Chân dung lãnh đạo sẽ rất khác trong 5-10 năm nữa

NHÃ NGHI| 06/02/2015 03:41

Nhưng trong tương lai gần, “sân chơi” sẽ mang tầm quốc tế rộng lớn hơn nữa. Vì thế, thế hệ lãnh đạo trẻ cần có phẩm chất khác hơn trước rất nhiều.

Chân dung lãnh đạo sẽ rất khác trong 5-10 năm nữa

Trong tương lai gần, khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), mở rộng hoạt động kinh doanh ra quốc tế hơn nữa, những yêu cầu đặt ra cho những nhà lãnh đạo sẽ càng phức tạp hơn. Đó là những dự đoán mà ông Lê Trí Thông - Phó giám đốc BCG (The Boston Consulting Group) chia sẻ trong buổi nói chuyện chuyên đề MBA Talk: “Chân dung nhà lãnh đạo tương lai” do Viện Đào tạo Quốc tế ISB thuộc Đại học kinh tế TP.HCM tổ chức hôm 31/1/2015.

Ông Lê Trí Thông được biết đến như một chuyên gia kinh tế, nhà lãnh đạo trẻ tuổi của các tập đoàn lớn. Khi 25 tuổi, ông là sinh viên trẻ nhất được trường kinh doanh SAID - Đại học Oxford nhận vào học chương trình MBA. Ông còn nhận được học bổng toàn phần duy nhất của chương trình MBA – học bổng Naomi Molson Scholar. Tốt nghiệp MBA hạng xuất sắc tại Oxford, ông Thông làm việc tại Tập đoàn Exxon Mobil (Anh). Sau đó ông về nước và bắt đầu theo đuổi công việc “quản trị con người” mình yêu thích. Ông từng là CEO Công ty cổ phần TIE - một trong những nhà phân phối lớn nhất Việt Nam về điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông. Sau đó, ông giữ chức Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á trước khi trở thành Phó giám đốc Tập đoàn BCG.

Bằng những kinh nghiệm thực tiễn của mình, tại MBA Talk, ông Thông đã “mách nước” cho các nhà lãnh đạo tương lai về các tố chất, yêu cầu cần có đối với cấp quản lý trong tình hình mới. Theo ông, việc tích lũy kiến thức MBA từ sớm sẽ trang bị cho các bạn trẻ có nền tảng vững chắc để sẵn sàng áp dụng vào thực tiễn khi làm việc, đón đầu và ứng biến với những đổi thay của thị trường và trở thành nhà lãnh đạo tài năng trong tương lai.

Khát khao là “tế bào gốc” trong sự nghiệp

Theo ông Lê Trí Thông, sự khát khao chính là “tế bào gốc” từ đó sản sinh ra các yếu tố khác. Khát khao vươn tới những giá trị cho bản thân, gia đình và sự công nhận của xã hội.

“Con đường dẫn tới thành công không đến từ nhung lụa mà nó được sinh ra trong những khủng hoảng, thách thức. Chính nhờ có khát khao mà chúng ta dám dấn thân, chấp nhận thử thách, nỗ lực làm việc để tạo dựng thành quả cho mình. Nó cũng sẽ tạo động lực để truyền cảm hứng cho đồng đội, sự nhiệt tâm cống hiến cho tổ chức”, ông Thông nói.

Tố chất của lãnh đạo trong tương lai

Ông Lê Trí Thông chia sẻ, thế hệ của ông là những lãnh đạo doanh nghiệp trong bối cảnh đất nước đang trong thời kỳ hội nhập. Nhưng trong tương lai gần, 5 – 10 năm nữa, mà gần nhất là năm 2015 này, khi Việt Nam sẽ gia nhập AEC, “sân chơi” sẽ mang tầm quốc tế rộng lớn hơn nữa. Vì thế, thế hệ lãnh đạo trẻ cần có phẩm chất khác hơn trước rất nhiều. Khả năng, tầm nhìn phải vươn xa hơn đến thị trường quốc tế. Phương pháp quản trị, lãnh đạo cũng phải khác.

Ông Thông nhấn mạnh: “Có thể bạn sẽ phải quản lý một tập thể gồm các nhân viên đến từ nhiều quốc gia, cách ứng xử, văn hóa, phương thức làm việc cũng khác nhau. Thế hệ nhân viên mới chắc chắn sẽ không phải là “cấp trên nói gì, cấp dưới nghe theo” mà đòi hỏi phải có sự tôn trọng lẫn nhau”.

Viện Đào tạo Quốc tế ISB thường xuyên tổ chức MBA Talk để giúp kết nối học viên MBA và các chuyên gia, doanh nghiệp

Bí kíp phân quyền cho nhân viên

Việc phân quyền để tạo cho cấp dưới không gian ra quyết định sẽ giúp tạo sự kết nối bền vững trong tổ chức. Tuy nhiên, áp dụng vào tình hình thực tế ở các công ty Việt Nam, theo ông, lãnh đạo cũng phải “phá rào” một chút: vừa giao quyền nhưng cũng phải đóng vai trò giám sát, tư vấn cho cấp dưới. Lúc này, người lãnh đạo đứng trước bài toán quản trị. Một là tự ra quyết định - sẽ rất nhanh, tiết kiệm được nhiều thời gian, song điều đó cũng có nghĩa là phải một mình phải “kham” hết. Hai là trở thành người tư vấn đường lối cho cấp dưới - tốn nhiều thời gian công sức hơn, nhưng sẽ có đội ngũ “vừa làm vừa xây”, vững vàng về năng lực từ bên trong.

Tiêu chuẩn để tuyển dụng nhân tài

Đối với việc tuyển dụng nhân tài, ông Lê Trí Thông cho biết, ngoài bằng cấp và năng lực, hai yếu tố ông chú trọng là sự khát khao và tính cách. Lấy kinh nghiệm từ bản thân, chính sự khát khao đã giúp ông đồng cảm cùng lãnh đạo của mình, tạo động lực để đưa ngân hàng Đông Á đi lên.

Theo ông, nếu nhân viên có niềm khát khao thì có thể bồi dưỡng năng lực qua thời gian và bằng phương pháp phù hợp. Ngoài ra, tính cách của nhân viên cũng là điều cần xem xét khi tuyển dụng. Cần cân nhắc kỹ năng làm việc nhóm, sự hòa nhập trong môi trường tập thể của ứng viên, hay những giá trị đạo đức của họ có phù hợp để họ gắn bó lâu dài hay không.

“Chân dung nhà lãnh đạo tương lai” là chủ đề đầu tiên trong chuỗi chương trình hội thảo MBA Talk sẽ được Viện đào tạo quốc tế ISB của trường Đại học Kinh tế TP.HCM thường xuyên tổ chức để làm diễn đàn giao lưu giữa các học viên MBA, các bạn trẻ khát khao tri thức và phát triển kỹ năng quản trị, trở thành nhà lãnh đạo trong tương lai cùng cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia trong ngành. Truy cập website: http://www.uws.edu.vn để biết thêm chi tiết.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chân dung lãnh đạo sẽ rất khác trong 5-10 năm nữa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO