Họa sĩ Đỗ Duy Tuấn: "Muốn thành công phải dám từ bỏ"

AN HỒ| 07/02/2016 06:07

Giống như giới trẻ hiện nay, Đỗ Duy Tuấn cũng dùng Facebook với mục đích giao lưu với bạn bè và quan trọng hơn, là kênh để anh đưa tranh của mình ra thế giới.

Họa sĩ Đỗ Duy Tuấn:

Khá lâu rồi, họa sĩ Đỗ Duy Tuấn không tham gia triển lãm hay dự giải nhưng anh vẫn sáng tác đều đặn để có tranh cung cấp cho thị trường. Giống như giới trẻ hiện nay, Đỗ Duy Tuấn cũng dùng Facebook với mục đích giao lưu với bạn bè và quan trọng hơn, là kênh để anh đưa tranh của mình ra thế giới.

Đọc E-paper

Thành công vì dám từ bỏ

So với các họa sĩ khác, thời gian gắn bó với hội họa của Đỗ Duy Tuấn có thể không dài: Đã bước vào tuổi lục tuần nhưng mới có 21 năm tuổi nghề. Có lẽ bởi anh phải đi "đường vòng" để đến với hội họa. Tốt nghiệp chuyên ngành điêu khắc (Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế) năm 1974, Đỗ Duy Tuấn chuyển vào sinh sống tại Đà Nẵng. Được một thời gian, anh vào Sài Gòn, trải qua các công việc như trang trí, thiết kế cổng chào, tranh ảnh, panô... tại Câu lạc bộ Thanh niên (nay là Nhà văn hóa Thanh niên).

Hết duyên nợ với Câu lạc bộ Thanh niên, anh chuyển qua làm ở công ty dầu khí, cũng phụ trách việc trang trí. Sau 20 năm đi làm, anh quyết định nghỉ việc để chuyên tâm vào vẽ.

"Ai cũng vậy thôi, nếu sống được với nghề thì mình sẽ theo nó, còn sống mà chật vật quá thì bắt buộc phải bỏ. Nghề có thể bỏ nhưng nghiệp thì không. Với tôi, hội họa là nghiệp, mà đã là nghiệp thì không thể bỏ. Một ngày, tôi nhận ra niềm đam mê hội họa của mình quá lớn nên nhất định phải theo đuổi", Đỗ Duy Tuấn chia sẻ.

Khi được hỏi, bỏ ngang ngành được đào tạo bài bản để theo đuổi lĩnh vực khác mà chỉ có đam mê không thôi, liệu đã đủ, Đỗ Duy Tuấn cười bảo: "Nói về nghệ thuật, ai cũng nghĩ đầu tiên là phải có năng khiếu, nhưng nếu không có đam mê thì sẽ không theo được. Với đam mê vốn có, cộng thêm việc học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, tôi tự tin mình sẽ thành công".

Đam mê kết hợp với sự học hỏi và sáng tạo không ngừng đã giúp anh dần khẳng định vị trí trong làng hội họa. Tranh của anh không chỉ được đón nhận ở các triển lãm mà còn giành được những giải thưởng lớn, trong đó phải kể đến giải Phillip Morris ASEAN 2001 - 2002.

Thỉnh thoảng, Đỗ Duy Tuấn cũng có những buổi trao đổi với sinh viên trường mỹ thuật. Trong những buổi trao đổi ấy, anh luôn nhấn mạnh: "Muốn thành công phải dám từ bỏ”. Và anh lý giải: "Khi ở trường, mình bắt buộc phải học theo kiến thức mang tính khuôn mẫu, nhưng lúc tốt nghiệp rồi thì phải theo hướng mà bản thân mình cảm nhận mới có thể sáng tạo được. Nếu không dám bỏ những cái học trong trường thì rất khó để làm nghệ thuật. Bởi bên cạnh kỹ thuật hội họa còn phải nhờ vào khoa học như hiểu biết về hóa chất để có thêm nhiều chất liệu".

Nâng tầm cho tranh Việt

Chỉ sau thời gian ngắn chuyển sang hội họa, Đỗ Duy Tuấn nhanh chóng được chú ý. Anh có nhiều triển lãm riêng và chung không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài như Singapore, Indonesia, Thụy Sỹ, Hồng Kông, Mỹ... Đỗ Duy Tuấn cho biết, trước đây, để có tranh triển lãm ở nước ngoài, anh và hầu hết đồng nghiệp đều phải nhờ vào sự giới thiệu của các gallery.

"Mình làm nghệ thuật chứ không phải làm kinh doanh nên chỉ biết vẽ thôi, phần tiếp thị tranh là công việc của các gallery", Đỗ Duy Tuấn nói. Tuy nhiên, với sự ra đời của các trang mạng xã hội như hiện nay, họa sĩ đã có công cụ hỗ trợ đắc lực cũng như có thể chủ động hơn trong việc giới thiệu tranh với bạn bè trong nước và quốc tế.

Theo họa sĩ Đỗ Duy Tuấn, hiện tại anh vẫn phải nhờ vào khâu trung gian là các gallery, nhưng cơ hội đến từ Facebook cũng bắt đầu mở ra. Anh kể: "Tôi mới quen một người bên Pháp qua Facebook. Cô ấy cũng làm nghệ thuật nhưng ở lĩnh vực âm nhạc. Ban đầu, cô ấy chỉ muốn xin tôi một bức tranh để đưa vào vở kịch của cô ấy, rồi vì yêu thích, cô ấy muốn tổ chức triển lãm để giới thiệu tranh của tôi với bạn bè thế giới. Chúng tôi vẫn đang xúc tiến kế hoạch này".

Chuyện "xuất ngoại" của tranh Việt hiện nay đã không còn là chuyện hiếm, nhưng hầu như ở các sàn quốc tế, tranh Việt bị "rớt giá” thê thảm dù chất lượng có thể hơn hoặc bằng tranh của các nước khác. Họa sĩ Đỗ Duy Tuấn nhìn nhận: "Nhìn sang các nước như Hàn Quốc, Indonesia, chưa chắc hội họa của họ phát triển hơn mình, thậm chí không bằng mình, nhưng họ biết cách nâng tầm hội họa của họ lên, còn mình chưa làm được điều đó. Bởi vậy, mình cần phải có chiến lược để nâng hội họa, nâng văn hóa của mình lên. Đương nhiên, muốn được như vậy phải trải qua một quá trình chứ không thể ngày một, ngày hai".

Họa sĩ nói thêm: "Chúng ta đang thiếu những "đại gia" thật sự tôn trọng nghệ thuật, biết thưởng thức nghệ thuật. Cần có những "đại gia" biết tôn trọng, biết thưởng thức thật sự mới mong vực dậy được nghệ thuật hay hội họa. Đơn cử như Hàn Quốc, trước đây, tranh của Hàn Quốc xuất ra nước ngoài với giá rất thấp. Thế nhưng, giờ tranh của họ đã có giá tăng gấp 4, 5 lần và thậm chí họ còn tìm tranh lúc trước xuất ra nước ngoài về bán lại trong nước với giá rất cao. Chính nhờ những "đại gia" như vậy mà những bức tranh quý mới không "chạy" ra nước ngoài".

Họa sĩ Đỗ Duy Tuấn cho rằng, sẽ rất tốt nếu mang tranh ra nước ngoài với mục đích giao lưu, giúp bạn bè quốc tế hiểu và tôn vinh nghệ thuật của mình chứ không bán. "Không phải tự hào gì, nhưng theo tôi, trong các loại hình nghệ thuật, hội họa đứng đầu vì qua đó người dân có thể hiểu được nền văn hóa của dân tộc mình", anh chia sẻ. 

>Họa sĩ Tôn Thất Bằng: Sự rung động từ miền hoài niệm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Họa sĩ Đỗ Duy Tuấn: "Muốn thành công phải dám từ bỏ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO