Choáng ngợp trước tiềm năng của mô hình CHTL, do vội vàng, không ít nhà đầu tư đã phải bỏ của để thoát thân. Bài học của nhiều năm trước vẫn được xem là kinh nghiệm của nhiều mô hình CHTL hiện nay.
>>Bài 1: Xuống đường thấy cửa hàng tiện lợi
Sớm nở, tối tàn
Cửa hàng Satra Foods |
Năm 2006, thị trường chứng kiến sự ra mắt của hàng loạt thương hiệu kinh doanh CHTL như Day & Night, V-Mart, Best & Buy, 365 Days, Shop & Go, Small Mart 24g/7, Home...
Tuy nhiên, đến nay thị trường chỉ còn lại Shop & Go đang phát triển mạnh, còn các thương hiệu khác hoặc biến mất hoặc chỉ còn hoạt động cầm chừng với 1 - 2 cửa hàng.
Thua đau nhất có lẽ là hệ thống G7 Mart, thương hiệu được xem là đi tiên phong trong mô hình kinh doanh này. Năm 2006, hệ thống G7 Mart của Trung Nguyên đã ra mắt với kế hoạch hoành tráng: số vốn đầu tư 395 triệu USD, lên kế hoạch phát triển 7.000 cửa hàng để giữ huyết mạch của hệ thống phân phối tại Việt Nam, làm đối trọng với đối thủ nước ngoài.
Thế nhưng, liền năm sau đó, nhiều cửa hàng G7 Mart đã đóng cửa. Và đến hôm nay, các cửa hàng G7 Mart còn lại đều là những cửa hàng do Trung Nguyên tự mở, những cửa hàng hợp tác với chủ các tiệm tạp hóa đều tự động dẹp.
Một loạt nguyên nhân dẫn đến thất bại được nhận định là không quản lý nổi hệ thống tiểu thương, khó kiểm soát được hàng xấu, hàng giả...
Phân tích trường hợp của G7 Mart, ông Nguyễn Trung Thẳng, cho rằng, mô hình này không có gì nổi trội hơn các của hàng tạp hóa và đặc biệt là chưa tạo được thương hiệu cũng như sự trải nghiệm khác biệt cho người tiêu dùng.
G7 Mart có vẻ như cố gắng sáng tạo một mô hình bán lẻ nằm giữa cửa hàng tạp hóa và CHTL hiện đại, nhưng họ đã thất bại để truyền bá lợi ích của mô hình này do đầu tư chưa đủ lực và thời gian trải nghiệm cho người tiêu dùng chưa đủ dài...
Bà Võ Thị Hà Giang, Phó giám đốc Truyền thông - Đối ngoại Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, cũng công nhận, G7 Mart không thành công là “do các hạn chế về mặt hạ tầng kỹ thuật, nhân sự chuyên môn, công nghệ quản lý... G7 Mart chưa đạt được các bước phát triển tương xứng với sứ mạng cam kết và tiềm năng của thị trường Việt Nam”.
Trước đó, năm 1996, hệ thống 25 cửa hàng Masan Mart của Masan Group cũng đã phải đóng cửa sau 1 năm hoạt động.
Dù đã nghiên cứu rất kỹ về thị trường bán lẻ Việt Nam và có những bước chuẩn bị ban đầu khá bài bản như thiết lập quan hệ với các nhà cung cấp (kể cả hàng tươi sống như rau sạch, thịt sạch), đào tạo đội ngũ nhân viên bán hàng, đầu tư cho khâu hậu cần... nhưng vẫn không thoát khỏi “cái chết đã được báo trước”.
Các lý do được nêu ra là thuế cửa hàng cao, chi phí phát triển hệ thống chuỗi rất lớn, chi phí vận hành... vượt quá định mức cho phép. Nhưng quan trọng nhất vẫn là do mô hình này còn quá mới ở Việt Nam.
Hào nhoáng bề ngoài
G7 Mart đang củng cố, tìm mô hình kinh doanh mới |
Shop & Go nằm ngay vị trí khá đẹp nơi giao nhau của đường Bùi Viện và Cống Quỳnh (Q.1, TP.HCM). Tại đây bán nhiều hàng tiêu dùng cá nhân như bàn chải, dao cạo râu... với tỷ lệ khỏang 70% là hàng ngoại nhập.
Cách đó không xa là cửa hàng tiện lợi 99 Mart bày bán các sản phẩm tiêu dùng ở lầu 1, tầng trệt trưng các mặt hàng dùng ngay như nước giải khát, trái cây tươi, thuốc lá... Phần lớn khách đến cửa hàng là khách vãng lai hoặc khách nước ngoài.
Cũng với nhóm khách hàng này, bà H, chủ đầu tư một số CHTL tại TP.HCM, cho biết, nguồn khách biến động rất thất thường, chưa có được các khách hàng thường xuyên thân thiết nên doanh thu không ổn định.
Dựa trên kinh nghiệm về ngành bán lẻ, các báo cáo cho thấy, phần lớn các CHTL ở Việt Nam đều chưa có lãi. Tuy vậy, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh lĩnh vực này vẫn tiếp tục phát triển mạng lưới là nhắm đến một mục tiêu lâu dài.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hoa, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cũng thừa nhận, lợi nhuận thật sự của mô hình kinh doanh này chưa nhiều. Hiện tại, chỉ khoảng 1/3 trong số 21 cửa hàng đang hoạt động của đơn vị này là có lãi.
Có rất nhiều nguyên nhân lý giải vì sao nhiều CHTL chưa thành công như mong muốn. Mặc dù đã chọn kênh bán hàng hiện đại nhưng mô hình CHTL vẫn còn là hình thức mua hàng xa xỉ với nhiều người vì giá bán ở đây còn cao (chỉ thấp hơn giá trong các trung tâm thương mại).
Thêm vào đó, yếu tố mặt bằng, sức mua chưa mạnh cũng gây không ít khó khăn cho nhà đầu tư. Ngoài ra, quy mô chuỗi cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công. Vì phải có độ bao phủ lớn, DN mới có tiếng nói đủ mạnh để đàm phán giá tốt nhất với bên cung ứng hàng hóa.
Các chuyên gia ngành bán lẻ cho rằng, 2 yếu tố mấu chốt của mô hình CHTL là vị trí điểm bán và sức mua. Tuy nhiên, một vấn đề lớn hơn ảnh hưởng đến mức độ thành công là quy mô của chuỗi.
Vì phải có độ bao phủ lớn, DN mới có tiếng nói đủ mạnh để đàm phán giá tốt nhất với bên cung ứng hàng hóa. Thông thường, lợi nhuận từ mô hình này không nhiều. Một chuỗi bán lẻ như vậy có thể hòa vốn khi đạt đến quy mô 30 cửa hàng.
Bà Hà Giang cho rằng, kinh doanh chuỗi CHTL là một chiến lược dài hạn cho đến khi đạt được một quy mô hợp lý và như vậy sự cạnh tranh này là cuộc đua dài hơi và kiên định.
“Liên doanh giữa G7 - Ministop chỉ là một trong số những nỗ lực chiến lược, hướng đến một số mô hình giải pháp phân phối hiện đại cụ thể nhằm thực hiện sứ mạng đã cam kết của G7 Mart đối với hệ thống phân phối Việt Nam”, bà Giang nói nhiều đến cam kết hơn là triển vọng lợi nhuận.
Song song với việc củng cố lại chuỗi G7 Mart, Trung Nguyên cũng đang cùng với đối tác khẩn trương chuẩn bị để đưa G7- Ministop ra thị trường. Chiến lược quan trọng của mô hình mới là làm sao cho các chủ cửa hàng kinh doanh có lãi, cạnh tranh vững chắc và phát triển bền vững.
Cửa hàng đầu tiên sẽ giới thiệu ra thị trường vào tháng 10 và sau đó sẽ thiết lập hàng loạt để đến năm 2015 sẽ có ít nhất 300 cửa hàng tại TP.HCM.
“Mặc dù hoạt động thương mại đã có sự dịch chuyển theo hướng hiện đại hóa của cả bên cung lẫn cầu nhưng không thể kết luận rằng CHTL sẽ thành công.
Thành hay bại sẽ tùy thuộc vào việc mô hình kinh doanh có đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của phân khúc mục tiêu hay không? Đúng thời điểm chưa? Phân khúc địa bàn tiêu dùng đã sẵn sàng chưa? Phân khúc đó có đủ lớn và tăng trưởng để nuôi dưỡng mô hình không?”, ông Thẳng đặt vấn đề.