Chấp nhận sự khác biệt để hòa hợp, hòa giải

LY LAM| 29/04/2010 05:45

Những ngày tháng Tư, dù ít dù nhiều, trong tâm trí của mỗi người Việt Nam, đặc biệt là những người từng sống trong thời khắc lịch sử 30/4/1975, đều nhớ về giai đoạn khó quên ấy.

Chấp nhận sự khác biệt để hòa hợp, hòa giải

Những ngày tháng Tư, dù ít dù nhiều, trong tâm trí của mỗi người Việt Nam, đặc biệt là những người từng sống trong thời khắc lịch sử 30/4/1975, đều nhớ về giai đoạn khó quên ấy.

Sau niềm vui thống nhất, non sông về một mối, những người Việt chung dòng máu đỏ da vàng, sống trong cùng một đất nước đã phải đối mặt với những xung đột, mâu thuẫn, xuất phát từ sự khác biệt về ý thức hệ và tâm lý cũng như hệ quả của việc “thắng - thua”, không dễ gì hòa hợp.

Với những người lòng nặng trĩu hận thù rời khỏi đất nước trong giai đoạn này để định cư tại nhiều nước trên thế giới, chủ yếu là Hoa Kỳ, hình thành nên một bộ phận người Việt hải ngoại, thì làm thế nào để hòa giải sự cách biệt, thù hận lại càng không đơn giản…

Thực ra, ước muốn hòa giải, hòa hợp dân tộc của chúng ta từng được đặt ra từ khi đất nước còn chưa thống nhất, ngay sau hiệp định Paris (1973), với việc ra đời của Hội đồng Hòa giải Hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần để lo tổ chức tổng tuyển cử, tái lập hòa bình.

Những năm sau Đổi mới, nhiều vị lãnh đạo đã quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này. Thế nhưng, 35 năm sau ngày đất nước thống nhất, dù chúng ta đã có những bước tiến dài trong việc hòa hợp, hòa giải nhờ vào những chính sách, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, được đặt ra trong nghị quyết của Đảng từ 1986 đến nay, thì quá khứ dường như vẫn chưa hoàn toàn được khép lại.

Có những khúc mắc nào khiến cho tất cả “con rồng cháu tiên” vẫn chưa nhìn cùng một hướng để chung tay xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, là niềm tự hào của mọi con dân Việt, dù ở trong nước hay nước ngoài?

Mong muốn giải đáp phần nào câu hỏi này, Doanh nhân Sài Gòn đã tổ chức một cuộc tọa đàm tại Press Café vào một chiều tháng Tư, với sự tham dự của bảy khách mời từng là chứng nhân lịch sử của giai đoạn 30/4/1975 trong những cương vị khác nhau.

Đó là kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn, người cao tuổi nhất, anh lính Điện Biên năm xưa, năm 1975 vào Nam với mục đích tiếp quản. Là ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, năm 1975 là Phó Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam. Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm những năm trước 1975 là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, một trong những lãnh tụ của phong trào đấu tranh đô thị ở miền Nam.

Ba người - luật sư Nguyễn Ngọc Bích, chuyên viên kinh tế Huỳnh Bửu Sơn và giảng viên Chương trình Fulbright Phan Chánh Dưỡng trước năm 1975 là những công viên chức, giáo viên của chế độ cũ. Sau 1975, luật sư Bích đi học tập cải tạo trong 12 năm, còn ông Sơn và ông Dưỡng sớm làm việc trong chế độ mới. Họ gặp nhau khi cùng sinh hoạt chung trong nhóm nghiên cứu kinh tế Thứ Sáu.

Người cuối cùng, trẻ nhất, là ông Trần Sĩ Chương, sang Mỹ du học từ năm 1973, chứng kiến sự kiện 30/4/1975 từ nước Mỹ. Ông Chương là một chuyên gia kinh tế sống và làm việc nhiều năm ở xứ người. Từ đầu những năm 1990 đến nay, ông rất tích cực trong việc
giúp đất nước hội nhập kinh tế với bên ngoài, làm cầu nối giao thương cho các doanh nhân Mỹ - Việt.

Vì sao phải hòa hợp, hòa giải? Chuyện “thắng - thua” và đấu tranh giai cấp

Không khí thân tình, vui vẻ và cởi mở đến ngay từ đầu. Luật sư Nguyễn Ngọc Bích khi được mọi người mời “đi trước” đã dí dỏm: “Nếu không có dịp ngồi với nhau như thế này, thì khi ông Bích tình cờ gặp ông Đằng, ông Mẫm ở đâu đó, rất có thể chúng ta chỉ đứng xa mà nhìn thôi, chứ không thể cùng chia sẻ với nhau những trải nghiệm, suy nghĩ về một vấn đề lớn của đất nước như hôm nay”.

Ông Nguyễn Ngọc Bích

Mọi người cười xòa. Ông Bích lại hóm hỉnh “nếu”: “Nếu cuộc nói chuyện này lùi lại ba mươi lăm năm, chắc chắn anh Đằng, anh Mẫm hay anh Huấn sẽ là người nói, còn chúng tôi sẽ phải ngồi yên mà nghe. Nay các anh vui vẻ cho tôi nói trước, chứng tỏ chúng ta đã hiểu nhau, quý nhau, thực sự hòa hợp. Đây là dịp tốt để chúng ta chia sẻ những suy nghĩ, mong mọi người cũng sẽ đạt được sự hòa hợp như vậy”.

Đi vào vấn đề, ông Bích cho rằng có một thực tế là có những người Việt ra đi năm 1975 vẫn mơ về một nước Việt Nam giống như trước, nên chỉ trích nhà nước hiện nay dựa trên điều họ mơ ước đó. Với những người này, rất khó có một sự hòa giải.

Về mặt vật chất họ thật đầy đủ nhưng chính vì thế mà sự đau khổ về mặt tinh thần của họ chẳng hề nguôi. Và bao lâu cái sau còn thì nguyên nhân gây ra nó sẽ không bao giờ mất.

Với họ, mọi sự hòa hợp, hòa giải đều vô ý nghĩa. Nhưng lớp người này sẽ ngày càng ít đi. Một lớp người khác, theo ông Bích, chỉ mong một nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh khiến họ có thể hãnh diện.

Chúng ta có cơ hội để hòa giải với họ. Rồi có những người còn tích cực hơn, luôn tìm cơ hội để góp sức mình cho đất nước. Riêng với thế hệ sinh ra và lớn lên sau 1975, thì tuyệt đại đa số không quan tâm đến chính trị, nên không cần đặt nặng chuyện hòa giải. Về sự hòa hợp giữa những người trong nước, ông Bích nói:

- Tôi cho rằng cách xử sự với người bại trận là thiếu độ lượng. Mãi tới sau Đổi mới, tình trạng này mới giảm dần. Theo tôi, hòa hợp dân tộc phải do người chiến thắng chủ động tiến hành, trước hết là hòa hợp với người đã khuất. Thế nhưng chúng ta làm việc này chậm quá. Mãi gần đây chúng ta mới dân sự hóa nghĩa trang Biên Hòa, nơi chôn cất tử sĩ Việt Nam cộng hòa.

Ông Lê Hiếu Đằng

Ông Lê Hiếu Đằng lắng nghe rất chăm chú, rồi tiếp lời: “Như anh Bích nói, nếu như rất nhiều người chiến bại vẫn mơ về một thể chế như chế độ cũ, thì trong số những người chiến thắng, cũng có người không đặt lợi ích dân tộc lên trên, do đó chuyện hòa giải, hòa hợp vẫn chưa đi vào thực chất. Hàng chục năm sau ngày đất nước thống nhất rồi mà đó đây vẫn còn tình trạng kỳ thị, dò xét đối với những người từng làm việc cho chế độ cũ”.Lặng đi một chút, ông nói:

- Tôi cho rằng câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phản ánh một thực tế rất nhân văn, rằng “ngày 30/4 đến, có một triệu người vui, nhưng cũng có một triệu người buồn”. Có người không hài lòng với câu nói này, nhưng phải thừa nhận rằng chính vì có thực tại khách quan đó mới có chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc chứ? Trong thời chiến tranh, biết bao gia đình có anh em, cha con ở hai chiến tuyến khác nhau? Phải đặt lợi ích đất nước lên trên, xem hòa giải, hòa hợp dân tộc là động lực để đoàn kết mọi người, xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, như di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nếu như cách đặt vấn đề của luật sư Nguyễn Ngọc Bích có chút trách móc của “người bên kia”, thì kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn cũng sâu sắc không kém, khi bắt đầu phản biện. Ông nói:

“Anh Bích cho rằng người chiến thắng thiếu độ lượng vào thời điểm ấy, theo tôi, là chỉ thấy được tính đấu tranh dân tộc mà không thấy được tính đấu tranh giai cấp. Chiến thắng năm 1975 chỉ là một nửa chặng đường, hoàn thành mục tiêu thống nhất đất nước. Mục tiêu sau đó của chúng ta là xóa đi phương thức sản xuất cũ để xây dựng phương thức sản xuất mới. Muốn xây dựng được, phải có những con người mới, nên “chúng tôi” (ông Huấn cười hóm hỉnh) không chỉ đưa anh đi cải tạo, học tập, mà còn tiến hành cải tạo tư sản, hợp tác hóa nông nghiệp…

Mọi người đều cười thú vị. Ông Huấn phân tích tiếp:

Ông Nguyễn Trọng Huấn

- Thời điểm ấy, Việt Nam đang ở trong một vòng xoáy mang tính nhân loại; không khí ấy, quan điểm ấy đã ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động của chúng ta. Hai cuộc đấu tranh chống Pháp và Mỹ được tiến hành dưới nhãn quan của đấu tranh giai cấp, chúng ta là một bộ phận trong cuộc đấu tranh giai cấp trên toàn thế giới. Vì vậy, giải phóng miền Nam thì đâu đã xong, người chiến thắng còn phải đập tan lực lượng đối kháng, cải tạo nông ghiệp, cải tạo tư sản,... Kêu gọi sự độ lượng khi ấy có nghĩa là chỉ nhìn cuộc đấu tranh dưới góc độ “hai phe, hai miền”, mà không thấy rằng đó chỉ là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp.

Ông Huấn làm mặt nghiêm, nhìn ông Bích: “Nên chúng tôi phải cải tạo các anh”, nhưng rồi lập tức tủm tỉm cười: “Giờ chúng ta ngồi đây, không giai cấp, Bắc Nam gì cả, tôi xin uống với anh một ly” và đưa ly lên. Diễn tiến ấy đã tạo nên những tiếng cười vui vẻ.

Bởi vậy, ông Huấn trở lại vấn đề, nếu nhìn lại, tôi cũng đồng cảm với những gì anh Bích nói, nhưng trong không gian lịch sử đó, hoàn cảnh đó, theo tôi là khó thể khác được. Nước ta có vị trí địa chính trị quá đẹp, đặt chân vào thì có thể khống chế cả châu Á, nên bị các thế lực hùng mạnh giằng xé, tranh chấp. Việc chúng ta phải đối đầu là không tránh khỏi, chứ không phải tại miền Bắc miền Nam không hòa hợp.

Chuyện lớn hơn: hòa hợp cả dân tộc cho mục tiêu phát triển đất nước, sự thiện tâm và thành ý

Ông Huỳnh Bửu Sơn tỏ ra rất tâm đắc với những phân tích của ông Huấn. Ông thành thật:

- Phân tích của anh Huấn quá sâu sắc, lý giải được vì sao chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc của chúng ta lại gặp khó khăn như thế. Đúng là người chiến thắng không phải không biết chuyện cần phải bao dung, độ lượng. Biết nhưng không làm được, vì vướng phải vấn đề giai cấp. Đối với phần còn lại của thế giới, chúng ta rất dễ dàng nói câu “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, vì chúng ta không phải cải tạo họ, nhưng với người cùng một nước thì chưa phải như thế.

Ông Huỳnh Bửu Sơn

Dù vậy, theo ông Sơn, với người dân bình thường trong cộng đồng, có lẽ không ai cần phải nói thêm gì cả, họ đã ngồi lại với nhau, vui vẻ. Có thể lúc đầu cũng có bất đồng quan điểm, nhưng dần dần năm tháng đã xóa nhòa đi.

Ông nói tiếp: “Chúng ta chỉ nghĩ rằng phải ngồi lại để đóng góp chút gì cho đất nước. Chúng ta cùng ngồi đây là đã có sự hòa hợp. Lớp trẻ trong nước cũng như hải ngoại không còn coi nặng chuyện ngăn cách, thắng thua; sự giao lưu giữa họ với nhau là rất tự nhiên, không còn chia rẽ, phân biệt. Với góc nhìn ấy, thì sự hòa giải, hòa hợp thắng - thua ngày xưa không còn là vấn đề nữa. Vấn đề bây giờ là phải cho giới trẻ nói riêng, mọi người nói chung một mục tiêu chung - sự cường thịnh của đất nước, của cộng đồng dân tộc - để kết nối họ lại với nhau”.

Mọi người cũng đồng tình với quan điểm này, bởi suy cho cùng, đích đến của việc hòa hợp, hòa giải dân tộc chính là tạo sự đồng thuận để phát triển đất nước. Thế nhưng, theo ông Lê Hiếu Đằng, rất nhiều điều chúng ta còn làm chưa tốt, trong đó có khâu nhân sự, tổ chức cán bộ, mà đó chính là cái gốc của vấn đề hòa hợp. Ông Đằng nhấn mạnh:

- Chúng ta phải đặt quyền lợi đất nước lên trên, thực hiện quyết liệt nhiều chính sách, đặc biệt là đãi ngộ trí thức, trọng dụng trí thức ngoài đảng. Nếu không, khó mà huy động được đội ngũ trí thức, chuyên gia có tấm lòng với đất nước, trong cũng như ngoài nước.

Với những việc lớn như nhân sự lãnh đạo, ông Trần Sĩ Chương chỉ là người ngoại đạo. Bởi vậy, khi tham gia vấn đề, ông bắt đầu bằng việc cho rằng nhu cầu và bản chất của hòa hợp, hòa giải sẽ biến đổi theo thời gian và không gian. Cho nên lý do của vấn đề hòa hợp, hòa giải như vào năm 1975 là không còn nặng nề như trước nữa. Ông nói:

“Hòa giải là một nhu cầu tất yếu, để các thành phần xã hội có thể xóa đi khoảng cách, để đến được với nhau, để cùng hợp tác vì lợi ích chung. Nhưng tôi nhìn nhận vấn đề hòa giải ở một khía cạnh khác.Như các anh đã nói, chúng ta chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh, và biến cố 1975 là quá lớn với bất cứ đất nước nào, đặc biệt lại được làm đậm thêm bởi việc có những người phải vượt biển ra đi. Nhưng đã ba mươi lăm năm rồi, chuyện xưa ngày càng lu mờ. Tôi nghĩ việc hòa hợp, hòa giải bây giờ không phải là vấn đề ý thức hệ nữa, mà phải có thiện tâm và thành ý.

Vậy mà khi Nhà nước thể hiện được sự thiện tâm thì có lúc lại thiếu đi thành ý hay được hiểu là không có thành ý, vì lời nói và hành động không đi đôi với nhau. Đấy chính là vấn đề của chúng ta ngày nay, giữa người Việt với nhau. Thiếu sự thiện tâm thì khó thể nghĩ tốt về nhau, cùng nhau hướng về một mục tiêu chung.

Không có thành ý sẽ không tạo được lòng tin; không có lòng tin sẽ tạo ra khoảng cách. Tôi nghĩ vấn đề hòa hợp, hòa giải là một vấn đề chung của xã hội hiện nay, chứ không hẳn chỉ với những người đã bỏ xứ ra đi”.

Để dẫn chứng, ông Chương đưa ra vài ví dụ về những gì chúng ta chưa làm tốt trong công tác Việt kiều. Khi Chủ tịch nước qua Mỹ nói chuyện với kiều bào, điều đọng lại trong họ là “Việt kiều có quyền mua nhà”. Thế nhưng, thực tế không dễ như vậy, khi đến nay cả nước mới chỉ có hơn 100 Việt kiều mua được nhà. Rồi khi đặt vấn đề miễn visa cho Việt kiều, thì thực ra lại làm cho việc đó trở nên khó khăn hơn. Ông Chương kết luận:

Ông Trần Sĩ Chương

- Tôi lần đầu tiên vào một văn phòng Ủy ban người Việt ở nước ngoài, thấy băng-rôn “Người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc”, thì thấy rằng chủ trương này quá hay, nhưng làm sao để lời nói và hành động khớp với nhau thì chưa có!

Nhưng nếu nhìn lại thì vấn đề này đối với Việt kiều cũng không phải là một hoàn cảnh cá biệt. Biết bao chủ trương tốt, hoàn toàn đúng đắn - từ bảo vệ môi trường, đến giáo dục, y tế,… ngay trong nước - nhưng kết quả lại chưa được tốt vì gặp nhiều vấn đề trong việc triển khai. Chủ trương, lời hứa, cam kết nếu được triển khai đúng đắn, với thành ý, thì sẽ là một tiền đề quan trọng cho sự hòa hợp, hòa giải, chứ không phải vấn đề ngày 30/4 nữa.

Xây dựng ngôi nhà chung – Đất nước

Dường như trước bất cứ một hiện tượng, hoàn cảnh xã hội nào, ông Phan Chánh Dưỡng cũng có thể hình tượng hóa thành một sự việc dễ thấy, dễ hình dung, và lần này cũng vậy. Cuối buổi tọa đàm, ông mới lên tiếng:

- Tôi hình dung nước ta trước năm 1975 giống như một ngôi nhà lớn, dột lỗ chỗ khắp nơi, khiến nhiều người sống trong đó bị dột. Những người trong nhà chia làm hai nhóm, một bên đòi phá nhà đi để xây cái mới, bên kia cho rằng “không cần, dột chỗ nào thì che chỗ đó lại là được rồi”.

Bên đề nghị phá nhà đa phần là những người thực sự bị dột, nhưng cũng có nhiều người chẳng bị dột mà chỉ nghĩ rằng nếu làm nhà mới sẽ tốt hơn nhà cũ. Bên kia cũng vậy, nhiều người không muốn phá vì bản thân không bị dột và có người dù đang ở chỗ dột nhưng suy nghĩ “che chỗ dột là được rồi, phá nhà ra xây lại chắc gì đã tốt hơn”.

Ông nói tiếp: “Ở đây, chúng ta không đề cập nguyên nhân vì sao nhà lại dột. Tôi không đi sâu vào ý thức hệ, và cho rằng năm 1975 là tận cùng của sự dột và bên đòi phá nhà để xây mới đã chiến thắng. Thời gian đầu, những ai thuộc bên “không phá nhà” không được tham gia xây nhà mới. Những người xây nhà bắt đầu tiến hành xây dựng và nghĩ rằng sẽ xây được một nhà lầu to đẹp.

Ông Phan Chánh Dưỡng

Một thời gian sau, thấy nhà dựng lên không được như ý mà muốn xây cho đẹp hơn thì không đủ lực, họ nghĩ trong những thành viên của ngôi nhà trước đây, ắt có nhiều người có khả năng xây được nhà đẹp, nên mới nói rằng “có ông nào muốn cùng xây ngôi nhà mới này không?”. Vậy là bắt đầu hòa hợp, một cách từ từ.

Việc chung tay xây dựng ngôi nhà - đất nước là động lực tạo nên sự hòa hợp. Động lực vì cái nhà, chứ không còn vì bên này bên kia gì cả. Từ từ cơm áo gạo tiền khá hơn, cái nhà đã xây xong, không còn dột nữa, khá hơn cái nhà cũ trước đây rất nhiều”.

Ông Huỳnh Bửu Sơn tán thưởng sự ví von của ông Dưỡng bằng cách góp thêm ý: “Vấn đề hôm nay là liệu những người đang xây nhà có hòa hợp với mục tiêu chung là xây một ngôi nhà thật đẹp, thật tốt cho mọi người cùng ở hay không. Và điều quan trọng hơn, người chủ đầu tư phải sử dụng công nhân giỏi, mời được kiến trúc sư, kỹ sư giỏi, người quản lý, phụ trách vật tư tận tâm, trung thực… thì mới xây được căn nhà đẹp, bền vững. Được vậy thì mọi người trong căn nhà đều hưởng lợi”.

Và để kết luận, ông Sơn cho rằng hòa hợp, hòa giải không phải xóa bỏ cái khác biệt, mà là chấp nhận cái khác biệt. Đó là yếu tố cần thiết để xây dựng được một sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân tộc, trong đó Nhà nước và người dân có sự tín nhiệm với nhau và cùng hành động vì quyền lợi tối thượng của đất nước và dân tộc.

Câu chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc nhân ngày 30/4 đã kết thúc trong niềm hy vọng về một sự đồng thuận của dân tộc, như là kết quả của một sự hòa hợp thật sự. Được như vậy, ngôi nhà chung - đất nước sẽ ngày càng đàng hoàng, to đẹp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chấp nhận sự khác biệt để hòa hợp, hòa giải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO