Để tiếp tục duy trì tăng trưởng, khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hợp tác xã phải đổi mặt với những khó khăn do đại dịch, biến đổi khí hậu, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, các hợp tác xã phải chuyển đổi mô hình theo hướng sản xuất bền vững, xanh hóa và ít phát thải, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng.
Đặc biệt, trong xu thế phát triển hiện nay, sản xuất xanh, ít phát thải và phát triển bền vững hiện đã trở thành mục tiêu mà nhiều quốc gia theo đuổi; trong đó có Việt Nam.
Thông tin này được ông Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh tại Hội thảo "Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu" do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (VCA) phối hợp với Đại sứ quán Anh tổ chức chiều 18/10 tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, tại Việt Nam, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã, là thành phần kinh tế quan trọng, luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích phát triển; xác định kinh tế tập thể là thành phần kinh tế phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hơn nữa, vừa phát huy vai trò của khu vực tư nhân, vừa tăng cường sức mạnh tập thể, cộng đồng, tăng sức mạnh của từng thành viên và của cả cộng đồng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Sau Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được ban hành ngày 16 tháng 6 năm 2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới, trở thành thành phần kinh tế quan trọng, cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Thế nhưng, do biến đổi khí hậu ảnh hưởng đối với các nước, đại dịch COVID-19 gây nên khủng hoảng kinh tế và đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Kinh tế thế giới và khu vực phục hồi chậm, liên kết và tự do hoá thương mại vẫn là xu thế chủ đạo, nhiều nước tăng cường bảo hộ thương mại; khoa học, công nghệ, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kinh tế số phát triển nhanh; phương thức kinh tế bao trùm, chia sẻ và xanh, cùng với đó là phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã diễn ra phổ biến ở nhiều nước.
Chính vì vậy, hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng nông nghiệp xanh, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam nói chung và của hợp tác xã tại Việt Nam nói riêng.
Đáng lưu ý, đây là dịp để giới thiệu giải pháp phát triển nông nghiệp xanh, sản xuất bền vững, ứng dụng công nghệ cao và ứng phó với biến đổi khí hậu cho hợp tác xã. Ngoài ra, hội thảo còn là cơ hội để các hợp tác xã tại Việt Nam và Anh trao đổi kinh nghiệm và xúc tiến thương mại trong thời gian tới.
Chia sẻ tại hội thảo về Cơ hội và thách thức trong phát triển hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Anh, bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng, Vụ thị trường châu Âu- châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh luôn tăng trưởng mạnh; trong đó Anh là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam với giá trị xuất khẩu đứng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; đứng thứ 5 trong số các quốc gia và vũng lãnh thổ khu vực châu Âu- châu Mỹ.
Ngoài ra, Việt Nam đứng thứ 22 trong số các nước xuất khẩu vào thị trường Anh; trong đó, các mặt hàng xuất khẩu tập trung chủ yếu vào thuỷ sản, cà phê, hạt điều, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, hạt tiêu, rau quả.
Đặc biệt, hai bên đã ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Vương Quốc Anh (UKVFTA) và chính thức có hiệu lực từ 1/5/2021. Theo đó, các mặt hàng nông sản, thực phẩm… sẽ có mức thuế được xóa bỏ hoàn toàn hoặc xoá bỏ dần theo hiệp định này.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Khánh Ngọc, hiện nay các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh khi xuất khẩu sang Anh đang là rào cản với nhiều doanh nghiệp Việt.
Bà Nguyễn Khánh Ngọc-Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương). |
Hơn nữa, kể từ ngày 1/1/2023, nhãn hiệu UKCA áp dụng bắt buộc tại Anh với hàng hóa lần đầu tiên đưa ra thị trường thay thế cho các nhãn hàng hóa trước đó đã lưu thông. Đây là nhãn hiệu chứng nhận hợp chuẩn theo tiêu chuẩn Anh. Nhãn hiệu này rất quan trọng đối với những doanh nghiệp đang xuất khẩu sản phẩm chế tạo sang thị trường nước này.
Năm 2021, UKCA đã được đưa vào sử dụng, tuy nhiên sau ngày 31/12/2022 bắt buộc mọi hàng hóa chế tạo phải sử dụng nhãn hiệu này để xuất khẩu vào Anh, trừ một số sản phẩm được luật quy định. Nhãn UKCA có quy định riêng về mẫu mã, hình thức và có thể do doanh nghiệp tự đánh giá hoặc bên thứ 3 đánh giá tùy theo yêu cầu của mặt hàng cụ thể.
Mặt khác, việc thiếu hụt nguồn vốn, người sản xuất, thương nhân hạn chế tiếp xúc với thông tin, cơ hội xuất khẩu cũng đang là khó khăn không nhỏ với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Anh.
Trong những năm tới, khu vực châu Âu; trong đó, có Anh tiếp tục được xác định là thị trường quan trọng, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển xuất khẩu. Năm 2022, trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã phê duyệt 10 đề án xúc tiến thương mại với tổng kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ là 15,93 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động tại thị trường châu Âu.
Phát biểu tại hội thảo, các diễn giả tập trung thảo luận vào các nội dung như Khung chương trình hợp tác FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc) – Việt Nam về phát triển bền vững; nông nghiệp xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại hợp tác xã; chính sách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững, ứng dụng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Ngoài ra, các đại biểu cũng chú trọng các vấn đề liên quan tới việc phát triển cà phê bền vững tại Việt Nam – khuyến nghị chính sách; xuất khẩu gạo của Việt Nam biến động trong đại dịch COVID-19 và chuyển đổi bền vững; các giải pháp năng lượng xanh của Anh về sinh khối và chất thải nông nghiệp, di truyền học và kết nối thương mại giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp giữa 2 nước.
Phiên thảo luận với Chủ đề: "Cơ hội cho các nhà xuất khẩu Anh trong chuỗi bán lể của Việt Nam - Ứng dụng công nghệ xanh tại Việt Nam và cơ hội tham gia thị trường quốc tế" với sự điều hành của ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) và ông Ronal Bohlander- Tham tán về Biến đổi Khí hậu, Đại sứ quán Anh.
Tại hội thảo, đại biểu đã cùng thống nhất việc phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, ứng công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu là xu hướng chung hiện nay, nhất là trong bối cảnh các nước đang phục hồi sau đại dịch COVID-19 và đang phải đối mặt với các biến đổi phức tạp của thời tiết.
Thông qua hội thảo, nhiều đề xuất về các giải pháp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào phát triển hợp tác xã tại Việt Nam được đánh giá rất khả thi và thiết thực. Bên cạnh đó, hội thảo cũng đã kết nối thành công được các hợp tác xã, doanh nghiệp của Việt Nam với các doanh nghiệp của Vương quốc Anh.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Viện Khoa học công nghệ và Môi trường với Công ty TNHH năng lượng tái tạo Qube (Anh) dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội./.