Thực vay chưa gặp thực giảm

HOÀNG VŨ| 25/07/2013 09:07

Trong mấy ngày gần đây, các ngân hàng (NH) ồ ạt giảm lãi suất cho vay, tạo nên một mặt bằng lãi suất hấp dẫn trên thị trường. Song, thực tế thì lãi suất không thực giảm như công bố.

Thực vay chưa gặp thực giảm

Trong mấy ngày gần đây, các ngân hàng (NH) ồ ạt giảm lãi suất cho vay, tạo nên một mặt bằng lãi suất hấp dẫn trên thị trường. Song, thực tế thì lãi suất không thực giảm như công bố.

Đọc E-paper

Techcombank công bố sẽ giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa (DNNVV) trong mọi ngành nghề xuống còn 8,5%/năm. Nhiều NH khác cũng cho biết đang áp dụng mức lãi suất thấp, chẳng hạn tỷ lệ ở VIB công bố là 7,77%/năm, VPBank là 6%/năm, ở Vietcombank 7,5%/năm...

Đối với khách hàng cá nhân, các NH này cũng tiếp tục ưu đãi ở mức tối đa bằng lãi suất 0% trong 6 -12 tháng đầu. Đó là chưa kể bây giờ người vay còn được tặng quà, tích điểm... giống như khi gửi tiết kiệm.

Theo các NH, việc xác lập mặt bằng lãi suất mới không ngoài mục tiêu hỗ trợ DN trong thời điểm trọng yếu của chu kỳ kinh doanh năm 2013. Nói như bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Phó giám đốc Khối Khách hàng DN Techcombank "Để hỗ trợ khách hàng, NH đang chấp nhận thu hẹp lợi nhuận".

Bằng chứng với lãi suất cho vay còn 8,5%/năm theo chương trình mới thì chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động mà Techcombank thu được ở mức rất thấp, chỉ khoảng 1,2%/năm (hiện NH đang huy động vốn với lãi suất từ 6,8 - 7,3%/năm cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng).

So với mặt bằng chung là khoảng 1,9%, mức lợi nhuận biên này chỉ bằng 2/3. So với bình quân năm 2012 thì mức chênh lệch này chỉ bằng một nửa và bằng 1/3 của những năm trước.

Tín dụng hiện nay của toàn hệ thống mới tăng trưởng 3,5% so với cuối năm 2012. Do vậy, để thực hiện được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12%, các ngân hàng thương mại (NHTM) đang nỗ lực làm theo Chỉ thị 03 CT-NHNN mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN )mới ban hành.

Về mặt lý thuyết, mặt bằng lãi suất đã hạ thấp đáng kể. Bằng chứng, theo số liệu NHNN công bố ngày 17/7, hiện lãi suất cho vay thông thường ngắn hạn ở nhóm các NHTM nhà nước dao động từ 9% - 10,5%/năm, còn của các NHTM cổ phần là 9,5% - 11,5%/năm.

Song, điều này không có nghĩa ai cũng tiếp cận được gói ưu đãi này, thậm chí nhiều DN cho biết họ chỉ đứng ngoài quan sát. Đơn giản vì công bố thì hấp dẫn, nhưng trên thực tế người vay vẫn chưa được hưởng nhiều ưu đãi.

Ông Văn Tiến Minh, Giám đốc Công ty Minh Tiến (chuyên xuất khẩu đồ trẻ em sang Chi lê), chia sẻ: "Lãi suất cho vay của NHTM nhà nước phổ biến ở mức 7 - 9%/năm đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao.

Với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác, lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 9 - 10,5%/năm và trung, dài hạn là khoảng 11,5 - 12,8%/năm.

Minh Tiến được xếp thuộc lĩnh vực ưu tiên là DNVVN nhưng thực tế chẳng dễ dàng vay được lãi suất 7-9%/năm. Vấn đề chung mà các DN bị NH từ chối khi vay vốn chủ yếu vì khả năng trả nợ của DN chưa tốt, tài sản thế chấp không còn...".

Khi đem câu chuyện này trao đổi với lãnh đạo một số NH, bản thân họ cũng thừa nhận NH có thể giảm lãi suất nhưng cũng phải cân đối rất kỹ những khoản cho vay. Nói như lãnh đạo của Viettinbank, việc giảm lãi suất huy động có độ trễ, do vậy không thể vừa giảm lãi suất mà các đơn vị có thể tiếp cận vốn ngay được mà phải cho NH có thời gian thẩm định.

Ngoài ra, dù mong muốn tăng trưởng tín dụng nhanh nhưng các NH không vì thế mà cho vay bừa bãi. Theo đó, các khoản vay tính đến thời điểm này vẫn chỉ là một kỳ hạn rất ngắn. Tương tự, ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NH Nam A Bank, nói rằng, bên cạnh những gói ưu đãi cho DN, NH Nam A Bank triển khai cho vay lãi suất 0% trong 6 tháng đầu đối với cá nhân, DN nhỏ, tự doanh.

Báo động dư thừa vốn

Đến nay, tình trạng dư thừa thanh khoản trên toàn hệ thống đã đến mức báo động đỏ: cung dồi dào, cầu vốn yếu; doanh số giao dịch giảm tới 80% so với cùng kỳ 2012, đạt bình quân 15 nghìn tỷ đồng/ngày. Ước tính đến hết tháng 6/2013, tăng trưởng vốn huy động lên tới 8,5% trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ 4,5% và nếu loại bỏ phần đầu tư vào trái phiếu chính phủ mà chỉ tính cho vay doanh nghiệp và người dân thì con số kia còn thấp hơn rất nhiều.

"Dù rằng lãi suất thấp nhưng với thu nhập hiện tại, người dân không dám mạo hiểm vay. Ví dụ, thu nhập hằng tháng khoảng 10 triệu đồng, chắc chắn chỉ dám mua nhà với giá 200 triệu đồng. Trong khi đó, giá nhà, xe ô tô... đều có giá từ 500 đến 1 tỷ đồng trở lên. Như vậy, bản thân người vay cũng tự thấy không dám vay chứ chưa nói đến chuyện NH thẩm định về khả năng trả nợ của người vay", ông Tâm giải thích.

Chính tâm lý e dè lẫn nhau khiến các gói sản phẩm trên thị trường phần lớn mang tính tượng trưng và hình thức. Bản thân người dân và DN dù cần tiền nhưng vẫn không dám mạo hiểm trong tình hình kinh tế còn quá nhiều khó khăn.

Về phía NH, một số đã giảm lãi suất nhưng số NH giữ lãi suất cho vay trung, dài hạn cao vẫn còn rất nhiều, chẳng hạn SHB Chi nhánh Đà Nẵng đang giữ mức lãi suất cho vay 17,5%/năm; NH Kiên Long là 17,18%/năm; NH Sa 15,16%/năm; NH Việt Á 15,26%/năm... Về phần mình, NHNN vẫn tiếp tục khẳng định từ nay đến cuối năm hệ thống sẽ đạt được mức tăng trưởng tín dụng 12%.

Trước đó, ngày 19/7, NHNN cắt giảm lãi suất thị trường mở OMO 50 điểm còn 5,5% từ mức 6%. Theo phân tích của NH HSBC, động thái này nhằm hạ nhiệt điều kiện thanh khoản trên thị trường, phản ứng lại việc lãi suất qua đêm tăng vọt vào cùng ngày.

Với lạm phát cơ bản ở mức hai con số và lạm phát toàn phần dự kiến tăng trong tháng 7, NHNN không còn nhiều khả năng để cắt giảm lãi suất thêm. HSBC kỳ vọng lãi suất từ giờ trở đi sẽ ở mức ổn định nếu không nói có thể tăng thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thực vay chưa gặp thực giảm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO