Uzbekistan, chiếc vương miện của Trung Á

Bài: NGUYỄN TRUNG - Ảnh: THU HÒA/DNSGCT| 20/04/2013 09:24

Từ lâu, vùng đất Trung Á với những hoang mạc và thảo nguyên mênh mông bất tận, những đền thờ Hồi giáo bằng đá uy nghi… luôn gợi lên trong lòng du khách giấc mơ phiêu lưu khám phá.

Uzbekistan, chiếc vương miện của Trung Á

Từ lâu, vùng đất Trung Á với những hoang mạc và thảo nguyên mênh mông bất tận, những đền thờ Hồi giáo bằng đá uy nghi… luôn gợi lên trong lòng du khách giấc mơ phiêu lưu khám phá. Trong một lần tham dự Hội chợ du lịch ở Uzbekistan, giấc mơ đó của chúng tôi đã thành hiện thực.

Đọc E-paper

Vẻ đẹp êm đềm ở Tashkent

Nhờ vị trí nằm trên con đường tơ lụa, Uzbekistan từng có một thời gian dài là điểm giao lưu thương mại sôi động của nhiều nền văn hóa trong quá khứ.

Suốt 20 năm qua, đất nước này đã nỗ lực tìm lại thời vàng son thông qua rất nhiều hoạt động quảng bá giá trị văn hóa, kiến trúc, tôn giáo… độc đáo của mình.

Nhờ nền kiến trúc cổ có một không hai, bản sắc văn hóa đa dạng chưa bị pha trộn và những cánh đồng trồng bông bạt ngàn, mấy năm gần đây, lượng khách đến Uzbekistan liên tục tăng.

Một kiến trúc cổ ở Tashkent

Cứ mỗi khi mùa Thu phủ màu vàng mơ lên cảnh sắc thiên nhiên, thủ đô Tashkent lại tưng bừng với Hội chợ Du lịch Quốc tế Tashkent (Tashkent International Tourism Fair – TITF). Đây là diễn đàn du lịch lớn nhất ở khu vực Trung Á, thu hút các hãng hàng không và lữ hành từ gần 30 nước trên thế giới.

Không chỉ chinh phục du khách bởi thiên nhiên hoang dã xinh đẹp dọc theo con đường tơ lụa huyền thoại, đất nước này còn sở hữu một số lượng lớn những công trình lịch sử và kiến trúc được coi là di sản vô giá của nhân loại.

Dưới bầu trời cao xanh lồng lộng, giữa hoang mạc mênh mông cát vàng, những kiến trúc cổ có tường màu vàng sa thạch, mái vòm biêng biếc màu ngọc lam tạo nên một cảnh quan có một không hai trên thế giới.

Những bức tường được khảm cầu kỳ

Là một trong những thành phố lớn nhất Trung Á với dân số gần ba triệu người nhưng Tashkent vẫn khá yên tĩnh với nhiều công viên, hàng cây rợp bóng mát. Vẻ êm đềm, cổ kính của thủ đô lắm thăng trầm này có nét gì đó gợi nhớ đến Hà Nội.

Trên một bãi cỏ ở trung tâm thành phố chúng tôi vẫn bắt gặp vài chú cừu đang thong thả gặm cỏ. Phố xá sạch sẽ ít xe cộ, những chuyến tàu điện chầm chậm đi ngang qua các ngõ nhỏ vắng lặng yên bình.

Khu trung tâm mới của thành phố khá hiện đại với những tòa cao ốc sáng choang soi mình xuống hồ nước trong vắt của công viên cạnh bên.

Lối vào một lăng mộ

Tashkent có khá nhiều “bảo vật”, đó là các lâu đài, lăng mộ đồ sộ được xây bằng sa thạch, cẩm thạch, đá hoa cương với những trang trí hết sức lộng lẫy và tinh xảo.

Các cung điện Seikhantaur, Kaphan Sasi, Medrexe Barak-Khan, Kukeltasa được xây dựng vào thế kỷ XV, XVI cho du khách được tận mắt nhìn ngắm hình ảnh những đền đài xa hoa mà truyện Ngàn lẻ một đêm thường mô tả.  Xung quanh các công trình này là nhiều bí ẩn mà đến nay các nhà chuyên môn vẫn chưa giải thích hết được.

Một kiến trúc hiện đại mang tính nghệ thuật cao của Tashkent là ga tàu điện ngầm Alisher Navoi được xây năm 1977. Mỗi ga tại đây đều có thiết kế riêng độc đáo với phong cách nghệ thuật dân gian Trung Á thể hiện qua những chi tiết trang trí, tranh khảm rực rỡ trên tường.

Nhiều ga còn có đèn chùm pha lê tỏa ánh sáng vàng dịu xuống tường đá hoa cương sang trọng. Nhờ vậy, nơi đây được coi là một trong những hệ thống ga tàu điện đẹp nhất thế giới.

Samarkand, kinh đô của những đại đế

Là quốc gia phát triển nhất ở Trung Á, Uzbekistan thường tự hào về hệ thống đường sá được đầu tư tốt, trong đó có tuyến tàu cao tốc nối Tashkent với Samarkand, cố đô của nước này.

Trong hai giờ ngồi tàu cao tốc để vượt qua khoảng 350 cây số, chúng tôi hoàn toàn bị cuốn hút khi anh hướng dẫn viên kể về bề dày lịch sử và văn hóa với những thành tựu kiến trúc, tôn giáo và thiên văn học rực rỡ của Uzbekistan.

Phía Đông Uzbekistan chịu ảnh hưởng của Trung Quốc, phía Nam có nền văn hóa giống Ấn Độ, phía Bắc nước này giao lưu nhiều với văn hóa Nga và phía Tây mang nhiều hơi hướng Ả Rập.

Một góc Samarkand

Chợ Basar của Samarkand thể hiện rõ sự đa dạng và những ảnh hưởng của các nền văn hóa thông qua gương mặt, trang phục người mua kẻ bán cũng như những sản phẩm được bán tại đây.

Đời sống Uzbekistan còn thấp, phần lớn người dân sống bằng nông nghiệp. Tuy nhiên du khách phương Tây rất thích tiếp xúc với dân địa phương thông qua mua bán hoặc về làng quê chơi, ở homestay…

Người dân Uzbekistan hồn hậu, hiếu khách. Âm nhạc và trang phục của họ cũng rất đặc trưng. Tiết tấu rộn ràng của dân ca, hoa văn rực rỡ và tinh tế trên áo váy phụ nữ cùng nền văn hóa lâu đời đã tạo nên sự quyến rũ cho cuộc sống ở đây.

Samarkand có lịch sử lâu đời chẳng kém Roma hay Athens. Thời hoàng kim của ốc đảo trên sa mạc này diễn ra vào khoảng năm 1370 – khi Samarkand được coi là trung tâm chính trị và văn hóa của châu Á.

Alexander Đại Đế và Thành Cát Tư Hãn đã từng chinh chiến tại đây. Sau đó Timur Lenk – quốc vương của một vùng đất rộng lớn gồm Ba Tư và Mông Cổ, Trung Á, phần đông Trung Quốc và phần bắc của Ấn Độ đã chọn Samarkand làm thủ đô vương quốc của ông.

Quảng trường Registan

Sự phồn thịnh và quyền lực một thời của cố đô vẫn còn thể hiện nguyên vẹn ở Registan, quảng trường rộng lớn và làm choáng ngợp mọi du khách bởi những tòa tháp, mái vòm vương giả có tường, cột bằng đá cẩm thạch và hoa văn được cẩn bằng nhiều loại đá quý. Toàn bộ nền quảng trường rộng thênh thang cũng được lát bằng đá hoa cương nhẵn bóng.

Nhìn chi tiết, mỗi công trình xây dựng đều mang nhiều màu sắc, nhưng trong tổng thể, các gam màu này đều là những sắc thái khác nhau của sa mạc và bầu trời. Thế nên giữa đất bao la và trời rộng lớn, tác phẩm của con người trông vừa hài hòa vừa nổi bật.

Thánh đường Bibi Khanum tại đây là một trong những nhà thờ Hồi giáo lớn nhất trên thế giới. Bảo tàng trưng bày về triều đại của vua Timur Lenk cũng rất phong phú với nhiều hiện vật quý giá, tái hiện sống động thời oanh liệt của Samarkand.

Trong bảo tàng có ghi lại câu nói nổi tiếng của Uleg Beg, anh hùng lịch sử vùng Trung Á và cũng là cháu nội vua Timur: “Tôn giáo sẽ dần tan biến như màn sương, các vương quốc rồi cũng có lúc bị hủy diệt, chỉ có thành quả của các nhà khoa học là còn lại mãi mãi”.

Món ngon vùng Trung Á

Dạo chơi quảng trường chán, chúng tôi đến thăm khu phố buôn bán của người Do Thái. Đây có lẽ là khu vực giàu có nhất của cố đô với nhiều cửa hàng buôn bán đủ loại hàng hóa hấp dẫn. Đồ lưu niệm bằng đá ở đây rất tinh xảo nhưng tiếc là giá khá đắt.

Trang phục truyền thống của Uzbekistan

Trong Chiến tranh thế giới thứ II, gần nửa triệu người Uzbekistan đã thiệt mạng, nhưng may mắn chỉ có 300 người Do Thái phải bỏ sang nước khác. Có lẽ nhờ vậy mà Samarkandcòn giữ được vẻ náo nhiệt, sống động ở những khu chợ đầy màu sắc.

Trên đường phố, xe đạp và xe máy khá nhiều, thỉnh thoảng còn có cả xe ngựa thồ chở đầy nông sản túc tắc qua lại. Hàng rong ở Samarkand đặc trưng nhất với loại bánh tròn dẹt được nướng vàng óng, to bằng cái đĩa được xếp đầy sau những chiếc xe đạp.

Không từ chối được nụ cười tươi rói của một anh bán hàng trẻ, chúng tôi mua thử vài chiếc bánh. Bánh thơm nức mùi bột mì mới, ăn không cũng đủ ngon.

Sau này cả đoàn mới biết đây là leposka, một trong ba món ăn nổi tiếng của Uzbekistan. Hai món còn lại chúng tôi cũng được thưởng thức ngay trong buổi trưa hôm đó.

Nông thôn Uzbekistan

Món thứ nhất là thịt cừu loại ngon được ướp gia vị rất công phu rồi đem nướng bằng than hoa, khi ăn người ta rưới thêm tí giấm để thịt thêm phần đậm đà. Miếng thịt mềm, thơm nức mũi ăn với leposka quả là hấp dẫn.

Món thứ nhì là plov, một loại cơm trộn bao gồm gạo thơm, cà rốt, đậu hà lan và thịt cừu cho vào chảo gang rang trong nhiều giờ liền. Khi plov chín, đầu bếp cho hành, gia vị và xé tơi thịt rồi bày ra mâm.

Sau buổi chiều nghỉ ngơi chúng tôi lại có một bữa ăn khá thịnh soạn với thịt nướng, xúp, bánh kếp bí đỏ và các loại bánh địa phương. Anh hướng dẫn bảo rằng hôm nay chúng tôi cần được ăn uống và nghỉ ngơi nhiều để lấy sức, bởi chặng đường khám phá Uzbekistan thật ra chỉ vừa mới bắt đầu…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Uzbekistan, chiếc vương miện của Trung Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO