Xe máy điện đang đượcđông đảo khách hàng quan tâm. Ảnh: X Thảo |
Xe Việt nhập cuộc
Cuối tháng 11, VinFast đã mở bán xe điện Klara - dòng xe máy điện được nhà sản xuất công bố trang bị một loạt công nghệ mới như kết nối internet 3G, định vị GPS, khóa và mở khóa xe từ xa, đồng bộ thông tin quãng đường, thông số lái xe qua smartphone, tìm trạm sạc, trạm thuê pin, trạm dịch vụ, báo tình huống khẩn cấp qua số điện thoại đặt trước... Đây là mẫu đầu tiên trong loạt 8 mẫu xe sẽ được sản xuất của hãng này. Trong năm 2019 sẽ có thêm 7 mẫu xe điện eScooter, trong đó có một mẫu siêu cao cấp, 2 mẫu cao cấp, một mẫu trung cấp và 3 mẫu xe điện dành cho học sinh.
Theo đánh giá của một khách hàng, dòng xe máy điện được cho là khá ổn, chạy không tiếng ồn, không khói bụi và cũng không "dị" như những chiếc xe máy điện Trung Quốc vẫn thấy trên đường. Tại sự kiện ở Hà Nội và TP.HCM, số lượng người đến xem và đặt mua rất đông. Ngay trong ngày đầu tiên mở bán tại TP.HCM, Klara đã hết hàng, bản ắc-quy chì đặt hàng 2 tuần mới có, còn bản pin lithium thì phải đợi đến cuối tháng 12 hoặc lâu hơn, tùy màu.
Để chuẩn bị cho việc kinh doanh, cuối tháng 10, VinFast đã hợp tác với Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) triển khai hệ thống trạm sạc và thuê pin cho xe máy điện thông minh, ô tô điện. Trong giai đoạn đầu, PV Oil sẽ cung cấp 600 điểm kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc để VinFast lắp đặt hệ thống trạm sạc nhanh, trạm thuê pin và trạm sạc qua đêm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng về năng lượng điện.
Trước đó, trong tháng 7, VinFast cũng đã tuyển đại lý ủy quyền xe máy điện trên toàn quốc. Hiện tại, VinFast đang xúc tiến để phát triển các trạm sạc, thuê pin sử dụng công nghệ điều khiển năng lượng xanh thông minh tiên tiến được cho là có thể nhận dạng mẫu xe và khách hàng tự động.
Ông Nguyễn Việt Quang - Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết, với phương châm sản phẩm chất lượng cao phải đi kèm dịch vụ thuận tiện, ngay từ đầu, VinFast đã có chiến lược triển khai hệ sinh thái toàn diện cho các sản phẩm xe điện, bao gồm xe máy điện và ô tô điện, như trạm sạc pin, trạm thuê pin, hệ thống quản lý xe từ xa, mạng lưới đại lý. Việc hợp tác với PV Oil sẽ là khởi đầu cho kế hoạch thiết lập 30.000 - 50.000 trạm sạc và thuê pin đến năm 2020 của VinFast trên toàn quốc.
Thị trường xe điện 2 bánh (xe máy điện và xe đạp điện) đang tăng trưởng mạnh mẽ. Theo số liệu của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), hiện cả nước có hơn 3 triệu chiếc xe điện 2 bánh đang lưu hành, trong đó có khoảng 70% là xe máy điện. So với thị trường xe máy hiện nay, con số trên khá nhỏ nhưng những người trẻ đang thích ứng nhanh và chấp nhận công nghệ mới. Đây là thị trường rất tiềm năng.
Vì vậy, theo các chuyên gia, dự án eScooter - xe máy điện thông minh và sự xuất hiện của Klara được xem là tính toán khôn ngoan của VinFast, bởi thị trường xe máy điện đang thiếu thương hiệu quy mô và uy tín. Hiện nay có nhiều dòng xe nhưng chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, chất lượng không ổn định khiến người tiêu dùng bối rối khi chọn xe điện để thay thế xe máy.
Thị trường sôi động
Theo số liệu từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 300.000 xe đạp điện, xe máy điện. Con số này rất nhỏ so với gần 3 triệu xe máy mỗi năm. Còn theo số liệu của Hiệp hội Ô tô - Xe máy - Xe đạp Việt Nam (VAMOBA), năm 2017 có khoảng 500.000 chiếc xe máy điện, xe đạp điện được bán ra trên cả nước, tăng 30% so với năm 2016.
Trước đây, có đến 90% thị trường bị xe ngoại nhập chiếm lĩnh, trong đó có đến 80 - 90% là nhập lậu. Kể từ khi quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện (Thông tư 39/2013/TT-BGTVT, Thông tư số 41/2013/TT-BGTVT) ra đời đã hạn chế tình trạng nhập lậu, từ đó hình thành môi trường kinh doanh chuyên nghiệp.
Trên thị trường xe đạp điện và xe máy điện hiện nay, có 2 nguồn chính là hàng nhập khẩu nguyên chiếc và hàng sản xuất, lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, chiếm tỷ lệ áp đảo vẫn là xe nhập khẩu. Để mở rộng thị trường, thời gian qua, một số doanh nghiệp như Kymco, Takuda (liên doanh Nhật - Việt) đã lên kế hoạch liên doanh, liên kết để sản xuất và mở rộng hoạt động.
Trong đó, DKBike trong năm nay đã bắt tay với Công ty Yadea và Aima khánh thành nhà máy lắp ráp xe điện với tổng vốn đầu tư hơn 4 triệu USD. Nhà máy có công suất tối đa 450.000 xe/năm, trang bị dây chuyền lắp ráp tự động từ khâu quản lý đến vận hành.
Đánh giá về thị trường xe máy điện, ông Mickael Orain - Tổng giám đốc phụ trách thị trường Việt Nam của Piaggio cho rằng xe điện 2 bánh nói riêng và các phương tiện điện hóa, phương tiện sạch nói chung là giải pháp phù hợp cho việc di chuyển và là xu hướng phát triển của tương lai. Tuy nhiên, còn quá sớm để đánh giá chính xác tiềm năng của thị trường và khả năng phát triển của thị trường xe điện 2 bánh của Việt Nam.
Nhận định như vậy nhưng ông Mickael Orain cho biết Piaggio đang lên kế hoạch đưa mẫu xe điện Vespa Elettrica về Việt Nam trong quý II/2019. Mẫu xe này đã ra mắt thị trường Italia hồi đầu tháng 11 năm nay và được ông Mickael Orain đánh giá là mẫu xe thông minh, có khả năng tương tác với con người.
Thay vì dừng lại ở những ứng dụng di động đơn giản cho phép xác định vị trí xe hay tình trạng pin, Vespa Elettrica sẽ ứng dụng giải pháp trí tuệ nhân tạo mà Piaggio đang phát triển giải pháp dành cho robot Gita. Hệ thống này có thể cảm nhận và đáp ứng mọi mệnh lệnh của con người.
Xe có thể biết được sự hiện diện và trạng thái của con người và phương tiện gần xe, từ đó đưa ra các phương án hỗ trợ người lái xử lý tình huống. Xe cũng có thể phân tích dữ liệu đi đường để đưa ra những chỉ dẫn phù hợp với tình trạng giao thông. Đặc biệt xe có thể nhận ra chủ nhân mà không cần chìa khóa hay điều khiển từ xa nhờ vào việc đánh giá thói quen của con người.
Không chỉ hãng xe Italia, một thương hiệu khác cũng quan tâm đến phân khúc này là Honda. Hiện một số mẫu xe máy điện thương hiệu Honda (sản xuất tại Trung Quốc) đã có mặt tại Việt Nam. Có thông tin cho rằng Hãng đang nghiên cứu về xe máy điện và sẽ sản xuất tại Việt Nam trong thời gian tới.