Đạo diễn Nguyễn Quang Huy: “Chất liệu phim không quyết định khán giả”

Hoàng Linh Lan| 17/12/2019 07:00

Bốn năm sau Chàng trai năm ấy, đạo diễn Nguyễn Quang Huy trở lại với bộ phim phát hành vào dịp Tết Nguyên đán 2020 - thị phần vốn từ ba năm nay luôn khiến cách nhà làm phim e dè cân nhắc.

Đạo diễn Nguyễn Quang Huy: “Chất liệu phim không quyết định khán giả”

Huy nói anh dễ bị xúc động bởi những câu chuyện về tình bạn, tình cảm gia đình. 30 chưa phải là Tết cũng không ngoại lệ. Chỉ khác là giờ đây, anh muốn kể một câu chuyện có số phận hơn, nhà quê hơn thay cho những thứ “nịnh mắt”, đèm đẹp trước kia.

* Trở lại với phim ảnh sau bốn năm, áp lực là điều khó tránh khỏi, phải không thưa anh?

- Tương tự như việc bạn quay lại chơi thể thao sau một thời gian dài, sự lo lắng là không thể tránh khỏi. Càng lo hơn khi hai phim trước kia của tôi đều là từ êkíp âm nhạc, mọi trao đổi khá dễ dàng. Với 30 chưa phải là Tết, êkíp hoàn toàn mới. Một khó khăn nữa là 95% phim quay ngoài trời và ban ngày, nhưng đoàn phim gặp đến 5 cơn bão, lịch quay kéo từ 30 ngày lên gần bốn tháng.

* Điều gì cho anh tự tin để tiếp tục?

- Tôi đã chuẩn bị từ hai mùa phim trước, quan sát và học ở khán giả. Êkíp của tôi có những phỏng vấn riêng khán giả trong nội bộ công ty, xem họ thích gì và cần gì với một phim Tết. Tôi có 5 concept cho phim và chọn ra concept mà chúng tôi nghĩ sẽ làm khán giả thỏa mãn cũng như định vị cho những bộ phim tiếp theo.

Tôi hy vọng mang đến cho khán giả hình ảnh của Trường Giang, Mạc Văn Khoa mới, xuất phát từ kịch bản. Mỗi phim của tôi đều có thông điệp nhưng khán giả không cần lưu tâm quá nhiều đến điều ấy. Chỉ cần khán giả xem xong thấy đồng cảm, giật mình thấy đang bỏ quên điều gì đó với bố mẹ, gia đình để sau đó tạo nên sự gắn kết, vậy là đủ.

* Sự định vị như anh nói ở đây là gì? Nó mới xuất hiện hay đã thành hình khi anh bắt đầu làm phim Thần tượng? 

- Từ hai phim trước, tôi đã xác định tầm nhìn 10 năm nếu công ty của tôi muốn phát triển điện ảnh. Đó không phải là con số nói ra để nghe mà là một “vòng đời” giải trí. Lứa tuổi khán giả dễ bán vé nhất là từ 24 trở lại, nhưng nếu tôi chọn độ tuổi này thì không còn nhiều năm nữa và sẽ cạnh tranh với rất nhiều phim ngoại. Tôi nghĩ mình cần định vị với lứa khán giả bắt đầu ra rạp xem phim là 16, 18 tuổi.

Thời điểm 2012, phim hài thắng thế nhưng tôi tin nó không thể sống lâu. Thực tế, đến hôm nay phim hài vẫn còn nhưng cũng phải tự nâng cấp, bởi khán giả sẽ không muốn xem hài nữa. Thứ hai, tôi muốn cạnh tranh với những nội dung trên điện thoại. Tầng lớp giải trí bình dân đã từng thỏa mãn với nội dung bình dân nhưng ai trong cuộc sống cũng đều muốn đi lên. Do đó, tôi muốn đi lên cùng họ hoặc trước họ một chút để đón cái mà họ hướng tới. 

Khán giả phim Tết vừa bao gồm khán giả hằng ngày đi xem phim, vừa có khán giả một năm ra rạp một lần, đủ mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi. Nếu phim Tết hấp dẫn, trong năm họ có thể cân nhắc đi xem phim Việt nhiều hơn. 

Tôi còn nhớ, khi đem kịch bản mời nhà đầu tư, các nhà đầu tư đều không muốn làm phim vì kịch bản không có ngôi sao, không có hài, không có sex. Họ không tin nó có thể ăn khách. Doanh thu cho thấy một phần, phần còn lại nằm ở hiệu ứng của phim.

Sau Chàng trai năm ấy, nhiều phim đánh đúng vào nhu cầu người xem ra đời. Đó là tín hiệu rất tốt. Nó giúp pha loãng được phim nhảm đi. Bởi nếu phim nhảm tiếp tục, nhà làm phim có thể lấy tiền từ hiện tại nhưng tương lai sẽ phải làm nghề khác vì thị trường điện ảnh Việt sẽ rơi vào tình cảnh như Thái Lan hiện tại - đánh mất thị phần trong nước.

* Trong suốt ba năm thăm dò khán giả, anh thu nhặt được những gì? 

- Tôi làm phim vì sự ưa thích và vì yêu công việc giải trí. Lúc mới bắt đầu làm phim, tôi thấy còn rất nhiều cơ hội. Tôi muốn xây dựng một bộ máy riêng cho phim ảnh và phát triển nó thành thương hiệu độc lập với công ty đang có. Nếu nhạc cần ba ngày xong một bản phối thì phim cần ít nhất một năm. Không thể chạy theo xu hướng, ngồi chờ xem người ta làm gì mình làm theo, mà muốn đi trước đón đầu nhu cầu của khán giả thì không thể “mò tay không” được. Phải có phương pháp.

Sau khi xong Chàng trai năm ấy, tôi sang Thụy Sĩ học một thời gian và trở về xây dựng phương pháp thăm dò thị hiếu khán giả và đào tạo nhân sự trong công ty. Bộ câu hỏi của chúng tôi chỉ áp dụng ba tháng sau khi phim chiếu. Chúng tôi không hỏi khán giả muốn gì bởi nếu họ nói được thì các nhà làm phim khác đã làm rồi. Chúng tôi hỏi họ đang thiếu gì. 

* Một quá trình đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn...

- Vì nghề này phải làm với các bạn trẻ mà người trẻ thường thiếu kiên nhẫn. Họ chỉ muốn được làm phim thôi, trong khi mình bắt họ làm những cái tưởng chừng như chẳng liên quan. Trong sáng tạo, quan trọng nhất là phản biện, nhưng người làm sáng tạo Việt Nam thường duy ý chí. Họ có thể nghĩ cái đó đúng đấy, nhưng không ai phản biện. Các bạn trẻ cho tôi rất nhiều ý tưởng, sáng kiến hay, nhưng không ai giúp tôi phản biện để chọn ra cái tốt nhất.

Từ một team ba mươi mấy người, hiện tại tôi còn lại sáu người. Đó cũng là những bạn tham gia kịch bản lần này. Mọi thứ đã vào guồng quay.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đạo diễn Nguyễn Quang Huy: “Chất liệu phim không quyết định khán giả”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO