Ưu tiên hàng Việt khi chi tiêu công

18/01/2010 08:09

TP.HCM mỗi năm sử dụng nguồn ngân sách rất lớn cho chi tiêu công. Tuy nhiên, việc mua sắm này có thật sự ưu tiên sử dụng hàng trong nước?

Ưu tiên hàng Việt khi chi tiêu công

TP.HCM mỗi năm sử dụng nguồn ngân sách rất lớn cho chi tiêu công. Tuy nhiên, việc mua sắm này có thật sự ưu tiên sử dụng hàng trong nước? Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng cho biết:

Bà Nguyễn Thị Hồng - PCT UBND TP.HCM

- Từ năm 2001, bằng nhiều văn bản từ cấp Chính phủ đến TP đã chỉ đạo việc sử dụng kinh phí thuộc ngân sách nhà nước để mua sắm tài sản, vật tư, trang thiết bị xây dựng trụ sở cơ quan và phục vụ công tác quản lý hành chính đều phải mua từ các nguồn hàng được sản xuất trong nước. Chỉ không mua trong trường hợp các loại tài sản, vật tư, trang thiết bị hiện tại trong nước chưa sản xuất được.

Việc thực hiện sẽ do thủ trưởng cơ quan, đơn vị phê duyệt danh mục các loại hàng hóa cần mua sắm và bắt buộc không đưa vào danh mục các loại hàng hóa nhập ngoại mà trong nước đã sản xuất. Kết quả thực chi năm 2009 chiếm khoảng 1,35% trên tổng chi thường xuyên.

Dự kiến năm 2010 con số này chỉ khoảng 1,24% trên tổng chi thường xuyên. Việc sử dụng ngân sách để mua sắm văn phòng phẩm, tài sản cố định, vật rẻ tiền... sau khi được phân bổ ngân sách, các đơn vị tiến hành mua sắm đều phải qua kho bạc kiểm soát chi. Điều này thể hiện trên hóa đơn thanh toán và kho bạc ngay lập tức xuất toán nếu là hàng ngoại.

* Từng là giám đốc Sở Tài chính, bà nhận xét việc chi tiêu công của các đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước trước đây và bây giờ có sự khác biệt?

- Có thể khẳng định hiện nay các đơn vị trên địa bàn TP.HCM sử dụng ngân sách nhà nước cho việc mua sắm những hàng hóa nêu trên rất nghiêm túc, đặc biệt nhận thức ưu tiên sử dụng hàng trong nước đã tăng rõ rệt. Nếu cách đây vài năm, Kho bạc còn phát hiện một vài trường hợp chi sai mục tiêu trong mua sắm công thì những năm gần đây tình trạng này dường như không còn.

Một phần là do cơ chế ràng buộc nhưng phần quan trọng hơn, theo tôi, là do chất lượng hàng hóa sản phẩm trong nước đã tốt hơn rất nhiều với chủng loại đa dạng và mẫu mã phù hợp hơn. Chính điều này đã tác động không ít đến việc lựa chọn sản phẩm trong nước khi mua sắm.

Người tiêu dùng chọn mua hàng VN

* Nhưng các nhà sản xuất lại cho rằng sản phẩm của họ khó có thể cạnh tranh một cách bình đẳng với sản phẩm nhập ngoại, hàng gian, hàng giả khi mà chính sách nhằm bảo vệ các doanh nghiệp chân chính vẫn chưa được phát huy?

- Năm 2009 đã có 11.000 vụ vi phạm được Chi cục Quản lý thị trường phát hiện xử lý với tổng giá trị (kể cả tiêu hủy) khoảng 80 tỉ đồng. Đây là nỗ lực của TP để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất chân chính. Tuy nhiên, để công tác quản lý thị trường đạt hiệu quả cao hơn thì Nhà nước cần rà soát điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp, đủ sức răn đe được các thành phần vi phạm.

Mức xử phạt vi phạm rất thấp và có một số cơ chế xử phạt còn chồng chéo, đưa đến hiệu quả răn đe đối với người phạm pháp không cao, dẫn đến khi xử lý không ít cơ quan vận dụng tùy tiện, lợi dụng kẽ hở từ sự chồng chéo để xử lý không nghiêm. Tôi đơn cử việc vi phạm nhãn hàng hóa. Dù rất phổ biến, nhưng do mức xử phạt rất thấp và văn bản không đồng bộ nên không ít doanh nghiệp đã không ngại vi phạm vì chưa đủ sức răn đe họ.

* Cá nhân bà và gia đình đang ưu tiên sử dụng hàng Việt như thế nào trong cuộc sống hằng ngày?

- Gia đình tôi thường xuyên sử dụng hàng trong nước, nhất là thực phẩm và quần áo. Vì hàng thực phẩm tươi sống, hàng chế biến rất ngon, chất lượng ngày càng cao, mẫu mã phong phú, lại hợp khẩu vị. Còn hàng may mặc thì nhiều thương hiệu có thiết kế không thua kém hàng nước ngoài, phù hợp nhiều độ tuổi, giá cả phải chăng.

* Như vậy, trong năm nay TP.HCM có ban hành chính sách nào thúc đẩy việc ưu tiên sử dụng hàng trong nước nhằm giúp doanh nghiệp có thể đứng vững ngay tại sân nhà không, thưa bà?

- Để chương trình hành động thực hiện cuộc vận động “Người VN ưu tiên dùng hàng VN” đi vào cuộc sống một cách có ý nghĩa, thiết thực, TP thông qua một loạt giải pháp thực hiện. Ví dụ về mặt tuyên truyền, tôi đã làm việc với Đài truyền hình TP.HCM yêu cầu thành lập kênh phát sóng riêng để quảng bá, giới thiệu hàng Việt, chậm nhất trong năm nay phải có. Đây sẽ là kênh hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng trong nước với chi phí phù hợp.

Tôi cũng đã giao nhiệm vụ cho Ban quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Sở Công thương gặp các UBND quận, huyện trước mắt đưa hàng hóa đến một vài lần trong tuần phục vụ công nhân. Với thị trường Campuchia, TP đã lên kế hoạch xây các điểm bán hàng hóa dọc biên giới nước bạn để giúp doanh nghiệp thuận tiện đưa hàng hóa sang tiêu thụ tại đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ưu tiên hàng Việt khi chi tiêu công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO