Nhưng giờ đây, cây rau nhút không còn “thời hoàng kim”, nhiều người không trồng rau nhút nữa, do giá rau nhút thấp hơn nhiều so với cây lục bình (bèo tây). Lục bình đang là giống cây “hot” ở Hậu Giang vì đây là nguyên liệu để làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu như sọt, thảm, nón, rổ, túi xách, bàn ghế và một số sản phẩm dùng trang trí nội thất.
Giá cả và đầu ra của cây lục bình cũng ổn định hơn cây rau nhút. Ban đầu, huyện Long Mỹ chỉ có vài hộ trồng lục bình, lâu dần thấy trồng lục bình nhẹ công chăm sóc, đầu tư ít vốn, lãi cao, nên số hộ trồng lục bình ở huyện này hiện nay đã lên đến vài trăm.
Cách trồng lục bình phổ biến là người dân thường gom những bụi lục bình con trôi nổi trên sông, rồi dùng cây vây lại. Chỉ sau khoảng hai tháng, lục bình cao từ 60-70cm là thu hoạch được. Giá lục bình thương lái mua tại nhà hiện nay là 16.000 đồng/kg lục bình khô. Một công (1.000m2) lục bình tươi, có thể thu hoạch từ 600-700kg lục bình khô.
Nghề đan cây lục bình khô đã tạo được việc làm và mang lại thu nhập cho nhiều người dân Hậu Giang hiện nay. Một lao động bình thường cũng có thể kiếm trung bình 50.000 đồng/ngày. Công việc đan lục bình đã giúp nhiều nông dân có được việc làm trong thời gian nhàn rỗi, đây cũng là một cách xóa đói giảm nghèo khá hiệu quả ở nông thôn.
Một cán bộ thuộc Công ty CP Sản xuất - kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Hậu Giang cho biết, các sản phẩm làm từ dây lục bình đang được xuất khẩu chủ yếu qua Nhật, riêng với hàng thứ phẩm được bán cho người tiêu dùng trong nước.