Số lượng đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 3 tuần qua tăng lên một cách "chóng mặt, gấp 2.500% so với giai đoạn tiền virus" |
Dẫn số liệu được chính phủ liên bang công bố ngày 9/4/2020, tờ LA Times cho biết, gần 17 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 3 tuần qua do những tác động kinh tế tiêu cực gây ra từ đại dịch Covid-19 - đánh dấu làn sóng mất việc gia tăng nhanh nhất trong lịch sử Mỹ.
Đồng thời, con số hiện tại cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp nhiều khả năng sẽ tăng lên mức 15% hoặc cao hơn vào tháng Tư. Cùng quan điểm, cơ quan dự báo và phân tích kinh tế Oxford Economics dự đoán, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ tăng lên 14% trong tháng 4/2020 và 16% trong tháng tiếp theo.
Được biết, người dân Mỹ chưa bao giờ trải qua tình trạng mất việc gia tăng nhanh như hiện tại kể từ cuộc Đại Suy thoái 1930 - thời điểm cứ 4 người lao động thì có 1 người phải mất việc. Số lượng đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 3 tuần qua tăng "chóng mặt, gấp 2.500% so với giai đoạn tiền virus", các nhà kinh tế học tại Viện Chính sách Kinh tế Mỹ cho biết.
"Nếu so sánh thì điều này giống như việc toàn bộ số người trưởng thành của bang Michigan, Minnesota và Wisconsin xin trợ cấp thất nghiệp vậy", các nhà kinh tế học nói.
Theo chuyên gia kinh tế trưởng của Công ty kế toán RSM US Joseph Brusuelas, "điểm mấu chốt có thể rút ra được từ số liệu thị trường lao động là Quốc hội và Chính phủ phải tiếp thêm viện trợ cho lực lượng lao động trong nước - những người đang bị bủa vây bởi làn sóng thất nghiệp hàng loạt".
Thế nên, dễ hiểu vì sao Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cùng ngày đã tuyên bố sẽ ban hành một loạt chương trình cho vay mới nhằm "bơm thêm" 2.300 tỷ USD vào nền kinh tế.
"Tỷ lệ thất nghiệp của chúng ta đang di chuyển với tốc độ đáng báo động, từ mức thấp nhất trong 50 năm qua, lên mức rất cao, dù chỉ là tạm thời", Chủ tịch FED Jerome Powell nói.
Thừa nhận nước Mỹ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế "thật sự hiếm thấy", Chủ tịch Powell cho biết, FED cam kết sẽ sử dụng các công cụ cho vay khẩn cấp của mình cho tới khi cuộc khủng hoảng này chấm dứt.
Động thái mới nhất này của FED được đưa ra cùng với thời điểm Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo hằng tuần; trong đó ghi nhận 6,6 triệu người đã nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp vào tuần trước, sau mức 6,9 triệu người và 3,3 triệu người vào hai tuần trước đó.
Các cửa hàng đóng cửa do dịch Covid-19 tại Washington, DC, Mỹ. Ảnh: AFP |
Do đó, áp lực đối phó với suy thoái kinh tế và giải quyết tình trạng thất nghiệp đang ngày một đè nặng lên chính quyền của Tổng thống Donald Trump, nhất là khi thời điểm của cuộc bầu cử 2020 đang đến gần. Và, phương án dường như được ông chủ Nhà Trắng ưu ái hơn cả chính là mở cửa lại nền kinh tế.
Khi trả lời câu hỏi về việc mở cửa lại nước Mỹ từ phóng viên Fox News, Tổng thống Donald Trump hôm 8/4 cho biết, ông thực sự muốn mở cửa lại đất nước bằng một cú 'big bang', toàn bộ đất nước, và cứ thế mà mở cửa.
"Có một số khu vực bị ảnh hưởng rất nhiều, còn những nơi khác thì không như thế, mà thực ra nếu so sánh thì thấy số bị ảnh hưởng rất ít. Thế nên, chúng ta đang có 2 kịch bản. Một sẽ là mở cửa từng lĩnh vực, và một là mở cửa tất cả mọi thứ", Tổng thống Trump nói.
Dù không đưa ra khung thời gian cụ thể về việc mở cửa lại nền kinh tế Mỹ, song theo cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, việc này có thể diễn ra trong 4 – 8 tuần. Thậm chí, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin còn đưa ra một lộ trình cụ thể hơn khi cho biết doanh nghiệp Mỹ có thể hoạt động trở lại vào tháng Năm.
Dẫu vậy, không ít chuyên gia đã cảnh báo rằng, việc nới lỏng lệnh phong toả quá sớm có thể khiến đại dịch tiếp tục kéo dài, và gây ra đợt bùng phát thứ hai. Cụ thể, những ca mang mầm bệnh mới có thể đưa virus trở lại các khu vực đã phục hồi, và làm cho những người đã thoát khỏi đợt đầu tiên tiếp tục "dính bệnh".
Một kịch bản như vậy rốt cục sẽ "vùi dập" nền kinh tế Mỹ thêm một lần nữa, và lần này, sự kiểm soát sẽ còn khó hơn nhiều so với lệnh phong toả hiện tại.