![]() |
Vốn vào thị trường lớn trong quý I/2012 và những tháng đầu của quý II làm bất ngờ không ít nhà đầu tư (NĐT). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giao dịch của thị trường hiện nay thường phụ thuộc vào kỳ vọng tương lai hơn là tình hình thực tại. Do vậy, dường như thị trường khởi sắc có thể là do giới đầu tư đón đầu sự phục hồi của nền kinh tế.
![]() |
Vốn ngoại áp đảo
Nhìn lại trong cả quý I/2012, tổng giá trị mua ròng của NĐT nước ngoài đạt khoảng 1.400 tỷ đồng trên cả 2 sàn. Nếu không loại trừ chuyển nhượng ở STB từ ANZ cho EIB thì tổng giá trị mua ròng đạt xấp xỉ 3.000 tỷ đồng.
Giá trị mua ròng của khối ngoại trên sàn HNX chủ yếu đến từ vụ chuyển nhượng hơn 9,8 triệu cổ phiếu giữa Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền phong (NTP) và một công ty nhựa Thái Lan là The Nawaplastic Industries.
Các mã cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất là MBB (506 tỷ đồng), VCB (401 tỷ đồng), MSN (322 tỷ đồng), CTG (165 tỷ) và FPT (173 tỷ đồng).
Với FPT, vì được quỹ Orchid Fund mua mạnh từ cuối năm ngoái đến nay nên FPT đã không còn room (Orchid Fund hiện là cổ đông lớn nhất khi sở hữu gần 10% cổ phần của FPT). Ngược lại, cổ phiếu bị khối ngoại bán ra nhiều nhất là STB (gần 1.500 tỷ đồng).
Lượng bán này chủ yếu do ANZ đã bán lại 103 triệu cổ phiếu cho Eximbank và Temasek bán ra khoảng 20 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, HAG bị bán ra 26,4 triệu đơn vị và được mua vào 25,8 triệu đơn vị.
Lượng bán ra chủ yếu do Deutsche Bank thực hiện trong khi quỹ Vietnam Century Fund thuộc Jaccar Capital đã mua vào.
Ngoài ra, thời gian vừa qua liên tục xuất hiện những đồn đoán xung quanh thông tin quỹ đầu tư iShares đã tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Nếu tính thêm iShares thì TTCK Việt Nam đã có sự tham gia của 3 quỹ đầu tư chỉ số.
Trước đó, 2 quỹ đầu tư chỉ số FTSE Vietnam Index ETF và Market Vectors Vietnam ETF đã tiến hành rà soát và điều chỉnh danh mục đầu tư vào thời điểm cuối quý I/2012.
Tiền say đất
Trước động thái của khối ngoại, TTCK không chỉ tạo ra một giai đoạn tăng trưởng ấn tượng mà còn thể hiện được cổ phiếu của nhóm nào đang dẫn dắt thị trường. Theo thống kê trong hai tháng vừa qua, có đến 80% cổ phiếu đang niêm yết đều có xu hướng tăng.
Điểm đáng chú ý là những cổ phiếu thuộc nhóm ngành tài chính đã có sự phục hồi hết sức ấn tượng và là nhóm tăng mạnh nhất trên thị trường kể từ đầu năm đến nay. Bên cạnh đó, nhóm mã bất động sản (BĐS) khi tiếp tục được gom rất nhiều với hầu hết giá mua ở mức trần.
Cụ thể là SAM, QCG, VNE, LCG, HQC, NVT, PXL, QCG... nhiều phiên không còn dư bán. Việc Ngân hàng Nhà nước cởi trói lĩnh vực BĐS vốn đang trong giai đoạn khó khăn khiến nhóm cổ phiếu này lập tức được giới đầu tư đẩy lên cao, khi tâm lý hưng phấn lan tỏa trên thị trường.
![]() |
Chính sự hưng phấn đó mà giá cổ phiếu BĐS trên thị trường OTC cũng tăng nhẹ theo xu thế tăng giá của các cổ phiếu BĐS niêm yết.
Ví dụ, cổ phiếu QCG đã tăng từ đầu tháng 2, lên tới 43.000 đồng/cổ phiếu mà không có hàng để mua. Cổ phiếu của 584 tăng lên 27.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu của Eden từ 18.000 đồng/cổ phiếu lên 22.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu An Phú trước đó 19.000 đồng không có người mua, nay đã được đẩy lên 23.000-25.000 đồng. Cổ phiếu một công ty con của Sài Gòn Co.op Mart có đầu tư BĐS giá 24.000 đồng/cổ phiếu.
Các cổ phiếu của công ty có dính đến BĐS cũng đều tăng giá (KCN Long Hậu lên 57.000 đồng/cổ phiếu, KCN Tam Phước lên 22.000 đồng/cổ phiếu).
Một số cổ phiếu thuộc những ngành nóng hoặc sắp niêm yết cũng tăng giá trở lại, như Pomina tăng lại từ 49.000 đồng lên 51.000 đồng/cổ phiếu. PVGas D chuẩn bị niêm yết đã lên mức 66.000 đồng/cổ phiếu...
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, có một số ý kiến khuyến cáo NĐT nên thận trọng trước khả năng điều chỉnh do nhiều NĐT mua ở thời điểm giá thấp có thể chốt lời để hiện thực hóa lợi nhuận.
Mặt khác, dù kết quả kinh doanh khá tốt nhưng NĐT cũng nên theo dõi việc hạch toán lợi nhuận ở từng doanh nghiệp để có quyết định hợp lý nhất. Đối với NH, mặc dù rủi ro nợ xấu vẫn còn khá lớn nhưng NĐT vẫn tin tưởng vào đề án tái cấu trúc của NH Nhà nước sẽ cứu các NH vượt khó.
Bên cạnh đó, làn sóng sáp nhập các NH cũng làm cho giá cổ phiếu NH tăng mạnh. Nhiều NĐT lo ngại về sự “hưng phấn quá đà” với lợi nhuận lớn từ những khoản đầu tư rủi ro cao, đặc biệt trong lĩnh vực BĐS và chứng khoán.
Trên thực tế, có thể thấy dòng vốn chưa chảy vào sản xuất. Với lãi suất cho vay phổ biến vẫn rất cao (18-20%) và sức cầu của nền kinh tế thấp thì việc đẩy mạnh sản xuất có lẽ là không phải là lựa chọn của các doanh nghiệp.
Hiện tượng chứng khoán tăng mạnh mà không dựa vào sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp rất có thể sẽ khiến các thị trường nhanh chóng mất đà và quay đầu giảm.