Cảng Đà Nẵng nói không với ODA

BÍCH HỒNG| 19/04/2015 08:31

Trong một giải trình cuối tuần qua về đầu tư phát triển Cảng Tiên Sa từ nay đến năm 2025, lãnh đạo Cảng Đà Nẵng đã từ chối vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật, để tự huy động vốn tại Việt Nam.

Cảng Đà Nẵng nói không với ODA

Trong một giải trình cuối tuần qua về đầu tư phát triển Cảng Tiên Sa từ nay đến năm 2025, lãnh đạo Cảng Đà Nẵng đã từ chối vốn vay ODA từ Chính phủ Nhật, để tự huy động vốn tại Việt Nam.

Đọc E-paper

Số vốn ODA của dự án này được liên danh tư vấn cảng biển tại Việt Nam là Portcoast - TEDI Port tư vấn tính toán khoảng 2.160 tỷ đồng cho phần xây lắp. Và lãnh đạo Cảng Đà Nẵng trình bày phương án tự huy động vốn 1.300 tỷ đồng, có một vài thay đổi về quy mô, nhưng mục tiêu và năng suất hoạt động của Cảng vẫn đảm bảo kế hoạch tương tự.

Phương án của Cảng Đà Nẵng có một sức thuyết phục quan trọng ở chỗ: Nhìn vào bản dự toán xây lắp từ nguồn vốn ODA có một điểm yếu là chi phí quản lý cao ngất đã dẫn đến việc đội vốn. Bên cạnh đó, yêu cầu về những công trình phụ trợ kèm theo, nhưng chưa cần thiết xây dựng trong giai đoạn trước mắt.

Với phương án thu hút nguồn lực đầu tư trong nước, những chi phí quản lý được tiết giảm tối đa, đầu tư hợp lý từng giai đoạn để tận dụng hết công năng các công trình hạ tầng tại cảng phù hợp với nhu cầu tại chỗ là cơ sở cho quá trình xây dựng dự án và giảm bớt gánh nặng vốn đầu tư.

Phương án này chưa có tiền lệ với những dự án đầu tư hạ tầng cần một số vốn huy động lớn như vậy. Và có thể đây là dự án đầu tiên trả lời những câu hỏi về hiệu quả vay và sử dụng vốn ODA như "dao hai lưỡi" trong phát triển kinh tế.

Việc lãnh đạo Cảng Đà Nẵng và Công ty Vinalines cân nhắc về chi phí quản lý dự án từ nguồn ODA thường rất cao so với quy trình quản lý đầu tư trong nước cũng là vấn đề các nhà nghiên cứu kinh tế đặt ra từ nhiều năm nay.

Ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng giám đốc Cảng Đà Nẵng, cũng khẳng định việc quản lý chất lượng các hạng mục xây dựng Cảng Tiên Sa phải ngang tầm như các dự án có vốn viện trợ ODA.

Cảng Đà Nẵng quyết tâm và đủ sức huy động nguồn vốn trong nước là vì Cảng là một thương hiệu có nguồn lực tài chính lành mạnh, là công ty đại chúng đủ sức thuyết phục các đối tác trong nước hợp tác đầu tư.

Cách huy động vốn của Cảng Đà Nẵng báo hiệu một giai đoạn mới của những đơn vị sử dụng nguồn vốn lớn phát triển hạ tầng bắt đầu có nhiều lựa chọn. Tự mình bươn chải và chịu trách nhiệm với sự sống còn, hay tiếp tục "uống dòng sữa ODA" kể từ nay phải là câu hỏi được đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam và đối với từng đơn vị chủ quản có dự án đủ tiêu chuẩn "hưởng ODA".

Đã đến thời điểm phải cân nhắc đối với từng món nợ vay từ nước ngoài. Thỉnh thoảng, báo chí nước ngoài lại đưa tin về các chính phủ phát hiện và điều tra, xét xử các vụ án đưa hối lộ của các nhà thầu trong quá trình thực hiện dự án tại Việt Nam. Có vụ Chính phủ Việt Nam chỉ đạo tiếp tục điều tra trong nước.

Có vụ mới chỉ là thông tin từ báo chí ngoài nước, nhưng thông tin đó đều được dư luận trong nước tiếp cận. Điều đó cho thấy nhiều dự án vay vốn ODA dù có chế tài quản lý chặt chẽ, nhưng các nhà thầu nước ngoài vẫn tìm được kẽ hở để hối lộ nhằm trúng thầu công trình. Đương nhiên số tiền hối lộ hoặc làm giảm chất lượng công trình hoặc tăng thêm số nợ vốn vay cho mỗi dự án.

Gần đây nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cấm Louis Berger Group, một công ty của Mỹ, nhận thầu các công trình có vốn vay từ WB trong thời gian một năm vì đưa hối lộ tại hai dự án tại Việt Nam. Vụ việc này lại làm rộ lên sự quan tâm trong nước về tham nhũng tại các dự án có nguồn vốn ODA.

Lãnh đạo Cảng Đà Nẵng đang đưa dự án mở rộng cảng Tiên Sa đi ngược chiều gió, liệu có thể là một "cuộc cách mạng" đổi mới tư duy về thu hút nguồn vốn, để rời bỏ sự lệ thuộc hoặc ỷ lại vào nguồn vốn vay có sự bảo lãnh của Chính phủ?

>1.644 tỷ đồng xây dựng Cảng quốc tế Phú Quốc
>Cư dân cảng và âm thanh tango
>Nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư cảng biển
>Việt Nam đề nghị Nhật duy trì vốn ODA ở mức cao

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cảng Đà Nẵng nói không với ODA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO