hỗ trợ Giáo dục Trẻ em thiệt thòi OSEDC- Việt Nam và Trung tâm IDO TP.HCM. Cho các em có hoàn cảnh đặc biệt được biết đến nghệ thuật, được tìm thấy niềm vui, âu cũng là hạnh phúc của người nghệ sĩ.

“Con cháu đều thành đạt, đề huề, tôi có cả một phòng tranh để sáng tác. Thật tuyệt vời!”, chị khoe cuộc sống của mình bằng nụ cười và ánh mắt. Không biết, có phải thứ cảm xúc kì lạ mà chị nói đến lại hiện diện bên trong, tô điểm và làm duyên cho chị hay không. Sao tôi thấy chị đẹp rạng ngời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Họa sĩ Phi Loan: Lãng du cùng giấy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO