Đan Trường: Tôi là giám khảo không giỏi mỹ từ

HOÀNG LÂM (thực hiện)| 28/07/2015 00:48

Hai mươi năm ca hát, Đan Trường là một trong những cái tên được xem là bền bỉ nhất làng nhạc Việt hiện đại vì sở hữu lượng khán giả ổn định, tránh được sự đào thải khắt khe của âm nhạc thị trường.

Đan Trường: Tôi là giám khảo không giỏi mỹ từ

Hai mươi năm ca hát, Đan Trường là một trong những cái tên được xem là bền bỉ nhất làng nhạc Việt hiện đại vì sở hữu lượng khán giả ổn định, tránh được sự đào thải khắt khe của âm nhạc thị trường. Đánh dấu chặng đường 20 năm, Đan Trường quyết định thử sức trong vai trò mới: giám khảo cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát Ngôi sao Phương Nam của Đài truyền hình Vĩnh Long.

Đọc E-paper

* Là một người không hoạt ngôn, việc anh làm giám khảo ở một chương trình thực tế, có những đêm phát sóng trực tiếp rất dễ khiến anh "khoe" nhược điểm?

- Đúng là tôi không giỏi dùng mỹ từ vì trước giờ tôi vẫn là người có sao nói vậy. Điều này có thể làm khán giả không thấy những nhận xét của tôi hấp dẫn nhưng lại rất có ích cho thí sinh bởi tôi chỉ đưa ra những nhận xét thật lòng, không vuốt ve, không tâng bốc. Thực tế là có rất nhiều thí sinh thua vì những lời có cánh khi tham gia các cuộc thi. Những lời khen khiến họ thấy mình cao hơn hẳn so với thực tế tài năng của họ, dù họ chỉ mới ở vạch xuất phát. Kết quả là có những người rời khỏi những sân chơi tài năng trong... ấm ức. Ban đầu, tôi cũng hơi căng thẳng khi nhận lời ngồi "ghế nóng" nhưng qua vài lần quay thử, tôi thấy đã an tâm.

* Lần đầu làm giám khảo, anh đánh giá thế nào về nhu cầu tỏa sáng ở giới trẻ, đặc biệt là những sân chơi tìm kiếm tài năng ca hát?

- Thực sự là có quá nhiều chương trình, game show ca hát, đến mức tôi luôn tự hỏi, làm sao để có đủ tài năng để cung cấp cho các cuộc thi? Phải làm sao để tìm được tài năng thực sự trong tổng số quá lớn người tham dự? Cá nhân tôi cho rằng, đây là giai đoạn bùng nổ của truyền hình thực tế. Rồi thì khán giả sẽ sàng lọc và thực tế cuộc sống sẽ sàng lọc để rồi cuối cùng, sân chơi nào thích hợp với khẩu vị người xem thì "sống được".

* Có hiện tượng thí sinh tham gia nhiều cuộc thi để nhiều lần lên sóng. Dù kết quả chẳng khá hơn nhưng sau một thời gian, họ vẫn tìm được chỗ trong showbiz?

- Đúng là có những "gương mặt thân quen" trên sóng truyền hình, lặp lại ở các sân chơi tài năng. Như Ngôi sao Phương Nam, tôi thấy sự hiện diện của thí sinh tham dự Nhân tố bí ẩn, Solo cùng Bolero... và cái họ đem đến cuộc thi cũng gần giống với các sân chơi trước. Tôi chỉ có thể nói với họ rằng, với việc xuất hiện nhiều ở các cuộc thi, khán giả cũng sẽ khắt khe hơn. Do đó, nếu không nỗ lực làm mới mình, sẽ đối mặt với thất bại.

Không chỉ có thí sinh quen, nếu quan sát, cũng dễ thấy cách tổ chức, luật chơi các cuộc thi đều na ná nhau, rất dễ khiến người xem nhàm chán.

* Và đó là lý do các nhà sản xuất dùng ban giám khảo để thu hút khán giả?

- Tôi đảm bảo là sẽ không có scandal nào ở vị trí của mình. Hai mươi năm làm nghề, cái tên Đan Trường không xây dựng từ scandal thì bây giờ cũng sẽ như thế! Tôi từng bị những gương mặt nổi tiếng rất nhanh vượt qua nhưng không phải vì thế mà tôi chạy theo bằng cách thức của họ. Tôi gắng dùng cái chất riêng của mình để giữ khán giả.

* Anh có thấy rằng, nhiều sân chơi truyền hình khiến việc nổi tiếng hiện nay dễ dàng hơn rất nhiều so với thời anh lập nghiệp?

- Ngày trước làm gì có nhiều chương trình như hiện nay nên người nghệ sĩ phải nỗ lực để giành vị trí trên sân khấu. Hát dở, diễn dở là bị đào thải ngay. Không có những chương trình với sự hỗ trợ gần như toàn bộ để thí sinh có thể khoe giọng. Muốn làm nghề, chúng tôi phải tự lực cánh sinh. Tuy nhiên, cũng nhờ vậy mà bản lĩnh sân khấu cũng nhiều hơn. Nói như vậy không có nghĩa là thế hệ ca sĩ ngày nay thuận lợi hơn chúng tôi ngày trước. Tuy được hỗ trợ rất tốt từ phía đơn vị sản xuất chương trình nhưng mức độ cạnh tranh để khán giả nhớ đến cũng rất cao. Yếu tố may mắn vì vậy mà giữ vai trò khá quan trọng.

* Điều anh đang đề cập có liên quan đến việc thiếu minh bạch trong các sân chơi truyền hình thực tế?

- Thú thật là tôi đã bất ngờ trước một vài "quán quân" mà theo quan sát của tôi là không xứng đáng. Tôi không hiểu vì sao họ lại vượt qua được những người mà tôi nghĩ là xứng đáng hơn. Tuy nhiên, tôi chỉ dừng lại chuyện đó ở việc thắc mắc cá nhân. Như đã nói, khán giả ngày nay tinh tường lắm. Có che giấu, có mờ ám nào rồi thì con đường làm nghề cũng trả lời rằng quán quân ấy có thực tài hay không.

* Nếu sân chơi mà anh tham gia làm giám khảo có những khuất tất kiểu như vậy?

- Tôi sẽ đấu tranh cho thí sinh. Chính xác là đấu tranh cho sự công bằng.

* Cảm ơn anh về những trao đổi này! 

>Nhạc sĩ Đức Trí: "Chúng tôi sẽ là nơi dạy nhạc nhẹ"

>Chơi đàn để biết cách yêu thương

>Tài năng âm nhạc ở đâu?

>Âm nhạc nâng con người lên cao hơn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đan Trường: Tôi là giám khảo không giỏi mỹ từ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO