9 sự kiện nổi bật nhất trên thị trường hàng hóa năm 2011

28/12/2011 01:42

Cơn sốt trên thị trường vàng và giá cả hàng hóa tăng vọt được nhắc tới nhiều nhất trong năm qua. Hãy cùng CafeF điểm lại toàn cảnh thị trường.

9 sự kiện nổi bật nhất trên thị trường hàng hóa năm 2011

Cơn sốt trên thị trường vàng và giá cả hàng hóa tăng vọt được nhắc tới nhiều nhất trong năm qua. Hãy cùng CafeF điểm lại toàn cảnh thị trường.

THẾ GIỚI

1. Cơn sốt giá vàng

Giá vàng tăng 13% trong năm nay và thiết lập đỉnh cao tại 1.923,7 USD/ounce vì nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh nợ công leo thang ở châu Âu và bóng ma suy thoái toàn cầu.

Các nhà đầu cơ và các quỹ quản lý tiền tệ tăng số vàng nắm giữ lên trên 2.370 tấn, nhiều nhất trong lịch sử, bằng tổng sản lượng của các mỏ vàng thế giới năm 2011 và nhiều hơn bất kỳ số vàng mà quốc gia nào có trong kho dự trữ ngoại hối, ngoại trừ Mỹ, Đức, Italia và Pháp.

Các NHTW cũng chi tiền mua số vàng gấp hơn 4 lần năm ngoái, khoảng 450 tấn, điển hình là Nga, Thái Lan.

Các kho cất giữ vàng trên thế giới chật cứng chỗ và chi phí cho thuê kho lên cao kỷ lục. Nhiều kho giữ vàng mới được xây dựng khẩn cấp để đáp ứng nhu cầu.

2. Tranh giành "miếng bánh" dầu mỏ ở Trung Đông

Căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông thu hút sự quan tâm và tham gia của các nước phương Tây. Giới quan sát quốc tế cho rằng, nguyên nhân chính mà cả Pháp, Anh, Italia và Mỹ cùng muốn tham gia vào cuộc nội chiến lật đổ chính quyền Libya là vì mục đích dầu mỏ. Libya là nước có trữ lượng dầu lớn thứ 7 thế giới, là sự “thèm khát” của các cường quốc tiêu thụ dầu vì điều kiện địa lý thuận lợi, chi phí khai thác rẻ và có loại dầu chất lượng tốt nhất thế giới.

Với Iran, các nước phương Tây vẫn nỗ lực chống lại chương trình hạt nhân, nhưng bản chất cũng là nhằm vào các mỏ dầu trù phú. Mỹ đã cấm vận dầu mỏ Iran và kêu gọi các nước châu Âu và Hàn Quốc cùng thực hiện. Iran tuy nhiên tuyên bố không từ bỏ và cảnh báo thế giới sẽ đối mặt với giá dầu đắt gấp đôi nếu tiếp tục chống lại Tehran.

3. Giá thực phẩm cao kỷ lục

Giá thực phẩm vượt qua mức đỉnh của năm 2008, là một trong những nguyên nhân châm ngòi cho các cuộc bạo động chính trị từ Bắc Phi đến Trung Đông, dẫn đến sự sụp đổ của các chính quyền từ Tunisia, Yemen đến Ai Cập.

Giá thực phẩm cao còn là thủ phạm khiến lạm phát tại châu Á và châu Phi leo thang, đẩy hàng trăm triệu người rơi vào cảnh đói nghèo cùng cực.

4. Sau khi lập đỉnh, giá hàng hóa đảo chiều rớt 30%

Giá hàng hóa cao kỷ lục trong những tháng đầu năm do đồng USD yếu, triển vọng nhu cầu mạnh và nỗi lo nguồn cung. Giá bông (2,197 USD/lb), cao su (6,4 USD/kg), đồng (10.170 USD/tấn), vàng (1.923,7 USD/ounce), đường tinh luyện (876 USD/tấn) là các mức cao chưa từng thấy trong lịch sử. Giá cacao (3.511 USD/tấn) và bạc (49,5 USD/ounce) cao nhất 32 năm. Giá cà phê thiết lập mức cao chưa từng thấy kể từ năm 1977 tại 3,14 USD/lb. Giá dầu thô đắt nhất 3 năm (127 USD/thùng dầu Brent).

Nhưng kể từ đầu tháng 5, khi Mỹ chuẩn bị kết thúc gói QE2 và đối diện sức ép nâng trần nợ, giữa lúc nợ công châu Âu leo thang đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cộng với những dự báo mới cho thấy nguồn cung không quá nghiêm trọng khiến giá hàng hóa quay đầu lao dốc.

So với mức đỉnh thiết lập trước đó, các chỉ số theo dõi giá hàng hóa như CRB, GSCI... mất 30%. Cụ thể giá cao su cuối năm thấp hơn 50%, giá đồng hạ 30%, lúa mì, ngô và đậu tương giảm 22 – 24%, giá cà phê mất 50%, giá bông hạ 60%, vàng giảm 15%, giá bạc hạ 43%...

5. Tháo chạy khỏi thị trường hàng hóa cuối năm

Đầu năm, các quỹ và nhà đầu tư đổ xô mua hàng hóa, với những triển vọng lạc quan. Nhưng kể từ khi giá đi xuống, cộng với giá vàng có xu hướng leo thang và kinh tế bất ổn, tất cả các hàng hóa bị bán tháo để chuyển sang kênh đầu tư vàng hoặc tiền mặt.

Đà bán tháo sau đó mạnh hơn và lan sang cả thị trường vàng sau vụ sụp đổ của hãng môi giới lớn nhất thế giới MF Global, kéo theo giá sụt mạnh. Vàng đã cách đỉnh tới 18% còn chỉ số chung của các hàng hóa hạ 12%. Theo thống kê của Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ, thời điểm cuối tháng 11, các trạng thái mở mới trên thị trường đạt chưa đến 10 triệu hợp đồng, thấp nhất kể từ tháng 7/2009. Trung bình mỗi tuần từ tháng 9 đến tháng 12, có khoảng 550 triệu USD bị rút khỏi các quỹ đầu tư hàng hóa.

TRONG NƯỚC

6. Giá nhiều mặt hàng tăng vọt

Giá xăng Ron92 tăng 26,83%, dầu diesel 0,05S tăng 38,3%, dầu hỏa tăng gần 33,8%, giá điện hai lần tăng (lần 1 tăng bình quân 15,28%, lần 2 tăng thêm 5%), giá than tăng 20 – 40%, giá nước sạch tăng hơn 40% lên các mức cao kỷ lục đã kéo theo một loạt các hàng hóa khác đi lên. 

Giá sữa ngoại và dược phẩm tăng khoảng 30%, trở thành nỗi ám ảnh của người tiêu dùng. Có thời điểm (tháng 7) giá thực phẩm đắt gấp đôi so với năm ngoái. Giá gas, sắt thép, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi và hàng tiêu dùng khác cùng tăng chóng mặt.

Do nhu cầu xuất khẩu mạnh, giá các nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu cũng ở mức cao chưa từng thấy như cà phê, cao su, hạt tiêu, cá tra, tôm, khoai lang, sắn lát…

Một số mặt hàng nông sản còn có vai trò điều khiển giá thế giới nhờ chủ động điều tiết nguồn cung như hồ tiêu, hạt điều, cà phê.

7. Báo động đỏ chất lượng hàng hóa

Liên tiếp các vụ sản xuất và nhập lậu thực phẩm bẩn bị phanh phui và thu hồi khiến người tiêu dùng hoang mang. Điển hình là các vụ thạch rau câu chứa phụ gia độc DEHP của Cty New Choice Foods; cốm Vòng và tương ớt nhiễm chất nhuộm màu Rhodamine B; bún, bánh phở, bánh giò, bánh phu thê chứa hàn the; phẩm màu chứa kiềm trong mì ăn liền và nước giải khát; thịt gà tẩm bột sắt có thể gây ung thư; hay như vụ 108 tấn chân gà thối nhập qua cảng Hải Phòng…

Vì ham lợi trước mắt, người sản xuất tự đánh mất uy tín bằng cách pha tạp chất vào sản phẩm, chẳng hạn như trộn muối vào mủ cao su để tăng độ mủ, trộn các loại gạo cấp thấp với cấp cao để tăng giá bán, bơm nước cho gia súc gia cầm để tăng trọng lượng…

Cùng với tình trạng loạn giá xe máy, việc xe bỗng nhiên bốc cháy và nổ cũng làm bất an người tiêu dùng. Tới thời điểm hiện tại, đã có gần 30 vụ cháy xe máy xảy ra và nguyên nhân tại sao vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

8. “Chảy máu” nguyên liệu sang Trung Quốc

Chưa năm nào, các thương lái Trung Quốc lại sang tận vùng nguyên liệu nước ta thu gom hàng hóa như năm nay. Các mặt hàng được mua nhiều nhất là nông thủy sản như ớt, hạt tiêu, điều thô, cà phê, cao su, thịt lợn, trứng gia cầm, khoai lang, sắn lát, vải thiều, tôm cá...

Việc Trung Quốc gom nguyên liệu không những gây xáo trộn giá cả ở thị trường trong nước mà còn gây khó khăn cho việc thu mua nguyên liệu của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Có thực trạng xảy ra là nhiều doanh nghiệp đã phải chế biến thuê cho doanh nghiệp Trung Quốc vì không có nguyên liệu.

Một mối lo khác nữa là việc Trung Quốc thu mua nông, thủy sản với giá cao sẽ khiến người dân chạy theo lợi nhuận, phá vỡ quy hoạch trồng trọt và chăn nuôi.

9. Xuất khẩu hàng hóa cao kỷ lục

Giá hàng hóa thế giới tăng mạnh đầu năm cộng với điều chỉnh tỷ giá VNĐ giảm 9,3% của chính phủ hồi tháng 2 và lượng hàng xuất đầu năm lớn đã giúp xuất khẩu năm 2011 thiết lập mức cao kỷ lục, đạt 96,3 tỷ USD, vượt trên 16 tỷ USD so với mục tiêu và cao hơn 33% so với năm 2010.

Câu lạc bộ các mặt hàng có kim ngạch tỷ USD nâng từ 16 lên 21, trong đó có 5 mặt hàng kim ngạch trên 5 tỷ USD là dệt may, dầu thô, điện thoại, giày dép và thủy sản. Nhiều mặt hàng đạt mức tăng trưởng ấn tượng như điện thoại và linh kiện gần 200%, hạt tiêu 80%, sắn và sản phẩm sắn 82%, sắt thép 65%, cao su 45%, cà phê 55%... 

Một số mặt hàng đạt kim ngạch kỷ lục năm nay như: dệt may ( trên 14 tỷ USD), dầu thô (trên 7,2 tỷ USD), giày dép (6,5 tỷ USD), thủy sản (6,1 tỷ USD), máy móc thiết bị phụ tùng (trên 4 tỷ USD), gạo (trên 3,5 tỷ USD), gỗ và sản phẩm gỗ (gần 4 tỷ USD), cao su (trên 3 tỷ USD), cà phê (trên 2 tỷ USD)...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
9 sự kiện nổi bật nhất trên thị trường hàng hóa năm 2011
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO