Từ việc gia công tại Trung Quốc...

ĐẶNG QUÝ YÊN| 21/07/2011 09:11

Những khó khăn của nền kinh tế hiện nay, từ lãi suất, giá nguyên liệu đến tiêu dùng... đang đè nặng lên vai doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, trong khi các DN Việt Nam đang ra sức cải tổ, tung ra sản phẩm mới, tạo giá trị cộng thêm cho sản phẩm của mình thì vẫn có một bộ phận tìm đến cách tháo gỡ khó khăn dễ dãi nhất: gia công tại Trung Quốc.

Từ việc gia công tại Trung Quốc...

Những khó khăn của nền kinh tế hiện nay, từ lãi suất, giá nguyên liệu đến tiêu dùng... đang đè nặng lên vai doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, trong khi các DN Việt Nam đang ra sức cải tổ, tung ra sản phẩm mới, tạo giá trị cộng thêm cho sản phẩm của mình thì vẫn có một bộ phận tìm đến cách tháo gỡ khó khăn dễ dãi nhất: gia công tại Trung Quốc.

Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 6 tháng đầu năm 2011 cho thấy, chỉ có 60% DN đăng ký kinh doanh đang hoạt động thực sự, tương đương với khoảng 360.000 danh nghiệp trong tổng số 580.000 DN trên cả nước. Từ đầu năm đến nay, số lượng DN ngừng hoạt động, giải thể, phá sản đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều sản phẩm nhựa được gia công tại Trung Quốc

Ghi nhận từ thực tế các hình thức ứng biến của DN, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho biết, hiện DN đang cầm cự sản xuất theo kế hoạch từng tuần. Số lượng DN giảm 50% - 70% công nhân đang rất lớn. Song song với cầm cự sản xuất, nhiều DN phải chuyển sang hình thức kinh doanh dịch vụ để tìm nguồn thu, “nuôi” ngược lại cơ sở sản xuất.

“Tuy nhiên, một thực trạng đau lòng là khá nhiều công ty hiện nay đã bán cho Trung Quốc hoặc chuyển sang gia công tại thị trường Trung Quốc”- bà Kim Hạnh chia sẻ.

Một chủ DN tiết lộ, để lấy được đơn hàng từ các thương hiệu Việt Nam, các DN Trung Quốc chấp nhận gia công với giá rẻ hơn 50 - 60% so với ở Việt Nam. Chỉ cần chuyển yêu cầu, thiết kế... các mặt hàng DN đang sản xuất sang, DN Trung Quốc sẽ cho ra đời các sản phẩm “sao y bản chính”, đóng gói chỉn chu nhãn mác của DN Việt Nam.

Với tình hình vốn vay ngân hàng khó và lãi suất cao như hiện nay, giao khoán việc sản xuất cho các DN Trung Quốc trở thành một lối thoát cho DN Việt Nam bởi chi phí giảm đáng kể trong khi bề mặt DN Việt trong nước vẫn ổn định, người dùng vẫn tin rằng, đó là sản phẩm của các thương hiệu Việt.

Theo thống kê của BSA, tình trạng DN Việt Nam đưa hàng sang Trung Quốc gia công đã và đang tăng mạnh, nhất là trong ngành may mặc, nhựa gia dụng...

Đáng ngại hơn, ở chiều ngược lại, việc DN Trung Quốc sang mua lại, thuê DN Việt Nam, đầu tư trái phép cũng đang diễn ra hết sức nhộn nhịp.

Vụ kiểm tra kho hàng của cơ sở Tấn Phúc, do chủ doanh nghiệp Han Zhuan Zhi đầu tư chui thời gian vừa qua, hay việc DN Trung Quốc sang thuê đất trồng khoai, xuất khẩu sang nước thứ ba ở các huyện Bình Tân, Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long là một ví dụ.

Theo tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương, trong 6 tháng cuối năm, DN sẽ phải đối mặt với tình hình càng khó khăn hơn bởi những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng kinh tế trì trệ như hiện nay vẫn chưa được giải quyết.

Hàng cấp thấp của Trung Quốc đã và đang len lỏi vào thị trường Việt Nam, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa. Với đà này, nếu DN Việt Nam cứ chấp nhận giao hàng cho Trung Quốc gia công, thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục mất thế chủ động ngay trên sân nhà.

“Khó khăn là cơ hội để cải cách và tái cơ cấu doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả, tìm kiếm công nghệ mới nếu thấy khó mà chọn cách dễ thì sau cơn bão kinh tế này, DN cũng sẽ khó lòng vượt lên được”- tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Từ việc gia công tại Trung Quốc...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO