Những CEO đáng bị sa thải của các tập đoàn Mỹ

25/05/2012 09:58

Tạp chí Forbes đưa ra danh sách 5 CEO quyền lực, giàu có nhưng đang gây hại cho công ty, cổ đông, nhân viên với những chiến lược sai lầm.

Những CEO đáng bị sa thải của các tập đoàn Mỹ

Tạp chí Forbes đưa ra danh sách 5 CEO quyền lực, giàu có nhưng đang gây hại cho công ty, cổ đông, nhân viên với những chiến lược sai lầm.

1. Steve Ballmer (Microsoft)

Dưới thời Steve Ballmer lãnh đạo, khi thị trường ngày càng di động hóa, Microsoft vẫn chỉ là một công ty phần mềm và thất bại trong việc chuyển đổi sang mảng di động. Năm 2000, khi Steve Ballmer lên giữ chức CEO, cổ phiếu Microsoft có giá 60 USD. Đến năm 2002, cổ phiếu Microsoft tụt xuống còn 20 USD, và khó khăn lắm mới lên được mức 30 USD như hiện nay.

Thêm vào đó, sau nhiều lần liên tục trì hoãn, sản phẩm mới của Microsoft tung ra không đủ tiên tiến để gây ấn tượng với người sử dụng. Trong khi Windows 7 và Office 2010 của Microsoft không khiến người dùng hài lòng, Apple đã chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu trong mảng công nghệ di động cá nhân.

Ông Ballmer được cho là nên về nghỉ hưu và vui thú tuổi già thay vì đem tiền của nhà đầu tư và việc làm của hàng nghìn nhân viên ra đánh cược với những chiến lược đầy rủi ro.

2. Edward Lampert (Sears Holdings)

Giữ vị trí chủ tịch, Edward Lampert không thực hiện được bất kỳ mục tiêu nào của công ty đặt ra. Kể từ khi Lampert lên nắm quyền, từ một tập đoàn bán lẻ hàng đầu, Sears sa sút rất mạnh. Từ năm 2004 đến 2007, cổ phiếu Sears đã tăng từ mức 30 USD lên 170 USD. Tuy nhiên, từ khi Lampert làm chủ tịch, cổ phiếu hãng này giảm xuống còn 30 USD vào năm 2009 và 2012.

Lampart đang hủy họa Sears và khiến công ty bán lẻ này rơi vào tình cảnh khó cứu vãn. Đáng lẽ ông nên bị sa thải từ nhiều tháng trước khi những kết quả ông tạo ra không đáp ứng được mong đợi.

3. Mike Duke (WalMart)

Trước khi lên giữ chức vị trí CEO năm 2009, Mike Duke là giám đốc của WalMart International. Ông được biết đến là người sẵn sàng làm mọi thứ để phát triển WalMart, kể cả đó là hành vi phi đạo đức hay phạm pháp.

Nhưng tồi tệ hơn, Duke theo đuổi chiến lược sai lầm, không phù hợp với tình hình cạnh tranh của thị trường bán lẻ năm 2012. Thị trường này đang dần chuyển đổi, các công ty bán hàng trực tuyến thi nhau áp dụng công nghệ mới giúp cho việc mua sắm trực tuyến trên thiết bị di động trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn bao giờ hết. Thế nhưng WalMart lại gần như né tránh khỏi thế giới mua sắm trực tuyến bởi những chính sách của nhà lãnh đạo Duke. Chính điều này đã kiềm đà tăng trưởng, lợi nhuận và khiến WalMart mất đi vị thế cạnh tranh.

Năm 2000, cổ phiếu WalMart đạt mức 70 USD, nhưng dậm chân tại chỗ kể từ đó. Nhà đầu tư không được hưởng lợi gì từ chiến lược phát triển của Duke, còn nhân viên của công ty thì phải làm việc với khoản lương trên mức nghèo đói và không được thưởng thêm.

Để tiếp tục sinh tồn, WalMart cần có một chiến lược hoàn toàn mới và không nên do Duke đề ra. Đáng lẽ Duke nên bị sa thải từ lâu trước khi những rắc rối như hiện nay diễn ra.

4. Jeffrey Immelt (General Electric)

Trong suốt hơn 100 năm hoạt động, General Electric (GE) chỉ có 9 CEO. Sau một thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu và lợi nhuận, dưới thời CEO Jack Welch, cổ phiếu GE đạt mức đỉnh 60 USD vào năm 2000. Tuy nhiên, kể từ khi Jeffrey Immelt lên nắm quyền, giá cổ phiếu hãng này bắt đầu trượt dốc.

GE dưới thời Jeffrey Immelt không có được bước tiến vượt bậc nào mà chỉ quẩn quanh với các rắc rối. Từ đỉnh cao năm 2001, cổ phiếu GE đã sụt xuống còn 8 USD vào năm 2009 khi Immelt gần như chuyển đổi GE từ một đơn vị sản xuất thành công ty đầu tư tài chính.

Khi đó, GE thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ nhờ vào quỹ đầu tư Berkshire Hathaway. Tuy nhiên, cổ phiếu hãng này vẫn chỉ có giá 19 USD, giảm gần 70% so với thời điểm trước khi Immelt lên làm CEO. Lẽ ra Immelt nên ra đi từ năm 2010.

5. John Chambers (Cisco Systems)

John Chambers giữ vị trí CEO tại Cisco Systems từ năm 1995 và có nhiều công lao trong việc phát triển công ty. Năm 2001, cổ phiếu Cisco đạt mức 70 USD. Tuy nhiên sau đó, các cuộc suy thoái kinh tế khiến ngân sách dành cho công nghệ của các công ty giảm xuống và thị trường chuyển sang công nghệ điện toán đám mây, Cisco bị quay cuồng trong việc tìm ra chiến lược phù hợp.

Từ năm 2001 đến 2007, giá cổ phiếu Cisco giảm một nửa, xuống còn 35 USD. Tiếp tục đà tụt dốc, hiện nay, cổ phiếu của hãng này chỉ còn 17 USD. Không có sự thay đổi về chiến lược hoạt động trước xu hướng mới của thị trường, triển vọng tăng trưởng của Cisco gần như không có. Trước tình hình này, điều mà Cisco nên làm là thay thế vị CEO đã tại vị quá lâu của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những CEO đáng bị sa thải của các tập đoàn Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO