Ngày xưa ông Nguyễn Trung Ngạn, vị quan triều Trần khi đi sứ nhớ ở quê nhà lúa đang trổ bông, cua đang béo thì ước có thể bỏ ngay đất Giang Nam mà về. Ngày nay, do hoàn cảnh lịch sử của đất nước, có rất nhiều người Việt sống lâu năm ở nước ngoài, với họ mỗi khi nhớ về quê nhà hẳn nhớ đến bát canh cua đồng, nhớ đến bát riêu cua…
Đọc E-paper
Chẳng cần nói ai cũng hiểu bún riêu là bún riêu cua. Cua đồng rửa sạch, bóc mai, bóc yếm, cho vào cối giã. Khi giã cua nhớ cho vào đấy mấy hạt muối để cho đỡ bị bắn, nhưng điều quan trọng là nồi riêu sẽ có vị đậm hơn lúc nêm nếm xong mới cho vào.
Cua giã tay ngon hơn xay bằng máy vì nó lấy được hết nước ngọt của con cua mà không bị lẫn quá nhiều bột vỏ. Lọc lấy nước, cho vào một ít mắm tôm. Mắm tôm cho vào khi chưa nấu thì không nặng mùi, ấy thế nhưng khi ăn người ta vẫn thích quệt vào bát một ít mắm tôm sống.
Khi nước nóng già thì lọc vào đấy một ít mẻ, sao cho vừa đủ chua. Đun vừa lửa, đừng để nó sôi bùng lên mà vỡ hết gạch cua. Gạch là lớp thịt cua nổi lên trên mặt nồi nước đang sôi. Chỉ sôi vài tấp là lớp gạch ấy đã chín đều. Cũng gọi là gạch nhưng chỉ một tí cái thứ đo đỏ, vàng vàng bám vào một góc mai cua. Người ta phải lấy tăm mà khều, khều hết cả một rổ cua mới được một lớp dính vừa đáy bát.
Phi hành mỡ, cho thứ gạch đó vào để làm nước màu. Cho vào nồi riêu đang sôi, nó tan ra thành muôn vàn ngôi sao nhỏ li ti, sáng lấp lánh. Một mùi thơm dìu dịu tỏa ra. Cái mùi thơm ấy người ta chỉ cảm thấy được thôi chứ không ngửi được một cách rõ ràng. Không có thứ nước màu ấy nồi riêu cua như chỉ có sắc mà không có hồn.
Chính vì thế mà từ xưa đến nay, ăn cua đồng, dù là nấu canh hay nấu riêu, dù chỉ có vài ba con bé tẹo, người ta không bao giờ bỏ đi cái thứ tí ti nằm ở góc mai con cua ấy.
Để tăng màu đỏ và cũng thêm vị chua người ta thường cho thêm cà chua. Người ta cũng có thể gia tăng các vị chua khác bằng một ít giấm bỗng, vài lát khế, mấy quả me hay một hai quả dọc, nhưng vị chua của mẻ thì hợp kinh khủng, không gì có thể thay thế được. Bún chần thật nóng cho vào bát, đặt lên đấy một phần gạch cua, hành, húng, mùi, tía tô rồi chan nước riêu, thế là ta được một bát bún riêu.
Bún riêu “cải tiến” có cả thịt bò tái, ăn kiều miền Nam còn có giá |
Ăn bún riêu nhất định phải có rau ghém: "Bao giờ rau diếp làm đình/ Gỗ lim làm ghém thì mình lấy ta". Ghém riêu cua ngon nhất là rau diếp. Rau diếp thái sợi quyện vào với bún, ăn bằng nào cũng vừa. Bây giờ rau diếp ít được bán, thỉnh thoảng mới gặp ở những chợ vùng quê. Xà lách thì sẵn. Xà lách ăn thay rau diếp cũng được nhưng hơi mỏng và thiếu vị chát. Người ta cũng có thể ăn kèm với hoa chuối, thân chuối thái mỏng, giá sống, rau muống chẻ.
Tôi nhớ hồi nhỏ có lần về quê, người anh họ đi bắt được một giỏ cua đầy, tất cả chỉ nấu riêu một bữa. Nồi riêu cua đặc sít sịt. Cả một rổ rau muống thái nhỏ, ở quê không chẻ rau như ở thành phố, rau thái như thế có vẻ không được nhã cho lắm nhưng khi ăn lại có cái khoái riêng.
Múc riêu vào bát rồi thả rau muống vào ăn, cái bùi cái béo của cua trộn với cái giòn cái chát của rau, vừa húp sì soạp vừa nhai rau ráu, chẳng mấy chốc mà rổ rau hết nhẵn. Nói chung, nồi riêu cua càng đặc càng ngon thì càng được thỏa thích ăn rau. Ăn như thế cũng có thể gọi là “ăn cho sướng miệng”. Ăn cho sướng miệng như thế thì cũng chẳng hết bao nhiêu tiền mà chả lo gì béo phì hay những bệnh do thừa chất dinh dưỡng.
Cũng có khi người ta dùng bún sợi to như cái đũa, gọi là bún đũa, đặt một lớp bún vào bát rồi một lớp rau muống luộc lên trên, loại rau muống trắng luộc vừa chín tới, cọng nào cọng nấy cứ xanh ngằn ngặt, mềm như bún, thêm mấy cọng rau nhút rồi chan nước riêu. Mùa đông rau muống không ngon người ta thay bằng rau cần, ăn cũng thích.
Ngày xưa cua đồng rất sẵn. Bên bờ ruộng lúa chỗ nào cũng có thể bắt gặp một anh chàng hay một cô nàng cua thập thò trong một cái hang. Lần quanh gốc lúa cũng có thể bắt được vài ba con. Nhấc một túm bèo tây lên, rất dễ tóm được một chú cua đang giơ càng lên trong đám rễ bèo.
Cua ở nhà quê chỉ bán mớ thế nhưng đem ra thành phố thì lại bán theo từng sóc. Sóc cua được buộc rất khéo. Hai cái nan tre kẹp ngang hai bên con cua, cách mỗi con cua được quấn một sợi rơm, sóc cua như một cái thang nhỏ, đầu thang là con to nhất, cuối thang con nhỏ nhất. Một sóc cua như vậy chừng hai mươi con, giá hồi ấy chừng hai hào. Mỗi gia đình khi đi chợ thường chỉ mua hai sóc, thường chỉ dám nấu canh. Canh cua rau đay lẫn với mướp. Trời nóng, đi đâu về mệt được một bát mà húp thì tỉnh cả người.
Người ta bảo cua đồng là thứ dưỡng chất rất tuyệt vời. Ngày xưa, những người ốm yếu cần lấy lại sức, người ta thường cho uống nước cua đồng. Cua giã ra, lọc nước, cứ thế mà uống. Người ta cũng lấy cua giã ra, trộn với gừng, đắp vào những vết thương để cho mau lành. Khi một đám võ này định hạ đám võ kia, họ thề với nhau “phen này cho thầy trò nhà nó uống nước cua sống”.
Du khách nước ngoài cũng ưa thích bún riêu cua vỉa hè Hà Nội |
Tôi nhớ một buổi tối dừng xe nghỉ lại thành phố Quy Nhơn. Nhờ chỉ dẫn của một người bạn, chúng tôi tìm đến một hàng ăn ở gần tượng đài Quang Trung. Bữa ăn thật là ngon. Ngon nhất là món canh cua. Rau lang chấm mắm cua cũng rất tuyệt (ở ngoài Bắc ngày xưa người ta cũng có làm mắm cua nhưng lâu nay không có nữa, thường chỉ ăn rau lang với nước mắm cáy).
Hỏi ra mới được biết cua ở hai bên bờ sông Côn có vị ngon không mấy đâu có được. Người Bình Định giỏi võ có lẽ cũng nhờ những con cua như thế cũng nên.
Phải được nhìn thấy những người phụ nữ điệu đàng bên bát bún riêu trên các vỉa hè của đường phố Hà Nội. Cuộc sống dẫu có nhiều thay đổi, người ta có thể có nhiều những thứ ngon thứ bổ hơn nhưng vẫn không thể quên đươc món quà quê xoàng xĩnh ấy. Cũng có những cố gắng làm sang lên cho bát bún riêu. Người ta thêm vào đấy nào ốc, nào bắp bò, chả viên, chả cá… cũng chẳng sao. Nhưng bát bún riêu chỉ cần cua thật ngon, thật đặc và thêm mấy miếng đậu phụ rán vàng.
Đi qua hàng bún riêu ta như bị đánh thức bởi cái mùi tanh dìu dịu của cua đồng, mùi thơm của hành phi, mùi chua của mẻ, giấm và các thứ quả chua, ta không cưỡng được lòng ham muốn ngồi lại và gọi lấy một bát. Ta bỗng bị chìm trong đủ thứ sắc màu, màu đỏ chói chang của cà chua, màu xốn xang của đậu phụ rán vàng, màu trắng thanh bạch của bún, màu xanh tươi mát của các loại rau, và thêm nữa, màu ớt và son môi.
>Bún gỏi dà Mỹ Xuyên
>Về Châu Đốc ăn bún cá
>Bún lá, lẩu mực miền Trung
>Những hàng bún mắm nổi tiếng ở Sài Gòn