Nhà sáng lập Atari: Cuộc sống như những ván game

BÍCH TRÂM| 07/08/2015 06:55

Trong cuộc sống, thất bại cũng giống như bạn thua một ván game, chỉ cần chơi lại từ đầu.

Nhà sáng lập Atari: Cuộc sống như những ván game

Nolan Bushnell là nhà tiên phong về công nghệ, doanh nhân và kỹ sư. Ông được coi là cha đẻ của ngành công nghiệp trò chơi điện tử. Ông cũng nổi tiếng với vai trò là nhà sáng lập Công ty Atari (nơi Steve Jobs từng làm việc) và Chuck E.Cheese’s Pizza Time Theater.

Tuy nhiên, sau những thành công mang tính đột phá vào giai đoạn cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980 (với Atari và Chuck E.Cheese’s Pizza Time Theater), Nolan Bushnell đã phạm phải nhiều sai lầm dẫn đến thất bại trong kinh doanh và suy sụp về tài chính, theo BBC.

Ở độ tuổi 72 hiện tại, Nolan Bushnell vẫn là người có cái nhìn lạc quan và không bao giờ phí thời gian vào việc tiếc nuối "hào quang" trong quá khứ. Đặc biệt, ông quan niệm hành trình kinh doanh của mình chỉ đơn giản giống như là một "trò chơi điện tử không được công bố" của Công ty Atari.

Nói “Không” với bạo lực

Ngay từ khi còn trẻ, Nolan Bushnell đã là một “serial entrepreneur” - người tạo dựng công ty mới dựa trên một ý tưởng rồi "trao" lại cho người khác để tiếp tục với những ý tưởng và công ty tiếp theo. Ông từng làm việc tại các công viên giải trí và có bằng đại học ngành Kỹ thuật điện.

Nolan Bushnell thành lập Công ty Atari nhờ "một chút may mắn". Ông nói: “Vào năm 1969, tôi chỉ là một kỹ sư điện có một chút hiểu biết về truyền hình và dịch vụ trò chơi điện tử trả tiền xu (giống như trò chơi điện cơ tại các công viên giải trí vào thời đó)”.

Bằng cách kết hợp sự phát triển của ngành công nghiệp máy tính cá nhân với loại hình game trả tiền xu, Nolan Bushnell và người bạn của mình là Ted Dabney đã sáng tạo thành công các trò chơi điện tử nổi tiếng như Pong, Asteroids và Centipede.

Không giống như xu hướng phổ biến của nhiều trò chơi điện tử ngày nay, Bushnell có một niềm tin vững chắc rằng các sản phẩm game của ông vẫn có thể thành công mà không cần nhờ vào các yếu tố bạo lực hay máu me.

Trò chơi điện tử của Atari có xu hướng đề cao tính nhân văn chứ không phải các yếu tố bạo lực
“Chúng tôi không muốn sử dụng yếu tố bạo lực lên con người. Nếu thích, bạn hoàn toàn có thể cho nổ tung một cỗ xe tăng hoặc một chiếc máy bay”, Nolan Bushnell cho biết.

Thành công nhờ biết cách trọng dụng nhân tài

Nolan Bushnell cũng nhấn mạnh, thành công của game Atari có được cũng nhờ phần lớn vào việc ông biết cách tìm kiếm và trọng dụng những nhân viên có đầy óc sáng tạo, bởi vì ông luôn “đánh giá cao nhân viên có niềm đam mê hơn bất cứ yếu tố nào khác trong tuyển dụng”.

Một trong số những nhân tài từng làm việc cho Nolan Bushnell là “phù thủy công nghệ” Steve Jobs. Giống như nhiều nhân viên khác đầu quân cho Bushnell ngay từ những ngày đầu, Steve Jobs là người có đầy đam mê và dĩ nhiên là một nhân viên làm việc rất chăm chỉ.

“Anh ấy có thể ngủ lại trên bàn làm việc vào buổi tối và thức dậy vào sáng hôm sau trong tư thế sẵn sàng làm việc tiếp”, Nolan Bushnell tiết lộ.

Tài liệu chép tay của Steve Jobs năm 19 tuổi, lúc đang làm việc tại Atari, được bán với giá 27.500 USD vào năm 2012

Cuộc sống không chỉ toàn hoa hồng

Năm 1976, Nolan Bushnell quyết định bán Atari cho Công ty Giải trí Warner Brothers với mức giá ước tính là 30 triệu USD để mở rộng các dịch vụ của mình – mục đích mà sau này ông từng nói rằng mình luôn cảm thấy hối tiếc.

Lúc đó, Nolan Bushnell vạch sẵn cho mình một con đường, đó là sẽ trở thành người đứng đầu danh sách 20 triệu phú thành công nhất tại Thung lũng Silicon.

“Vào lúc ấy, tôi muốn những người như Steve Jobs, Bill Gates, Mark Zuckerberg phải dựa vào tôi để thành công. Cách nghĩ kiêu ngạo này rất dễ xảy đến một khi bạn đã có một vài thành tựu đáng chú ý ở tuổi hai mươi”, Nolan Bushnell thừa nhận.

Vào giữa thập niên 1980, công việc kinh doanh của Nolan Bushnell không còn suôn sẻ. Ngay cả chuỗi nhà hàng kết hợp với trò chơi điện tử dành cho thanh niên uWink của ông cũng không như mong đợi.

Không nản lòng, Nolan Bushnell vẫn nghĩ rằng mình còn nhiều nguồn động lực khác. Ông tiếp tục lấy cảm hứng từ những người con của mình.

Một vài người trong số họ có biểu hiện không muốn học đại học mà thích làm kinh doanh ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông. “Bạn đã khởi đầu bao nhiêu dự án kinh doanh khi ở vào độ tuổi 18? Nếu câu trả lời là 0, tôi sẽ không đầu tư vào bạn”, Nolan Bushnell nói về cảm hứng kinh doanh của những người con mình.

Nolan Bushnell nghĩ rằng công nghệ sinh học và công nghệ thực tế ảo có thể giúp thay đổi điều này. Ông cho rằng có thể tận dụng sự phát triển của khoa học não bộ để cá nhân hóa hệ thống giáo dục ở Mỹ và làm cho nó trở nên hấp dẫn người trẻ hơn.

Nolan Bussnell hiện có "tham vọng" làm cho lĩnh vực giáo dục có khả năng “gây nghiện” cho mọi người giống như những trò chơi điện tử nổi tiếng của Atari.

“Một cuộc đời thú vị không bao giờ trải đầy hoa hồng. Khi thất bại, mọi thứ chưa phải là dấu chấm hết vì bạn luôn có cơ hội làm lại, cũng giống như bạn thua một ván game và bắt đầu chơi lại từ đầu”, Nolan Bushnell ví von.

>Tại sao những nhà sáng lập thường là những CEO thất bại?

>Lời khuyên khởi nghiệp từ nhà sáng lập Twitter - Jack Dorsey

>Những CEO giàu sụ nhờ… mất việc

>CEO StoxPlus: ‘Khủng hoảng là cơ hội chơi lại ván cờ'

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhà sáng lập Atari: Cuộc sống như những ván game
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO