Cay xé lưỡi!

THU THẢO/DNSGCT| 19/04/2016 06:50

Theo một cuộc nghiên cứu khoa học được tiến hành tại Pháp cuối năm 2014, những người thuộc cánh mày râu khoái ăn cay thì hormone sinh dục nam (testosterone) của họ cao hơn hẳn người không ăn cay.

Cay xé lưỡi!

Theo một cuộc nghiên cứu khoa học được tiến hành tại Pháp cuối năm 2014, những người thuộc cánh mày râu khoái ăn cay thì hormone sinh dục nam (testosterone) của họ cao hơn hẳn người không ăn cay.

Dù kết luận từ nghiên cứu này gây nhiều tranh cãi, song nhiều người trên khắp thế giới đã cho thấy khả năng ăn những món cay xé lưỡi vốn có trong kho tàng ẩm thực của nhiều quốc gia từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á. Để chứng tỏ mình là một “con đực đầu đàn” (alpha male), bạn hãy thử nếm những món ăn này nếu có cơ hội du hành đến quê hương của chúng.

Nói tới món cay, trước tiên người ta nghĩ ngay tới xứ Ấn Độ, đặc biệt là món cà ri đặc trưng. Cà ri rất da dạng về chủng loại, với sự khác biệt về nguyên liệu và gia vị chế biến dù tất cả đều sử dụng bột cà ri làm nền. Cà ri là món ăn cay nhưng nổi tiếng về cay là vindaloo (hay còn được gọi là vindallo, vindalho hoặc vindaalo) và phaal (hay phall).

Ăn cay tới mức phải cấp cứu

Vindaloo là món cà ri phổ biến ở vùng Goa, một bang miền nam của Ấn Độ từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha trong nhiều thế kỷ. Từ “vindaloo” xuất phát từ một món ăn Bồ Đào Nha có tên là “carne de vinha d’alhos” được chế biến từ thịt heo ướp với rượu vang và tỏi.

Số là từ thuở xa xưa, những thủy thủ Bồ Đào Nha khi lênh đênh trên những con tàu vượt đại dương đến nhiều vùng đất lạ đã dự trữ lương thực bằng cách xếp những lớp thịt heo và tỏi vào thùng gỗ, sau đó đổ đầy rượu vang đỏ.

Carne de vinha d’alhos đơn giản là món ăn được nấu với thứ lương thực dự trữ đó. Khi nó du nhập vào Goa, người Ấn bản xứ thay rượu vang đỏ bằng giấm làm từ cây cọ và thêm thật nhiều ớt khô vào món ăn, gọi tên ngắn gọn là vindaloo.

Món vindaloo ở Goa

Nhưng vindaloo lại được biết đến nhiều ở Anh, cũng là một đế quốc từng cai trị xứ Ấn. Cà ri Ấn Độ là một trong những món ăn phổ biến nhất ở xứ sở sương mù.

Ai đã từng đến một quán cà ri (curry house) ở London hay ở các thành phố khác của nước Anh sẽ có dịp chứng kiến hình ảnh một nhóm thanh niên hào hứng gọi món vindaloo để rồi chỉ sau miếng ăn đầu tiên những cô cậu thực khách này bắt đầu hít hà, xuýt xoa, kêu ầm lên vì cay và gọi thức uống lạnh để “chữa cháy” tức thì.

Vindaloo ở Anh được nấu với thịt gà hay thịt cừu ướp với giấm, gừng tươi, đường, ớt và nhiều gia vị khác trong nhiều giờ, thường là qua đêm cho thật thấm và khi nấu còn cho thêm gia vị gắt nữa khiến nó trở thành một món cay “ngoại hạng”.

Cà ri phaal được nấu với cả chục loại ớt tươi và khô

Đối thủ sừng sỏ của vindaloo là cà ri phaal vốn có xuất xứ từ một nhà hàng Ấn Độ ở Birmingham, phía bắc nước Anh. Đây được coi là món cà ri cay nhất thế giới, qua mặt cả vindaloo, được nấu với một lượng lớn ớt tươi nguyên trái mà phải là thứ ớt cay nhất nhướt habanero có xuất xứ từ Cuba.

Một đĩa cà ri phaal đúng điệu ngoài thứ xốt ớt và cà chua đậm đặc cay xé họng còn phải có gừng và hạt thìa là. Ở nhiều thành phố của Anh, người ta đã tổ chức các cuộc thi ăn món cà ri phaal.

Còn Nhà hàng Brick Lane Curry House ở Manhattan (New York) có món cà ri phaal được nấu với mười loại ớt khác nhau, đầu bếp khi nấu phải đeo mặt nạ để tránh bị sốc ớt! Và khi ăn món này ở đây, có thực khách chịu không thấu đã nôn mửa, bịảo giác, thậm chí phải đưa đến bệnh viện cấp cứu!

Đầu bếp của Nhà hàng Brick Lane Curry House ở Manhattan khi nấu cà ri phaal phải đeo mặt nạ phòng độc!

Món salad kinh dị

Thoạt nhìn thì món papa a la hunciana không có vẻ gì quá đáng sợ với người không ăn cay. Tên của món salad khai vị đó có nghĩa là “khoai tây chế biến kiểu Huancayo” (Huancayo là một thanh phố trên cao nguyên xứ Peru), một món ăn truyền thống của ẩm thực Peru từ bao đời nay.

Món salad papa a la hunciana của Peru

Một đĩa papa a la hunciana có vài khoanh khoai tây vàng luộc kỹ, vài lá rau xà lách, vài quả ô-liu đen, vài hạt bắp trắng và mấy miếng trứng luộc cắt góc tư; song thứ làm nên hồn vía của món cay kinh dị này là nước xốt được chế biến từ phó mát trắng (sản phẩm thủ công của các nông trại trên núi), dầu thực vật, sữa đặc, muối và không thể thiếu ớt vàng amarillo cay bậc nhất vốn là thứ gia vị căn bản và quan trọng của ẩm thực Peru.

Một vài công thức khác chế biến loại nước xốt này có thêm tỏi, hành và vụn bánh quy mặn. Còn ở các địa phương miền nam Peru, người ta thay “nước xốt kiểu Huancayo” bằng nước xốt ocopa được chế biến với đậu phộng rang giã nhuyễn, hành khô, cà chua, sữa đặc, vụn bánh quy mặn hay vụn bánh mì, muối, lá vạn thọ và ớt amarillo.

Papa a la hunciana được ăn lạnh nên rất thích hợp cho những chuyến picnic, dã ngoại trên vùng cao, song nếu chưa từng trải nghiệm món này thì bạn phải hết sức cẩn trọng khi được mời nếu không muốn bị… lột lưỡi!

Bên cạnh món salad khoai tây, người Peru còn khoái món creole cau cau được chế biến bằng cách hầm thịt, khoai tây với ớt vàng amarillo. Creole cau cau rất ngon nhưng cay tới mức, như cách mô tả của người Peru, ăn xong bạn chỉ muốn vùi đầu vào một tảng nước đá cho hạ hỏa!

Lẩu và xúp đệ nhất cay

Lẩu là món ăn thông dụng gần như khắp châu Á, song lẩu Tứ Xuyên vượt xa các loại lẩu thông thường về mặt kích thích vị giác, bởi bên cạnh các thành phần căn bản của món ăn này là các loại thịt, hải sản, rau củ… thì các loại gia vị là tiêu và ớt được dùng rất nhiều trong nồi nước lẩu khiến thực khách chưa từng trải nghiệm khi nếm muỗng nước đầu tiên có cảm giác lưỡi và miệng mình như bị phồng rộp, tai ù đi.

Lẩu Tứ Xuyên với một ngăn nước dùng đậm đặc ớt

Với người dân Tứ Xuyên, ớt là gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày và món lẩu rất được họưa thích vì tiện lợi, dễ thực hiện, ăn lúc nào cũng được, lại đầy đủ chất bổ dưỡng cho cơ thể, chưa kể có khả năng giúp cơ thể nóng ấm vào thời tiết lạnh giá. Tuy nhiên để những người không ăn quá cay thưởng thức được món ăn này thì nồi lẩu Tứ Xuyên có hai ngăn, một bên nước dùng cực kỳ cay, đỏ rực màu ớt, bên kia là nước dùng không cay.

Trong khi đó, món ăn được người dân Hàn Quốc rất ưa thích là xúp haejangguk được chế biến bằng cách hầm nhừ xương heo trong nước hầm thịt bò và tiết trâu đông lạnh, kèm theo là thật nhiều ớt đỏ. Món ăn này cay đến độ nó được gọi là “xúp giã rượu” bởi có uống rượu bia say tới đâu đi nữa nhưng chỉ cần húp một thìa xúp haejangguk thì các đệ tử lưu linh tỉnh rượu tức thì. Và phải kể đến món kim chi Hàn Quốc cũng là một “danh thủ” trong đội ngũ những món cay nổi tiếng thế giới.

Tiết trâu trong món xúp haejangguk của Hàn Quốc

Ngoài ra, trong số các món cay đã có thương hiệu phải kể đến tom yum (canh chua tôm) của Thái Lan mà nay thực khách người Việt có thể tìm thấy ở rất nhiều nhà hàng Thái tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng như tại nhiều tỉnh thành khác. Ở Philippines thì canh chua me sinigang là món ăn quốc hồn quốc túy, được nấu với rất nhiều ớt mà với những ai không quen ăn cay thì nếm món này như bom nổ trong đầu!

>10 món cay nổi tiếng trên thế giới

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cay xé lưỡi!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO