Theo bác sĩ chuyên khoa II Võ Đức Chiến - Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương: “Chậm tăng trưởng chiều cao là vấn đề nội tiết phổ biến trong nhi khoa. Ngoài yếu tố di truyền, dinh dưỡng, bệnh nội khoa thì thiếu hụt hormone là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới chậm phát triển chiều cao ở trẻ em.
Song, đây là bệnh lý tương đối hiếm nên nhận thức về bệnh này trong cộng đồng chưa cao. Khá nhiều phụ huynh thấy con mình thấp hơn so với bạn bè đều nghĩ rằng con bị thiếu dinh dưỡng hoặc do di truyền. Một số phụ huynh khi đưa con đi khám, bác sĩ khẳng định bé không suy dinh dưỡng. Chế độ ăn của bé đủ chất, uống sữa đầy đủ, chơi thể thao đều đặn nhưng bé vẫn mãi không cao và phu huynh không biết phải làm gì nữa.
Vì vậy, từ năm 2017 đến nay, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã có chương trình khám tầm soát và chụp X-Quang xương bàn tay miễn phí cho trẻ thiếu hormone tăng trưởng. Năm 2017, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã tầm soát miễn phí cho gần 200 trẻ với 10 trẻ được chỉ định điều trị.
Năm 2018 tầm soát gần 350 trẻ và có 21 trẻ được chỉ định điều trị. Năm nay, bệnh viện sẽ khám và tầm soát miễn phí cho tất cả trẻ em chưa dậy thì có nhu cầu vào các buổi sáng thứ bảy và chủ nhật từ 8/6 đến 27/7/2019.
Bác sĩ điều trị Khoa Nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Nguyễn Thị Thư Hương cho biết: “Biểu hiện bên ngoài bệnh thiếu hormone tăng trưởng không có gì đặc biệt ngoài vấn đề chiều cao. Vì vậy, khuyến cáo các bậc cha mẹ nên đo chiều cao cho trẻ mỗi 6 tháng/lần hoặc tốt nhất là 3 tháng/lần và vẽ lên biểu đồ tăng trưởng của WHO.
Nếu phát hiện chiều cao của bé nằm < -2SD hoặc tốc độ tăng trưởng ≤ 2cm/6 tháng, có nghĩa là chiều cao của bé đang có dấu hiệu bất thường. Lúc này cha mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ nhi tổng quát, bác sĩ dinh dưỡng. Nếu xác nhận bé không có bệnh lý, không bị suy dinh dưỡng thì nên đưa bé đi khám bác sĩ nội tiết để được thăm khám các bệnh lý về nội tiết, đặc biệt là bệnh lý thiếu hormone tăng trưởng gây ảnh hưởng sự phát triển chiều cao của trẻ.
Qui trình thông thường là bé sẽ được chụp X-Quang xương bàn tay trái, làm các xét nghiệm máu cần thiết, chụp MRI sọ não. Điều trị bệnh lý này là bằng đường tiêm, vì vậy cần tiêm thuốc đều đặn theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, khi điều trị thay thế bằng hormone tăng trưởng, để đạt được hiệu quả tối ưu thì việc điều trị đúng thời điểm, đúng liều lượng là rất quan trọng.
Trẻ nên được phát hiện sớm và được điều trị trước tuổi dậy thì. Tốt nhất là điều trị trong khoảng độ tuổi từ 4-13 tuổi. Nếu qua “thời gian vàng” này, các sụn xương của trẻ sẽ đóng lại, dẫn đến việc dùng hormone tăng trưởng sẽ không còn tác dụng.