TP.HCM ngày nay là nơi hội tụ đủ dân tứ xứ về lập nghiệp. Trong dòng chảy hội nhập ấy, có một đội ngũ những người làm kinh doanh gọi là doanh nhân. Họ đã sống, gắn bó với TP.HCM và thành phố cũng đã biến họ trở thành những người mang bản sắc riêng.
Cởi mở, nhân hậu, phóng khoáng trong cách sống và suy nghĩ, sẵn sàng đón nhận cái mới và nhanh chóng thay đổi những lề thói, quy tắc đã lỗi thời, đặc biệt là tinh thần kiên cường vượt lên chính mình, dù "ngã” cũng "không gục", dám công khai "thất bại", bỏ qua thị phi để đứng dậy bước tiếp... đó là bản sắc của doanh nhân Sài Gòn.
Ví như doanh nhân Trần Ngọc Sương - nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu, từng được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lao động" thời kỳ đổi mới, sau 8 năm phải ngưng nghiệp kinh doanh vì án oan nhưng vẫn lạc quan khởi nghiệp lần hai ở tuổi 70. Bà đã đem đến cho nhân viên nguồn năng lượng sống tích cực dù ở bất cứ tuổi nào. Bà nói: "Sống tử tế và làm việc chân thành. Được phúc đáp như thế nào, chưa rõ, nhưng trước hết là đóng góp được cho xã hội và rèn bản lĩnh sống!".
Hay doanh nhân Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, dù có lúc muốn "giơ tay đầu hàng" vì nhiều khó khăn không xoay trở nổi nhưng vẫn lạc quan và chưa bao giờ tắt ngọn lửa theo nghiệp thương trường.
Một doanh nhân nước ngoài từng sống và làm việc tại TP.HCM đã cảm nhận tính cách của doanh nhân TP.HCM bằng hai chữ "lạ lắm". Tuy ngắn gọn và giản đơn nhưng đủ cho người nghe cảm nhận được tính cách của doanh nhân trên mảnh đất này. Cái hào sảng của họ cũng nhẹ tênh. Họ không chấp nhặt cái nhỏ mà luôn nhìn về cái lớn, sẵn sàng sẻ chia những giá trị và việc làm có ý nghĩa.
Bước vào kinh doanh, doanh nhân TP.HCM cũng nhiều phen "đau đầu", mỏi mệt, phải đo đếm từng đồng, có lúc phải chạy đôn đáo để vay tiền, có lúc lâm vào nợ nần, nhiều lúc trăn trở làm thế nào để nuôi hàng nghìn nhân viên, đem lại lợi nhuận cho công ty... Thế nhưng, khi thành phố cần, cộng đồng khó khăn thì họ sẵn sàng buông hết lo toan, tính toán vượt qua trở ngại để cùng chung tay, góp sức vượt qua.
Bản sắc doanh nhân TP.HCM thể hiện rõ nhất trong hai năm 2021-2022. Có thể nói, chưa nơi nào mà cộng đồng doanh nhân lại thể hiện tinh thần lăn xả, yêu thương, san sẻ nhiều hơn như doanh nhân TP.HCM.
Khi đại dịch Covid-19 làm thiệt hại nặng nề cả nền kinh tế, dù việc sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nhân khó khăn chồng chất, cạn kiệt nguồn lực, đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy dòng tiền, nhưng với tinh thần sẻ chia, phóng khoáng, quen đặt lợi ích của mình vào lợi ích chung, nhiều doanh nhân đã tự trao mệnh lệnh "làm gì cũng phải nghĩ cho bà con và cộng đồng" và mệnh lệnh đó đã kích hoạt sáng kiến hỗ trợ cộng đồng. Đó là siêu thị 0 đồng, là ATM gạo, ATM máu, ATM oxy, quỹ nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do đại dịch. Đó là những chuyến hàng nhu yếu phẩm, những gói an sinh được doanh nhân đóng góp và tận tay trao đến nhà người dân đang gặp thiếu thốn đủ thứ...
Có những doanh nhân bị nhiễm SARS-CoV-2 ba lần vẫn đi phát thuốc cho người dân. Những doanh nhân như Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty Lê Thành dù dịch bệnh đã lấy đi người mẹ thân yêu, nhưng hằng ngày vẫn gạt nước mắt để đến từng nhà trao những gói thuốc, những gói thực phẩm cho những gia đình bị cách ly.
Cũng trong những ngày nguy nan đó, tinh thần thích ứng nhanh, quyết tâm sản xuất, không để đứt gãy hàng hóa cung ứng cho thị trường cũng làm nên bản sắc riêng của doanh nhân TP.HCM. Dù không có lợi nhuận và phải bỏ chi phí nhiều hơn cho mô hình sản xuất "ba tại chỗ” nhưng họ vẫn động viên nhau chung tay cùng thành phố chống dịch, không một toan tính thiệt hơn.
Năm 2022, khi dịch bệnh được khống chế, hưởng ứng chủ đề năm 2022 của thành phố là "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp", doanh nhân TP.HCM lại hối hả trở lại nhà máy, trở lại thị trường, dù bao khó khăn còn bủa vây, bao vướng mắc chưa được tháo gỡ. Họ tự nhủ, cứ làm trước, khó khăn giải quyết sau, cứ mang lại điều tử tế cho người dân và góp sức xây dựng thành phố, quyết tâm cùng thành phố phục hồi sản xuất, kinh doanh, đồng hành cùng thành phố hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế.
Liên tiếp trong 9 tháng qua, nhiều sáng kiến mới, nhiều sản phẩm, chuỗi cửa hàng mới nối tiếp ra đời, nhiều chuyến hàng xuất khẩu cập bến nước bạn... cho thấy tinh thần trở lại thương trường đầy lạc quan của các doanh nhân, doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế thành phố. 9 tháng đầu năm 2022, kinh tế thành phố đang tiếp tục đà phục hồi tốt đạt tăng trưởng 9,71% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 350.000 tỷ đồng, hơn 90% dự toán năm, tăng gần 28% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt gần 105.000 tỷ đồng, đạt gần 90% dự toán, tăng gần 20% so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng ước đạt gần 805.000 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố ước đạt gần 36 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn thành phố ước tính lần 1 tăng 9,44% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra là 6-6,5%.