Bài 2: Bay an toàn

DŨNG NGUYỄN| 23/07/2009 00:41

Trong mấy năm gần đây, nhà máy lắp ráp máy bay Airbus ở gần sân bay quốc tế Blagnac, thành phố Toulouse (Pháp) là điểm đến tham quan của rất nhiều du khách quốc tế...

Bài 2: Bay an toàn

Trong mấy năm gần đây, nhà máy lắp ráp máy bay Airbus ở gần sân bay quốc tế Blagnac, thành phố Toulouse (Pháp) là điểm đến tham quan của rất nhiều du khách quốc tế. Khi ra khỏi các hăng-ga khổng lồ là nơi lắp ráp các phần thân, cánh ngang, cánh đuôi đứng, cánh đuôi ngang, động cơ... tạo ra những chiếc thân hẹp A320, A321 và những chiếc thân rộng A330, A340 lẫn máy bay khổng lồ A380, có rất nhiều khách thở phào nhẹ nhõm.

Họ hiểu ra rằng máy bay, dù của Airbus, Boeing hay Embraer (Brazil), Bombardier (Canada), luôn được thiết kế và sản xuất với ưu tiên hàng đầu: phải đảm bảo được đến mức tối đa sự an toàn tính mạng của hành khách.

Chiếc máy bay A320 của US Airway lao xuống sông Hudson nhưng không ai thiệt mạng

Theo các chuyên gia hàng không, số nạn nhân tử vong trong các vụ tai nạn máy bay, vốn đã giảm rất nhiều trong những năm qua, nay đã ít hẳn đi vì máy bay ngày càng được sản xuất tốt hơn. Các phần thân máy bay bây giờ cứng cáp và bền vững hơn. Công nghệ phòng hỏa hoạn trên thân tàu và động cơ máy bay đã được phát triển hoàn hảo hơn, và phi công, tiếp viên hàng không được đào tạo, huấn luyện kỹ hơn để có thể xử lý chính xác khi chẳng may xảy ra sự cố.

Tại sao có chuyện cả một máy bay phản lực buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống sông Hudson ở khúc chảy ngang qua thành phố New York và rồi mọi người đều thoát hiểm an toàn? Thưa, vì cơ trưởng có nhiều năm kinh nghiệm và ở gần cần điều khiển trong buồng lái còn có cái nút đặc biệt. Bấm nút này lúc máy bay phải hạ cánh xuống biển, sông thì ngay tức khắc mọi “khe”, “lỗ” của chiếc máy bay sẽ tự động khép kín, ngăn nước tràn vào, giúp máy bay có thể phần nào nổi được trên mặt nước.

Tại sao có chuyện cơ trưởng đột tử trong chuyến bay xa liên lục địa mà rồi máy bay vẫn hạ cánh an toàn, hành khách chẳng hay biết gì? Thưa, vì trên mỗi chuyến bay, bao giờ cũng có hai phi công (gồm cơ trưởng - captain, và cơ phó - first officer hoặc co-pilot) và ở chuyến bay xa kéo dài hơn 10 tiếng đồng hồ, bao giờ cũng có hai tổ lái hoặc chí ít cũng phải có thêm một phi công thứ ba.

Ngoài ra, cứ mỗi chu kỳ 6 tháng, phi công lại phải trải qua cuộc khám định sức khỏe rất nghiêm ngặt. Nếu hội đủ mọi điều kiện về tim mạch, huyết áp, thị giác, thính giác... họ mới tiếp tục được cầm lái.

Và như đã được minh chứng nhiều lần bằng thực tế, trên máy bay thường khi nào cũng có hành khách là bác sĩ, y tá... và phi công.

“Quý vị hãy an tâm cất cánh bay. Máy bay bây giờ không chỉ được thiết kế và sản xuất sao cho đạt điều kiện bay an toàn cao nhất (airworthiness), mà còn phải được thiết kế sao cho chịu được cả tai nạn (crashworthiness)” - đây là nhận xét của giáo sư Bill Waldock ở Đại học Hàng không Embry-Riddle tại Prescott, bang Arizona.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài 2: Bay an toàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO