Stanley Ho - Nhiều tiền, lắm vợ, đông con

Nguồn Doanh Nhân| 03/10/2009 04:32

Trong thế giới đầu cơ nghiệt ngã, người được cả phúc, lộc, thọ chỉ có một, đó Stanley Ho.

Stanley Ho - Nhiều tiền, lắm vợ, đông con

Stanley Ho - Nhà đầu cơ trứ danh này được mệnh danh là “Ông vua sòng bạc” và “Ông vua trên giường”

Có nhiều nhà đầu cơ gây dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng, có không ít nhà đầu cơ coi đầu cơ là con đường duy nhất để thực hiện khát vọng đổi đời, và chẳng thiếu nhà đầu cơ nhằm vào chính tâm lý ham lời muốn lợi của chính giới đầu cơ để đầu cơ. Nhưng trong thế giới đầu cơ, đồng thời thuộc về cả ba diện ấy thì lại chỉ có một người, đó là Stanley Ho. Nhà đầu cơ trứ danh này được mệnh danh là “Ông vua sòng bạc” và “Ông vua trên giường”, đơn giản vì ông ta giàu có bởi sòng bạc, lại có nhiều vợ và rất đông con.

Tiểu sử không được kiểm chứng

Nhiều tiền, lắm vợ và đông con là nguyên do khiến Stanley Ho được cư dân của thế giới đầu cơ kính nể nhưng cũng đồng thời bị họ ganh tỵ. Năm nay đã 88 tuổi, Stanley Ho sở hữu khối tài sản ước tính trị giá 7 tỷ USD, được coi là một trong những doanh nhân thành đạt nhất Châu Á, là ông chủ của sân bay và hãng hàng không, hải cảng và hãng vận tải biển, nhà máy điện và sân golf, đường sá và cầu cống, khách sạn và phương tiện thông tin truyền thông, và đặc biệt rất nhiều sòng bạc. Stanley Ho có được tất cả những tài sản đó nhờ đầu cơ.

Con đường đi tới giàu sang phú quý đối của Stanley Ho được bắt đầu từ khát vọng đổi đời sau phi vụ đầu cơ thất bại của người cha, từ ý chí dùng tiền bạc để giành lại địa vị xã hội đã bị mất và từ nhận thức rằng đầu cơ là con đường ngắn nhất, là phương cách tối ưu nhất để trở nên giàu có một cách nhanh nhất và lại rửa được mối hận gia đình.

Ho sinh ra trong một gia đình thương gia giàu có ở Hong Kong. Người ông của Ho phục vụ cho chính quyền thực dân Anh nhưng làm giàu bằng buôn bán bạch phiến. Người cha của Ho làm việc cho công ty thương mại Sassoon rất có thế lực ở Hồng Kông. Cái tên Stanley được bố mẹ đặt cho Ho bởi gia đình ông cuối tuần rất hay đến nghỉ ở khu Stanley của Hồng Kông.

Cuộc sống nhung lụa của Ho bị ngưng đoạn đột ngột năm Ho mới 13 tuổi khi gia đình bị khánh kiệt bởi người cha thất bại trong vụ đầu cơ cổ phiếu của công ty Jardine. Bi kịch gia đình khởi nguồn từ đó. Ho phải nghỉ học. Người cha bỏ vợ con đi biệt tích. Hai người anh của Ho tự tử. Đối với Ho, không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải nhanh chóng làm giàu để khôi phục lại mức sống, danh dự và địa vụ xã hội cho gia đình.

Stanley Ho vừa kiếm tiền nuôi mẹ lại vừa phải đi học và biết rằng chỉ có học thật giỏi thì mới có thể giành được học bổng của chính quyền thực dân Anh ở Hồng Kông hay thực dân Bồ Đào Nha ở Macao. Ho cũng biết rằng, muốn kiếm sống và làm giàu ở xứ này thì còn phải học thật giỏi tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Bồ Đào Nha… Quyết tâm sắt đá, bền bỉ, ý chí và lao động không mệt mỏi đã giúp Stanley Ho đặt được nền móng cần thiết đầu tiên cho sự nghiệp đầu cơ sau này.

Trong thế giới của Stanley Ho, đạo đức và chính trị luôn phải phục tùng lợi nhuận

Những quyết định đầu cơ đổi đời

Quyết định đầu cơ đầu tiên và cũng có thể nói là quan trọng nhất của Stanley Ho là đầu cơ vào hôn nhân. Cô gái được Stanley Ho để ý đến là Clementia, con gái của một trong những luật sư nổi tiếng nhất Hong Kong. Thời đó, Clementia được coi là cô gái xinh đẹp nhất thuộc địa này. Ho nhận thức được rằng uy danh của nhà vợ sẽ giúp Ho gây dựng uy tín riêng và vợ càng đẹp thì các đối tác càng nể phục. Có như vậy thì mọi cánh cửa mới dễ dàng được mở ra cho Ho và mọi cơ hội kinh doanh béo bở mới có thể đến lượt loại doanh nhân ít tiền nhiều tham vọng như Stanley Ho.

Stanley Ho là người mê tín cho nên rất tin lời một thầy bói rằng, Clementia là cội nguồn của mọi may mắn và thành đạt sau này của Ho. Vì thế cả sau này khi đã rất giàu có và quyền thế ở Hồng Kông và Macao, Ho chưa khi nào có ý định bỏ vợ mà chỉ... lấy thêm 3 vợ nữa. Trên danh nghĩa chính thức, Stanley có 4 vợ và 17 con. Trong thực tế thì đó là con số ít nhất.

Quyết định đầu cơ quan trọng tiếp theo của Stanley Ho là đầu cơ vào ngành xây dựng. Trước cũng như sau chiến tranh thế giới thứ hai, nhu cầu xây dựng ở cả Hồng Kông lẫn Macao đều rất lớn. Chiến lược đầu cơ của Stanley Ho là mua lại những công ty xây dựng có thể mua được và mua cổ phần ở những công ty xây dựng không thể thâu tóm nổi. Ho không theo đuổi mục tiêu điều hành công ty mà chỉ làm chủ sở hữu công ty, hướng tới mục tiêu giành vị thế độc quyền về xây dựng ở cả hai khu thuộc địa. Ho có được những triệu USD đầu tiên nhờ hoạt động đầu cơ kiểu này.

Nhưng để có được chục triệu, trăm triệu và tỷ USD đầu tiên thì Ho phải đầu cơ vào sòng bạc. Stanley Ho nhận ra được từ rất sớm giới hạn của ngành xây dựng ở hai khu thuộc địa này. Đầu cơ vào đó vẫn giúp Ho kiếm được tiền, nhưng không còn được nhiều trong thời gian dài nữa. Ho nhận ra rằng chỉ có tham vọng làm giàu nhanh của con người là vô hạn và chỉ có khả năng quyến rũ của sòng bạc là vô hạn.

Đất đai xây dựng ở đây rồi dần cạn kiệt nhưng dòng máu cờ bạc trong con người, không chỉ ở Châu Á, nhưng đặc biệt là người Châu Á, luôn không ngừng tuôn chảy. Làm chủ sòng bạc nhưng không chơi bạc, đầu cơ vào sòng bạc chứ không đầu cơ bằng chơi bạc, hay nói cách khác, đầu cơ vào tâm lý ham mê cờ bạc của con người mới là quyết định đầu cơ giúp Stanley Ho nổi tiếng. Cơ hội để làm việc đó đến với Ho năm 1961.

Năm đó, Toàn quyền Macao lần đầu tiên cho đấu thầu quyền tổ chức sòng bạc. Cùng với ba đối tác khác nữa, Stanley Ho giành được độc quyền này. Họ bỏ ra 410.000 USD nhưng thu về tiền tỷ vì từ đó thế giới sòng bạc ở Macao gần như hoàn toàn thuộc về họ. Năm 1996, doanh thu của Ho lớn bằng một phần ba tổng thu nhập của Macao.

Thiên hạ kháo nhau rằng, Ho và cộng sự đã không từ bỏ thủ đoạn và thủ thuật nào để thao túng và độc quyền thế giới sòng bạc ở đây, và rằng Ho rất biết phải cư xử như thế nào với chính quyền đã đưa lại cho Ho đặc quyền đặc lợi đó. Một cựu quan chức trong chính quyền thuộc địa Bồ Đào Nha từng kể: Mỗi khi Toàn quyền cần tiền thì chỉ cần nhìn sang bên phải. Stanley Ho luôn đứng ở đó và luôn hiểu ý.

Stanley Ho vừa kiếm tiền nuôi mẹ lại vừa phải đi học và biết rằng chỉ có học thật giỏi thì mới có thể giành được học bổng của chính quyền thực dân Anh ở Hồng Kông hay thực dân Bồ Đào Nha ở Macao.

Cũng vì rất hiểu tầm quan trọng của chính trị đối với hoạt động đầu cơ ở đây mà Ho có được quyết định đầu cơ đúng đắn khi Macao thuộc về Trung Quốc năm 1999. Trong khi thiên hạ tẩu tán tài sản thì Ho lại vẫn tiếp tục đầu tư vào sòng bạc. Việc Macao trở về với Trung Quốc đã mở đường cho lượng người đến Macao chơi bạc còn nhiều hơn cả trước. Năm 2007 có tới 27 triệu du khách đến Macao - đa số đến chỉ để chơi bạc, chứ ở xứ này có cái gì đâu để mà xem ngoài sòng bạc.

Năm 2006, Macao đã vượt Las Vegas của Mỹ về doanh số chơi bạc. Từ mấy năm nay, chính quyền mới hủy độc quyền đã ban phát cho Ho về sòng bạc. Nhưng trên 30 năm độc quyền cũng đã quá đủ để Ho trở thành tỷ phủ với địa vị xã hội và thậm chí cả phần nào quyền lực chính trị ở Macao và Hồng Kông.

Trong thế giới của Stanley Ho, đạo đức và chính trị luôn phải phục tùng lợi nhuận. Có được cả tiền lẫn tình, cả danh lẫn quyền, đổi đời và rửa hận xưa - nếu không gọi nhà đầu cơ nào được tất cả như vậy là nhà đầu cơ trứ danh thì không biết nên gọi là gì.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Stanley Ho - Nhiều tiền, lắm vợ, đông con
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO