Tokyo trưng bày các xu hướng thời trang từ Thế chiến thứ II

Hồng Như| 15/07/2021 05:17

Trung tâm Nghệ thuật Quốc gia ở Tokyo đang tổ chức Triển lãm thời trang Nhật Bản, trưng bày quần áo và các mặt hàng thời trang khác từ Thế chiến II cho đến ngày nay.

Tokyo trưng bày các xu hướng thời trang từ Thế chiến thứ II

Toàn cảnh triển lãm "Thời trang Nhật Bản 1945 - 2020"

Từ trang phục chiến tranh do nhà nước ủy quyền từ giữa những năm 1940 đến phong cách Lolita, hơn 800 sản phẩm tại triển lãm Thời trang Nhật Bản 1945 - 2020 mang đến cảm giác hồi tưởng thú vị và hấp dẫn cho khách tham quan. Yayoi Motohashi - Giám đốc Trung tâm nghệ thuật Quốc gia cho biết: “Điểm độc đáo của triển lãm này là có thể khắc họa khái quát lịch sử thời trang Nhật Bản trong một khoảng thời gian rất dài. Đồng thời giúp người xem có thể nhìn lại quá khứ để tìm ra một phong cách thời trang lý tưởng nhất”.

Triển lãm khai mạc với phần giới thiệu những bức ảnh chụp từ những năm 1920, cho thấy phụ nữ Nhật Bản là “những cô gái hiện đại”, bắt chước phong cách của các ngôi sao điện ảnh Mỹ. Khi Nhật Bản tham chiến vào những năm 1940, nam giới mặc Kokuminfuku - một kiểu trang phục quân sự theo phong cách Châu Âu - hoặc đồng phục do nhà nước quy định, còn nữ thì mặc quần dài khi đi làm việc. Những trang phục này tạo cảm giác thoải mái và dễ dàng di chuyển hơn khi mặc kimono nên mọi người dần bắt đầu chuyển hướng khỏi trang phục truyền thống.

Trang-phuc-san-khau-do-Kansai-2705-2625-

Trang phục sân khấu do Kansai Yamamoto thiết kế cho ngôi sao nhạc rock người Anh David Bowie

Sau chiến tranh, nghề may váy tại Nhật bỗng trở nên phổ biến, các tạp chí thời trang xuất hiện và ảnh hưởng đến văn hóa thời trang nói chung. Giữa những năm 1950, điện ảnh Nhật Bản bước vào giai đoạn hoàng kim, vì vậy, phong cách các ngôi sao trên màn ảnh đã tác động đến phong cách thời trang đường phố và đi sâu vào thời trang đại chúng. Tại triển lãm, trang phục trong các bộ phim như Kimi no na wa (What Is Your Name?) năm 1953 và Kurutta kajitsu (Crazed Fruit) năm 1956 được giới thiệu.

Vào những năm 1960, chất liệu rẻ tiền không nhăn như nylon và polyester được phổ biến rộng rãi, dẫn đến sự bùng nổ của quần áo giá rẻ, các thiết kế đặt làm riêng cũng dần được ưa chuộng. Giai đoạn này, Nhật Bản đã có tivi màu, người dân có thể xem các phim điện ảnh châu Âu và một lần nữa phong cách thời trang của diễn viên ảnh hướng đến thời trang đại chúng. Bấy giờ, váy ngắn của Anh trở thành lựa chọn của phụ nữ, phong cách Ivy League trở nên chủ đạo với nam giới.

Trang-phuc-trong-phim-Kimi-no-4686-7136-

Trang phục trong phim "Kimi no na wa" năm 1953 và "Kurutta kajitsu" năm 1956

Điểm nổi bật trong triển lãm là trang phục sân khấu do Kansai Yamamoto thiết kế cho ngôi sao nhạc rock người Anh David Bowie vào những năm 1970. Bộ sưu tập bao gồm một bộ jumpsuit sọc và chiếc quần leotar dùng trong biểu diễn được dệt kim không đối xứng với màu sắc rực rỡ. 

Đến những năm 1980, các nhãn hiệu như Comme des GarconsYohji Yamamoto đã thành công nhờ những thiết kế táo bạo và mang tính biểu tượng cao. Thời điểm đó, phong cách quần áo cùng kiểu tóc đặc biệt của ca sĩ Seiko Matsuda và các thần tượng khác làm mưa làm gió trong làng thời trang. Trong số những bộ quần áo được trưng bày có trang phục sân khấu của ca sĩ nhạc pop Kyoko Koizumi trong chương trình truyền hình Kohaku Uta Gassen (Red and White Song Battle).

Chinh-phu-yeu-cau-hau-het-moi-2243-9194-

Chính phủ yêu cầu hầu hết mọi người mặc quần áo tiện dụng nhưng buồn tẻ trong Thế chiến thứ hai

Thời trang năm 1990 dần quay về với phong cách bản địa và văn hóa tại các khu vực lân cận. Điển hình là Undercover và một số thương hiệu khác có trang phục được trưng bày trong triển lãm giai đoạn này bắt đầu gắn liền với một khu vực của quận Harajuku, Tokyo.

Thoi-trang-Lolita-va-Gothic-ph-9157-4667

Thời trang Lolita và Gothic phổ biến với một số thanh niên Nhật Bản trong TK XXI

Vào những năm 2000, văn hóa đại chúng Nhật Bản nghiên về kawaii, hay còn gọi là phong cách dễ thương. Với sự ra đời của phương tiện truyền thông xã hội vào những năm 2010, thời trang trong nước đa dạng hóa rất nhiều, thích ứng với các xu hướng từ nước ngoài hơn là truyền thống. Đồng thời, một số thương hiệu xa xỉ bắt đầu đón nhận thời trang đường phố.

Bên cạnh việc trưng bày và đón khách tham quan, triển lãm còn dành một phần để xem xét về tính bền vững và sức hấp dẫn của các phong cách thời trang trong giai đoạn hiện tại. Bằng chứng là ngày càng có nhiều người lựa chọn trang phục không phải vì xu hướng mà là vì các giá trị đằng sau cũng như câu chuyện mà thương hiệu gửi gắm. 

Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 6/9, mở cửa cho tất cả đối tượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tokyo trưng bày các xu hướng thời trang từ Thế chiến thứ II
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO