Chị Vũ Phương Thủy: Trọn lòng với văn hóa truyền thống

Phương Trang| 26/03/2021 06:08

Thủy yêu lụa, yêu tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống. Yêu đến mức phải xắn tay áo làm một cái gì đó mới cảm thấy yên lòng, mới cảm thấy cơn khát dịu xuống đôi phần.

Tôi không biết nên định danh chị Vũ Phương Thủy là gì? Một nhà thiết kế thì không đúng cho lắm, vì các sản phẩm của chị là kết quả của một đội ngũ gồm nhiều thành phần, vai trò khác nhau. Một người làm kinh doanh lại càng sai, vì chẳng có ai muốn kiếm tiền bằng việc “lao đầu” vào văn hóa truyền thống - một thứ khó xơi và dễ khiến người ta nản lòng. Thủy càng không phải là một nghệ sĩ vì chị không tạo ra những tác phẩm nghệ thuật khiến người xem phải trầm trồ, thán phục. Nhưng Thủy lại chính là tổng hòa của ba định danh trên. Chị dành cho văn hóa truyền thống một tình yêu riết róng, không cần đáp đền.

h1-8403-1616743664.jpg

Chị Vũ Phương Thủy trong không gian của “Duyên”

Để văn hóa truyền thống không mai một

Trong không gian nhỏ xinh vừa ra mắt ngay sau khi dịch tạm lắng, chị Thủy say mê sắp xếp từng chiếc khăn lụa lên kệ, gói ghém vào hộp. Mỗi khi có khách bước vào xem, chị say sưa giới thiệu họa tiết trên từng chiếc khăn. Này là mây ngũ sắc trong tranh Hàng Trống, này là cá chép trông trăng, kia là đôi lợn xoáy âm dương của tranh Đông Hồ, còn đây là hình ảnh lấy cảm hứng từ truyện cổ tích... Chị Thủy có thể nói về tranh dân gian nói riêng và văn hóa truyền thống nói chung, hăng say không biết mệt.

Tình yêu văn hóa truyền thống của Thủy được khơi từ những ngày chị còn là cô phóng viên truyền hình xông xáo tại Hà Nội. Những chuyến đi công tác đến các làng nghề, gặp gỡ những nghệ nhân, ngắm nghía những bức tranh dân gian vừa giản dị, vừa tươi vui lại giàu ý nghĩa đã kết tinh và đốc thúc chị tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Phải làm gì để văn hóa truyền thống không mai một?”. 

Hai năm trước, chị Thủy chợt nhận ra: “Cách duy nhất là đưa văn hóa vào đời sống đương đại. Chỉ có cùng sống, cùng vận động với nhịp thở đương thời, người trẻ mới thấy được nét đẹp trong tính hữu dụng của món đồ”. “Làng nghề muốn tồn tại, trước hết, người làm nghề phải sống được bằng chính nghề đó”, chị đúc kết.

Giải xong bài toán lớn, Thủy tìm gặp các nghệ nhân bóc tách tầng lớp trong tranh. Muốn làm được khăn trước hết phải hiểu rõ tranh, từ chất liệu, màu sắc cho đến ý nghĩa của từng họa tiết. Mặt khác, chị làm việc với đội ngũ họa sĩ để biến tấu những nét vẽ, họa tiết trên tranh dân gian thành những họa tiết đương đại, vui tươi, sinh động mà vẫn không làm mất đi cái chất vốn có của tranh. Chị còn sục sạo khắp các làng nghề, tìm lụa đúng chuẩn “made in Vietnam”, đảm bảo mềm mướt mà vẫn bền, không xước, không bị lem màu khi in hay nhuộm.

Đường xa nhọc nhằn

Những ngày đầu của Thủy vừa vất vả vừa đầy thách thức. “Khó nhất là làm việc với các nghệ nhân thuyết phục họ làm theo ý mình mong muốn, thứ hai là đi tìm nơi nhuộm để họa tiết lên màu đúng và cuối cùng, tìm được lụa dệt chéo để khăn không bị xô hay bị co khi nhuộm”, chị chia sẻ.

Hỏi Thủy tại sao lại chọn khăn thay vì áo, túi hay giày dép, chị bộc bạch: “Ngày nay, văn hóa dùng khăn trang trí như phụ kiện thời trang cũng đã tiệm cận người Việt. Tôi muốn cho người Việt thêm một lựa chọn với khăn lụa họa tiết tranh dân gian, bên cạnh lựa chọn từ các hãng thời trang danh tiếng”. Chị chọn cho khăn một cái tên thuần Việt, luyến lưu: Duyên - với nhiều hàm nghĩa. Vừa là một mỹ cảm của người Việt, hợp với món đồ nhỏ xinh, vừa là mối duyên của chị với văn hóa dân gian mà suốt nhiều năm nay.

Để có được những chiếc khăn Duyên hội đủ các yếu tố thẩm mỹ: mát, mỏng, nhẹ như hiện tại, chị Thủy đã phải bỏ đi rất nhiều thành phẩm không như ý. Và chị tìm được lụa Bảo Lộc - một trong những loại lụa đạt chuẩn quốc tế được rất nhiều nhà thiết kế Việt Nam tin dùng. Trên chặng đường dài hơn, chị Thủy đang ấp ủ mộng ước Duyên có thể cho ra nhiều sản phẩm trang trí (décor art) bằng nghệ thuật sơn mài từ sơn ta. Và chị vẫn đang miệt mài đi, bằng niềm hứng khởi, bằng lòng say mê và bằng niềm tự hào về văn hóa truyền thống của Việt Nam. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chị Vũ Phương Thủy: Trọn lòng với văn hóa truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO