Với người phương Tây, khái niệm Mentor - protégé (tạm dịch là người thầy thông thái, người cố vấn dày dạn kinh nghiệm - người được bảo trợ) khá phổ biến.
Bạn phải dành thời gian để củng cố mối quan hệ của mình và mentor |
Trong quyển sách best seller Đừng bao giờ đi ăn một mình, doanh nhân Keith Ferrazzi nhắc đi nhắc lại khái niệm “mentor” (người cố vấn) và khuyên người đọc nên tìm cho mình một mentor để thành công hơn, không chỉ trong nghề nghiệp mà cả trên đường đời.
Vai trò của mentor
Không phải ngẫu nhiên mà Robert Kiyosaki, tác giả bộ sách Cha giàu, cha nghèo nổi tiếng, cũng luôn nhắc đến 2 người bố, một người bố giàu, một người bố nghèo luôn hết mình mang đến cho ông những bài học, kinh nghiệm quý giá, giúp ông thành công trong cuộc sống. Hai người bố này cũng được Robert Kiyosaki xem như mentor của mình.
Với người phương Tây, khái niệm Mentor - protégé (tạm dịch là người thầy thông thái, người cố vấn dày dạn kinh nghiệm - người được bảo trợ) khá phổ biến. Khái niệm này xuất hiện đầu tiên từ trường ca Odyssey của Homer. Mentor chính là người đi trước, sẵn sàng cho bạn những lời khuyên hữu ích, khuyến khích bạn, giúp bạn vững bước leo lên những nấc thang nghề nghiệp. Ở nước ngoài, mentor có thể được xem là vị trí chính thức hoặc không chính thức trong công ty. Nhiều công ty có hẳn chương trình huấn luyện chính thức, giao cho sếp hoặc nhân viên lâu năm kèm cặp nhân viên mới vào, giúp họ hòa hợp với môi trường công ty. Thông thường, sếp thường được nhân viên tin tưởng và xem như mentor - người luôn cho nhân viên những lời khuyên hữu ích, cả trong nghề nghiệp và cuộc sống.
Tiêu chí để chọn mentor
Mỗi người có một cách khác nhau để tìm ra mentor cho mình. Đó có thể là một mối quan hệ lâu năm, hiểu rõ nhau và dần trở thành mentor. Hoặc cũng có thể là kết quả của một quá trình chú ý tìm kiếm, chọn lọc, và gắn kết. Tuy nhiên, cũng có một số tiêu chí cơ bản giúp bạn tìm ra đúng mentor cho mình, như:
- Đó là người có thành công gần với mục tiêu mà bạn muốn nhắm đến.
- Người đó nên có chung nghề nghiệp với bạn, vì họ có thể chia sẻ nhiều kinh nghiệm, kiến thức cho bạn.
- Mentor nên là người có thể dành thời gian cho bạn. Điều này là điểm khó nhất để tìm ra mentor cho mình, vì người thành công thường rất bận rộn, làm sao để họ có thể dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm và cho bạn những lời khuyên hữu ích. Hãy làm cho người bạn muốn chọn làm mentor của mình hiểu rằng bằng cách giúp bạn, họ có thể củng cố lại những kiến thức và có thời gian nhìn lại bản thân mình.
- Bạn phải dành thời gian để củng cố mối quan hệ của mình và mentor.
Tìm Mentor ở đâu?
Dưới đây là 4 cách giúp bạn tìm ra mentor cho riêng mình.
1. Tiếp cận đồng nghiệp có cùng mục tiêu với bạn:
Công sở chính là nơi dễ tìm ra mentor nhất, vì môi trường làm việc chính là một phần trong cuộc sống hằng ngày của bạn. Muốn tìm ra mentor, bạn phải hiểu rõ mình cần gì và trao đổi với mentor của mình.
2. Các thành viên trong gia đình:
Cha, mẹ, chồng, vợ, anh, chị, chú, bác… đều có thể trở thành mentor của bạn. Bởi mentor là người giúp bạn lên kế hoạch và cho bạn những lời khuyên để bạn thực hiện từng bước hoàn thành kế hoạch này. Mentor không nhất thiết phải là người có bằng tiến sĩ hay đang làm CEO. Họ chỉ cần là người đi trước, có kinh nghiệm và quan trọng hơn hết là họ hiểu điểm mạnh, điểm yếu và có thể dành thời gian quan sát bạn, từ đó cho bạn những lời khuyên hữu ích.
3. Những người ở xa
Khoảng cách địa lý không ảnh hưởng nhiều lắm đến việc lựa chọn mentor. E-mail trao đổi mỗi tuần có thể đem lại cho bạn những lời khuyên hữu ích như khi gặp mặt. Vì vậy, bạn hoàn toàn có thể chọn mentor là người sống ở nơi xa.
4. Những người gặp gỡ trong hội thảo
Tham gia các buổi hội thảo có thể đem lại cho bạn nhiều cơ hội gặp gỡ những nhân vật thành công. Hãy mạnh dạn tiến lại, trò chuyện, và tạo mối quan hệ với họ. Khi cảm thấy đó chính là người có thể cho bạn những định hướng và lời khuyên hữu ích, đừng ngại đặt vấn đề đề nghị họ trở thành mentor của mình. Tin vui là phần đông người thành đạt thường rất mở lòng, sẵn sàng giúp những người trẻ thành công hơn trong cuộc sống.