Biển cạn mùa cá nam

BÍCH HỒNG| 26/05/2017 06:49

Giữa mùa cá nam, biển Đà Nẵng vẫn đón những con tàu nhỏ đánh bắt ven bờ về bến khi bình minh vừa ló dạng. Mùa cá nam nhưng có những ngày không có cá...

Biển cạn mùa cá nam

Giữa mùa cá nam, biển Đà Nẵng vẫn đón những con tàu nhỏ đánh bắt ven bờ về bến khi bình minh vừa ló dạng. Mùa cá nam nhưng có những ngày không có cá...

Đọc E-paper

1. Dân chài miền Trung ai cũng háo hức mùa cá nam. Giữa tháng 3, ngư dân bắt đầu làm lễ cầu ngư và ra biển. Mùa cá nam với cá chuồn, cá ngừ và hàng chục loài cá quen thuộc ven bờ, cá béo, lại nhiều.

Nhớ những năm trước, đó là mùa người buôn vàng đổ về các làng chài vừa cho ngư dân vay nóng mua xăng dầu, ngư cụ, vừa bán vàng cho những gia đình trúng cá hàng triệu đồng mỗi đêm đi biển. Cảnh tượng đó dường như bao năm không thay đổi, háo hức bán buôn, háo hức cân cá lúc thuyền về để những buổi chợ đông vui, nhộn nhịp.

4h sáng chợ cá trên bãi biển Mân Thái và Thọ Quang đã lố nhố phụ nữ đợi thuyền về. Đó là những con tàu công suất nhỏ, bạn chài ăn cơm chiều ở nhà xong mới đủng đỉnh ra lộng, chạy tàu chừng một hai hải lý thì dừng lại, chong đèn câu mực, thả luới.

Nhưng nay thì sáng sáng không còn cảnh ấy nữa. Những người may mắn nhất đã tranh mua được một thùng cá cơm trắng hoặc thúng cá bạc má vội vã kéo lên mặt đường phân loại hoặc nổ máy xe lao đến các chợ nhỏ ven thành phố.

Đi quanh một vòng, nhìn chợ cá thật thảm hại. Tất thảy cá, mực, ghẹ đều nhỏ xíu. Hiếm có tàu nào kiếm được trăm ký cá, đừng nói là vài tạ, một tấn như trước đây. Nhìn con cá hố thúng bé tí, chiều ngang khoảng 2cm, chiều dài 2 gang tay mà ngư dân vẫn phải bắt, thấy lòng không yên. Cả chợ sỉ mà chỉ có vài ba rổ mực con bé bằng ngón tay lấp lánh cặp mắt đen, khoảng chục kg mực con dài hơn gang tay. Nhìn quang cảnh chợ là biết vùng biển ven bờ này đã cạn thủy sản.

Ông Hai ra giúp con bán sỉ cá cho bạn hàng, nghe tôi thắc mắc về cá hố quá nhỏ, nói thủng thẳng: "Hồi trước loại cá này chỉ để nuôi heo, bán rẻ lắm nên chúng tôi không theo. Nhưng bây giờ lớn bé gì cũng phải bắt, nếu không thì tàu trống không! Tàu nhà tôi công suất nhỏ, không ra Hoàng Sa được, phải loanh quanh ven bờ, cá cũng ít dần".

Cá lớn không có, cá nhỏ bị tận diệt, vét hết, xúc hết là những gì chúng tôi chứng kiến buổi sáng nay ở biển Đà Nẵng. Bà Thoa - một người buôn cá trên 30 năm ở đây càm ràm: "Mấy ổng không bắt được cá ngon, chúng tôi bán mấy thứ cá cơm này chẳng được mấy đồng lời". Chợ họp nhanh chóng, khoảng hơn một tiếng đồng hồ là hết cá. Ngư dân uể oải thanh toán tiền bạc rồi về nhà, chờ đến giờ ra tàu đi biển khi chiều xuống. Hàng chục du khách đổ đến để mua cá tươi thất vọng về tay không vì cá nhỏ quá, dù tươi, chẳng bõ mang theo máy bay cả ngàn cây số.

Chợ cá Mân Thái chỉ là một trong mươi chợ cá tươi ven biển Đà Nẵng - nơi đón tàu nhỏ đi biển một đêm mang sản phẩm về bán. Cả chợ có đúng một con cá cu dài 2 gang tay, ông chủ thuyền hét giá 300 nghìn đồng một kg. Đó là cái giá dành cho đặc sản hiếm. Thật buồn!

2. Cách nay mươi năm, tôi đến một làng chài chuyên nghề lặn tôm hùm ở bán đảo Sơn Trà. Trai tráng làng này nối nghiệp cha ông làm cái nghề rất nguy hiểm, đòi hỏi sức khỏe để lặn suốt đêm dưới đáy biển. Ngày đó tôm hùm lớn đến vài kg, giá bán khá rẻ, vì con đường mới mở sát biển chỉ có vài quán nhậu bình dân.

Hôm nay tôi đến thăm gia đình cụ Thoại - một lão ngư làm nghề lặn bắt tôm hùm quanh Sơn Trà hơn 30 năm. Cụ Toại đã mất, 2 con trai và con rể cũng bỏ nghề lặn vì tôm hùm không còn sinh sống nổi trong môi trường tự nhiên.

Tôi hỏi, lặn bắt từng con làm sao có thể hết tôm hùm vốn rất nổi tiếng ở vùng đất này, tại sao nay lại hết, -một lão ngư đến chơi nhà cụ Toại giải thích: "Nhìn con đường thì biết. Hàng trăm quán nhậu, nhà hàng nhỏ bu kín, khách du lịch, rồi dân thành phố đổ về đây, người ta không bắt từng con nữa, bắt hàng loạt bằng mọi cách, nên nó mới hết, ngư dân cũng bỏ nghề luôn".

Hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản ven bờ vốn rất phong phú, đa dạng. Nhưng do không thể kiểm soát chặt chẽ, ngư dân dùng lưới mắt nhỏ nhất, dùng tàu giã cào, dùng xung điện, dùng thuốc nổ TNT, lại đánh bắt bất chấp mùa cá đẻ, khiến nguồn lợi thủy sản ven bờ ở biển miền Trung bị hủy hoại nghiêm trọng.

Giữa những ngày tháng 4, tin tức về những chiếc tàu đánh cá hàng chục tỷ đồng ra khơi chỉ được vài chuyến đã bị rỉ sét, hỏng hóc vì "nước biển quá mặn" nghe như đùa! Ngư dân Việt Nam mình còn rất nghèo, nếu những chương trình hỗ trợ ngư dân đóng tàu công suất lớn không đạt hiệu quả thì nghề đi biển vẫn mãi ảm đạm.

Tại tỉnh Quảng Nam có 4.200 tàu, chỉ 855 tàu công suất từ 90CV trở lên đủ sức ra khơi, số còn lại phải bám ven bờ. Mỗi năm tỉnh phát hiện chừng ba bốn chục vụ vi phạm, xử phạt vài chục triệu đồng cũng không đủ để răn đe những người sử dụng các phương tiện đánh bắt hủy diệt. Đó là chưa nói đến một nguyên nhân rất quan trọng nữa là tình trạng ô nhiễm biển ven bờ từ nước thải các khu công nghiệp, khu đô thị và du lịch làm môi trường sống của thủy sản ngày càng xấu.

>>Ngư dân bám biển: Vẻ đẹp của sự "không sợ hãi"

Đã nhiều năm, ngư dân đánh bắt ven bờ đảo Lý Sơn cũng không còn sung túc những mùa cá nam như trước. Những đội tàu giã cào các tỉnh khác lấn lướt càn quét, tôm cá nhỏ cỡ nào cũng tận diệt. Nếu như nghe ai đó đánh bắt ven bờ mà được cả tấn cá thì không khác nào trúng số biển cho. Bây giờ, mỗi đêm, một con tàu nhỏ nuôi 2, 3 gia đình mà trúng được 5, 7 chục ký cá là lấy làm mừng vì duy trì được cuộc sống, không thể mơ làm giàu hay tích góp đổi tàu công suất lớn để có thể thoát kiếp luẩn quẩn ven bờ.

Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ như thế nào là vấn đề nan giải, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng chục ngàn hộ gia đình sống ven biển. Với trình độ dân trí thấp, đời sống bấp bênh của cả triệu ngư dân nghèo, nếu ở Việt Nam mà nói đến chuyện cấm đánh bắt tôm cá trong mùa sinh đẻ như nhiều nước khác trên thế giới thì dường như đang hất đi nồi cơm của ngư dân nghèo lặn ngụp kiếm sống gần bờ.

Tôi nhớ đến chương trình của tổ chức phi chính phủ MRC hơn 10 năm trước hướng cho ngư dân thay đổi nhận thức về biển và nguồn sống từ sự cân bằng của hệ sinh thái biển để thay đổi nghề nghiệp. Trong vòng 6 năm, tổ chức này đã đưa chuyên gia đến hướng dẫn cho người dân làng chài Rạn Trào, tỉnh Khánh Hòa cách chung sống với biển thật bền vững, từ nuôi trồng san hô làm chỗ phát triển các loại thủy sản ven bờ, đến đầu tư nuôi tôm hùm, nghêu, hướng dẫn du khách tham quan, trồng và ngắm san hô, xây dựng các khu homestay giữa làng chài để đón khách du lịch.

Sự thành công của một chương trình còn quá nhỏ như thế chưa đủ là hướng ra cho việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản dưới biển và giải quyết đời sống ngư dân trên diện rộng. Đó cũng bởi không chỉ dân trí của ngư dân thấp, mà nhiều chương trình phát triển các địa phương ven biển vẫn chỉ hướng vào đóng tàu công suất lớn mà chưa đầu tư mạnh vào nuôi trồng hải sản và thay đổi nghề cho ngư dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Biển cạn mùa cá nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO