“Không làm những việc quá tầm”

LỮ Ý NHI| 28/10/2010 00:26

Trong kinh doanh phải có mạo hiểm, càng mạo hiểm càng có cơ hội thu nhiều lợi nhuận, nhưng không được làm bừa mà phải biết kiểm soát xem có phù hợp với sức mình và nằm trong tầm tay không, chắc ăn 100% mới làm.

“Không làm những việc quá tầm”

Lần đầu tiên gặp ông Lê Chí Hiếu, tôi rất ngạc nhiên vì bên trong con người có vẻ nghiêm khắc, ít cởi mở lại là một tâm hồn nghệ sĩ (ông là thành viên của Hội Âm nhạc TP.HCM). Những trái ngược biểu hiện trong cùng một con người không khỏi khiến nhiều người thắc mắc về ông...

* Một tâm hồn nghệ sĩ và một cái đầu lạnh của nhà doanh nghiệp liệu có đối nghịch nhau trong một con người không, thưa ông?

- Không có gì là đối nghịch, ngược lại chúng hòa hợp và giúp tôi cân bằng tinh thần, giảm căng thẳng. Tôi có một nguyên tắc: đã làm việc thì phải tập trung, hết mình, tuân thủ nguyên tắc, không ép mình làm những việc quá tầm, bởi như thế sẽ tạo áp lực.

Nhưng khi rời công việc thì sống trọn vẹn với nhạc, với thơ, với bạn bè, người thân, với nhân viên và với cả chính mình.

Có lẽ sự cân bằng này đã giúp tôi có được một tinh thần vững vàng và một trái tim không bị già nua, cảm xúc không bị bào mòn trước thăng trầm của cuộc đời và sự khốc liệt của nghiệp kinh doanh.

* Liên tục nhiều năm liền đạt Danh hiệu “Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu” và năm nay ông lại vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng. trong niềm vui ấy, ông nhớ đến điều gì?

- Tôi nhớ đến những dự án chưa hoàn hảo, những thành công đáng nhớ và nhất là những khó khăn mà suốt 16 năm ở cương vị người đầu tàu, hầu như năm nào tôi cũng phải trải qua.

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM năm 1980, tôi làm việc trong ngành ngân hàng. Đến năm 1994 về làm Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển Nhà Thủ Đức (tên gọi của Thủ Đức House ngày trước).

Mười sáu năm là một chặng đường dài đầy thử thách mà tôi luôn phải gồng mình vượt qua. Tôi nhớ, những năm đầu tiên, khó khăn nhất là mọi thứ ở Công ty đều ngổn ngang, tinh thần nhân viên uể oải, nguồn vốn hạn hẹp, khó xoay xở. Vì vậy, công việc đầu tiên tôi phải làm là tạo ra hình ảnh mới cho Công ty, tìm ra đường lối chiến lược, tạo cảm hứng, truyền lửa cho anh em cùng đi theo mình.

Song song đó, tôi mạnh dạn huy động vốn để trang trải các khoản chi phí và lên chiến lược hoạt động, tiến hành cuộc “thay máu” về nhân sự.

Cũng thời kỳ này, tôi bị không ít người chỉ trích, cho là độc tài, chuyên quyền, nhưng để thay đổi tư duy từ cơ chế bao cấp sang thị trường, tôi không có cách nào khác ngoài việc phải dứt khoát, chấp nhận hành xử như một người mang trái tim lạnh, dù có những đêm thao thức hàng giờ vì cũng bị dằn vặt không ít.

Năm 2001 cũng là một cột mốc khó khăn khi tôi quyết định cổ phần hóa Công ty. Lúc đó vốn Công ty chỉ có 15 tỷ đồng, quy mô cũng chưa lớn nên nhiều người sợ, không dám mua cổ phần.

Tôi phải đích thân đi chào mời, kêu gọi mọi người tham gia. Cuối cùng, cổ phần hóa cũng thành công và đến nay vốn điều lệ của Thủ Đức House đã lên đến 378,75 tỷ đồng với trên 48% là cổ đông nước ngoài, vốn chủ sở hữu đạt hơn 1.200 tỷ đồng.

* Thế còn dự án đáng nhớ và... chưa hoàn hảo?

- Khi thực hiện dự án khu nhà ở Phước Bình, Phước Long với quy mô chỉ 4ha, nhưng giải tỏa một khu nghĩa địa với hơn 1.400 người đang sống chen chúc với mồ mả, rồi đủ các loại tệ nạn, nhiều anh em rất ngại và công việc cũng rất khó khăn, phải mất gần bốn năm mới giải tỏa xong mặt bằng.

Nhưng tôi cảm thấy dự án rất đáng nhớ vì nó mang ý nghĩa xã hội rất lớn, thay đổi được bộ mặt nhếch nhác của khu vực.đặc biệt, lần đầu tiên ở Thủ Đức, người dân bắt đầu có khái niệm về một chung cư văn hóa, xanh và sạch đẹp.

Hoặc như dự án chợ đầu mối Thủ Đức rộng 20ha, chúng tôi đã biến nơi đây từ một vùng đất ngập nước thành một khu chợ buôn bán nhộn nhịp, có quy củ, giải quyết việc làm cho nhiều người. Có thể nói, mỗi dự án đều mang lại cho tôi một niềm vui.

Riêng các dự án chưa hoàn hảo (nói vậy cho nhẹ) thực tế là những dự án bị sự cố như vụ chợ đầu mối Tam Bình, Thủ Đức bị lún, bị báo chí “đánh” tới tấp, tôi nhớ mãi và rút ra bài học: trong kinh doanh, từng ngày, từng giờ đều có tiềm ẩn rủi ro từ trên trời rơi xuống!

CHo nên, làm doanh nghiệp không chỉ cần có tiền, mà còn phải có cái đầu, có ý chí, sức chịu đựng, luôn trong tư thế đón nhận bất trắc và phải luôn tỉnh táo, bình tĩnh giải quyết khó khăn, phải biết biến họa thành phúc.

Song, quan trọng nhất là không được chủ quan, một sự cố xảy ra dù đã khắc phục ổn thỏa, nhưng tổn thất về uy tín là rất lớn.

* Xin lỗi ông, nếu dự án này giao cho một công ty nước ngoài có kinh nghiệm, liệu có xảy ra sự cố?

Trục tiếp tham gia thi công, kiểm tra công trình.

- Thật ra, trước khi thực hiện dự án chúng tôi đã biết trước tình trạng lún tự nhiên sẽ xảy ra, nhưng không lường được lại lún quá nhanh. Chúng tôi cũng đã có kỹ thuật để khắc phục là đóng cọc và đổ bê tông.

Tuy nhiên, cách làm này đòi hỏi thời gian dài, chi phí cao, trong khi mức kinh phí thành phố duyệt cho dự án có hạn, thời gian yêu cầu hoàn thành quá gấp nên chúng tôi chỉ có thể thực hiện công trình theo kỹ thuật đã thực hiện.

* Ông nói mỗi dự án đều mang lại một niềm vui, nhưng gần đây có vẻ như ông không còn mặn mà với những dự án mang tính xã hội tương tự như dự án Phước Bình, Phước Long, chợ đầu mối Thủ Đức... Vì lý do gì vậy, thưa ông?

- Tất cả những dự án giải tỏa, đền bù bao giờ cũng xảy ra khiếu nại và phải giải quyết rất phức tạp, có khi dây dưa hàng mấy năm chưa xong. Mặc dù các dự án này đều có chính sách đền bù, nhưng tâm lý người dân không bao giờ vui và thỏa mãn.

Thực tế, khi thực hiện các dự án, chúng tôi thường phải bù thêm cho dân gấp mấy lần khung giá Nhà nước quy định thì mới giải tỏa nhanh được. Trong số đó cũng có một vài hộ không chịu hợp tác, nên chúng tôi buộc phải cưỡng chế họ di dời.

Chưa kể có những dự án như ở Bình Chiểu, người dân còn kiện Công ty ra tòa. Tuy họ thua kiện, mình làm đúng luật, không sai và luôn xử lý khéo léo, không để bà con bị thiệt, nhưng sau mỗi lần như vậy, tôi lại cảm thấy lòng mình nặng trĩu, không vui.

Vì vậy, hướng đi mới của chúng tôi là hạn chế tham gia các dự án đền bù, mà chuyển sang liên doanh, liên kết với các dự án có quỹ đất từ các nhà xưởng cũ, đất không vướng đền bù, vừa đỡ nặng lòng lại không mất thời gian, sức lực giải quyết những chuyện linh tinh. Tuy nhiên, nếu có những dự án mang tính xã hội, vì môi trường an sinh, vì cộng đồng thì chúng tôi vẫn thực hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Không làm những việc quá tầm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO