Tính cá nhân cao khiến những phá cách của những nhạc sĩ đương đại chưa đến gần với phần đông khán giả. Khi khán giả chưa thể tự tìm đến thì những người đang mày mò với những thử nghiệm của mình sẽ phải nỗ lực không ngừng để tìm khán giả.
Đánh dấu cho sự trở lại của chương trình Cà phê thứ 7 sau thời gian gián đoạn, nhạc sĩ Dương Thụ đã chọn một chủ đề khá khó cho những bàn luận: Nhạc đương đại và chỗ đứng của nó trong đời sống âm nhạc hôm nay.
Loay hoay với những định nghĩa
Khác với những suy nghĩ là phải mới lạ, khác người, khó hiểu... của số đông khán giả, theo nhạc sĩ Dương Thụ, âm nhạc đương đại không phải là một trào lưu mà đơn giản là nó mang tính đương thời. Do vậy, người viết nhạc dùng ngôn ngữ nào cũng được, miễn là phản ánh được hơi thở thời đại.
Tuy nhiên, nhạc sĩ đương đại không tính đến những người sáng tác phục vụ thị trường giải trí. Do vậy, ở Việt Nam hiện nay, nhạc sĩ đương đại chỉ là một nhóm nhỏ với những gương mặt nổi trội như các nhạc sĩ: Đỗ Kiên Cường, Duy Linh, Việt Anh, Đinh Lăng, Trần Mạnh Hùng... Đây là những người được đào tạo bài bản, có những tìm tòi của riêng mình và phá cách trong sáng tác.
Tuy nhiên, do những sáng tạo vẫn còn quá mới mẻ nên âm nhạc đương đại tại Việt Nam vẫn chưa được hiểu, chưa có công chúng và do đó, không có tính đại chúng.
Nhạc sĩ Lê Thanh Xuân cho biết, từ những năm 1987, khi ông theo học sáng tác, đến thư viện tìm đọc những bản tổng phổ của các nhạc sĩ sáng tác từ những năm 1965, ông cũng như rất nhiều sinh viên khác không hiểu và không thực hiện được những ký hiệu mới lạ ghi trong đấy.
"Điều đó cho thấy, cách đây từ rất lâu, các nhạc sĩ đã có một cách nghĩ khác, tìm tòi khác", ông nhấn mạnh. Như vậy, những sáng tạo mới lạ mà các nhạc sĩ đương đại đang theo đuổi hoàn toàn không phải là những điều mới lạ mà chỉ tập hợp lại với ý tưởng để làm nên cái mới.
Và những cái mới mà đội ngũ nhạc sĩ đương đại đang theo đuổi hiện nay không hề phá đi những cái cũ, mà chỉ là mang đến sự khác lạ cho những thứ thuộc về truyền thống.
Đáng tiếc, với âm nhạc cổ điển, phần đông khán giả vẫn còn chưa cảm thụ được thì việc đón nhận những cái mới mà nhạc sĩ đương đại đưa đến đúng là chuyện khó.
Xích lại gần nhau
"Chúng tôi vẫn phải kiên trì đi theo con đường của mình trong hy vọng", nhạc sĩ Lê Thanh Xuân chia sẻ. Đó chính là lý do những chương trình âm nhạc đương đại vẫn miệt mài biểu diễn để có thể tìm ra khán giả cho mình.
Đơn cử, mỗi tháng một lần, Nhạc viện TP.HCM tổ chức những chương trình hòa nhạc thính phòng, dành đất cho những nghệ sĩ đương đại thể hiện mình trong các chương trình đó.
Chương trình Gặp gỡ tháng 12 giới thiệu các tác phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam và các nhạc sĩ đến từ Mỹ, Na Uy và Đức là một ví dụ. Tuy nhiên, áp lực tài chính vẫn là một thử thách.
Nhạc sĩ Đỗ Kiên Cường cho biết: "Chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài sự hỗ trợ của Nhạc viện, các tác giả tham gia chương trình phải đóng góp kinh phí cho đêm diễn. Có lẽ kinh phí là điều ám ảnh triền miên, nhất là đối với âm nhạc hàn lâm".
Đáng mừng là cái khó vẫn chưa làm nản lòng các nhạc sĩ đương đại. "Thực sự âm nhạc đương đại không khó hiểu. Chỉ cần nhiều người biết đến thì việc tìm được khán giả sẽ dễ dàng. Chúng tôi đang cố gắng vì điều này", nhạc sĩ Duy Linh hy vọng.
Đáng tiếc những cố gắng ấy vẫn chưa đạt được kết quả. Đại diện nhóm tam tấu Sisu đến từ Na Uy cho biết, những nhạc sĩ đương đại phải thường xuyên giao lưu với nhau, không cần bó buộc về mặt thể loại mà họ đang theo đuổi. Chính những trao đổi này sẽ là sự bổ sung mạnh mẽ giúp nhạc sĩ đương đại ngày càng hoàn thiện mình.
"Mặc dù chính phủ ở các nước châu Âu có những hỗ trợ nhất định trong việc tổ chức các sân chơi, cuộc thi... dành cho âm nhạc đương đại, nhưng quan trọng nhất là nghệ sĩ phải tự lực", nhóm nhạc tư vấn. Do vậy, để tạo nên sức mạnh cộng đồng, các nhạc sĩ đương đại cần xích lại gần nhau, hợp tác với nhau trong những dự án.
Đồng quan điểm, nhạc sĩ âm nhạc đương đại Dirk Johan Stromberg đến từ Mỹ cho biết, để hoàn thiện nhạc cụ điện tử của mình, anh đã phải làm việc, giao lưu với rất nhiều nhóm nghiên cứu khác. Chính nhờ những đóng góp từ những nhạc sĩ người Hà Lan mà thiết bị của Dirk mới tìm được những hợp âm lạ.
"Những nhạc sĩ đương đại là những người tìm tòi cái mới. Do đó, họ thường cởi mở trong những chia sẻ. Học hỏi cùng nhau là cách để âm nhạc đương đại sớm tìm được tiếng nói chung", Dirk nói.