Hội nghị năm nay gồm 128 bài báo cáo của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tim mạch và chuyển hóa của Việt Nam, cập nhật nhiều vấn đề mới gắn liền với thực hành lâm sàng tim mạch của thế giới. Với các chuyên đề liên quan đến can thiệp và phẫu thuật tim mạch, Hội nghị có các phiên truyền hình trực tiếp từ phòng mổ để người tham dự có thể thảo luận, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm. Đặc biệt, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hơn 10 bài báo cáo về Covid-19 trên người bệnh tim mạch sẽ được trình bày tại Hội nghị. Đây là các nội dung quan trọng nhằm đảm bảo quá trình chăm sóc sức khoẻ người bệnh tim mạch được liên tục, an toàn và hiệu quả.
GS TS BS. Trương Quang Bình – Phó Giám đốc Bệnh viện- Giám đốc Trung tâm Tim mạch BV ĐHYD TP.HCM chia sẻ: “Bệnh tim mạch vốn nguy hiểm và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, người bệnh tim mạch càng phải đối mặt với nhiều rủi ro; đồng thời, hệ thống y tế cũng gặp nhiều trở ngại trong công tác điều trị và chăm sóc sức khoẻ cho người bệnh. Chính vì vậy, việc thích nghi với tình hình mới và tạo điều kiện cho các đội ngũ y bác sĩ liên tục cập nhật xu hướng mới trong điều trị bệnh tim mạch là ưu tiên hàng đầu, giúp nâng cao năng lực chuyên môn trong phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị hiệu quả cho người bệnh.
Bệnh Covid-19 (do vi-rút SARS-CoV-2) xâm nhập chủ yếu qua đường hô hấp, là dạng bệnh gây tổn thương đa cơ quan, trong đó đặc biệt là phổi. Bên cạnh đó, cơ quan khác như tim mạch, thần kinh… cũng bị ảnh hưởng. Trong đó, ảnh hưởng chính của Covid-19 đến tim mạch đó là tình trạng viêm cơ tim, tăng đông máu gây tắc các mạch máu trong hệ thống tim mạch. Vì vậy các Bác sĩ cần đặc biệt lưu ý để có thể chẩn đoán và điều trị các biến chứng tim mạch trên người bệnh Covid-19 một cách kịp thời để cứu người bệnh.
“Mặt khác, việc theo dõi và điều trị thường xuyên đối với người có bệnh nền tim mạch là yếu tố quan trọng giúp kiểm soát bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và giãn cách xã hội, việc theo dõi điều trị của người bệnh có thể bị gián đoạn. Điều này rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng của người bệnh. Vì vậy, đội ngũ Bác sĩ, nhân viên y tế cần cập nhật liên tục các kiến thức mới, thường xuyên liên hệ với người bệnh để kiểm soát bệnh hiệu quả, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra”. – GS TS BS. Trương Quang Bình nhấn mạnh.