Hạn chế “thân tình”

Luật sư ĐINH THỊ QUỲNH NHƯ| 08/07/2010 05:04

Vì nhiều lý do, loại hình được nhiều doanh nhân chọn khi khởi nghiệp là Công ty TNHH hai thành viên trở lên.

Hạn chế “thân tình”

Vì nhiều lý do, loại hình được nhiều doanh nhân chọn khi khởi nghiệp là Công ty TNHH hai thành viên trở lên. Sở dĩ nhiều người thích khởi nghiệp bằng loại hình này bởi đây là sự góp vốn kinh doanh của ít nhất hai doanh nhân có cùng mục tiêu, cùng chí hướng.

Đối với một doanh nghiệp (DN) trẻ, còn non kém trên thương trường và chưa có quá trình thử sức, thì chính sự chung sức này sẽ giúp DN mới ra đời mạnh về tài chính hơn và có được nhiều ý kiến giá trị hơn.

Những thành viên này thường là những bạn bè thân tín, những người cùng học chung một ngành nghề hoặc khác ngành nghề nhưng do mối quan hệ thân quen, hiểu, cần nhau và tìm đến nhau để chia sẻ ý tưởng, cùng nhau biến ý tưởng kinh doanh đó thành hiện thực. Và điều rắc rối đôi khi lại phát sinh từ sự “thân quen” này.

Có vô số việc một doanh nhân trẻ phải hoàn tất và họ thường đầu tắt mặt tối trong việc sắp xếp trụ sở hoạt động, tuyển dụng nhân sự, kết nối các đối tác tiềm năng, chuẩn bị lễ khai trương và rất nhiều các công việc không tên khác. Khi đó, họ xem việc đăng ký hoạt động cho DN chỉ là việc mang tính thủ tục. Thường việc này được các “ông chủ tương lai” giao cho một thành viên góp vốn tiến hành, hoặc giao cho một đơn vị tư vấn thực hiện.

Chính vì không am hiểu, thiếu kinh nghiệm và tin tưởng thân quen nên rất nhiều người trong số họ thường không đọc qua hồ sơ đăng ký hoặc chỉ đọc qua loa cho có và vội vàng ký trên hồ sơ đăng ký mà họ không biết rằng họ đang ký tên trên những văn bản cực kỳ quan trọng đối với DN. Nó quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình hoạt động và nó gắn liền với DN từ lúc nó “sinh ra” cho đến khi DN đó bị “khai tử”.

Có nhiều doanh nhân khi phát sinh tranh chấp đã tá hỏa lục tìm hồ sơ và phát hiện trước đây mình đã không giữ văn bản nào, rất khó khăn trong việc sao lục lại để nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình.

Đến khi DN không thể thành lập được do gặp phải một số vấn đề ngoài ý muốn, sự suy sụp do ý tưởng không biến thành sự thật, sự thất vọng có thể phát sinh và nhiều khoản phí khác đã chi nhưng không có cơ hội lấy lại đã dẫn những doanh nhân trẻ đến việc “quên trước quên sau” hoặc “cố tình quên”.

Trong tình thế này, tranh chấp là điều khó tránh khỏi, có thể có người mất tiền và hơn thế nữa, họ mất luôn cả một mối quan hệ dài ngày mà trước đây cùng bên nhau chia sẻ bao nhiêu ý tưởng và dự định tốt đẹp.

Những vấn đề trên đây chưa phải là tất cả những điều mà người khởi nghiệp phải lưu tâm, cũng chưa phải là vấn đề quá phổ biến, nhưng nó thật sự đã khiến cho rất nhiều bạn phải tiếc nuối thốt lên “phải chi...”.

Đã chọn con đường kinh doanh, đã dấn thân, khởi nghiệp, phải biết tự trang bị cho mình một cách làm việc “doanh nhân” mới có thể tránh những rủi ro có thể phát sinh và tạo dựng cho mình một DN mạnh, bền vững và phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hạn chế “thân tình”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO