Người nối miệt vườn với miệt Thứ

VĂN KIM KHANH| 07/04/2010 00:29

Khu vực chợ nổi Cái Răng có hơn 10 thương lái chuyên đóng hàng đi các tỉnh miệt Thứ, như Cà Mau, Bạc Liêu; đi miệt trên, như Sài Gòn, Đà Lạt...

Người nối miệt vườn với miệt Thứ

Khu vực chợ nổi Cái Răng có hơn 10 thương lái chuyên đóng hàng đi các tỉnh miệt Thứ, như Cà Mau, Bạc Liêu; đi miệt trên, như Sài Gòn, Đà Lạt... Trong những thương lái đó, chị Nguyễn Thị Phúc là một người có thâm niên 15 năm đóng hàng cung ứng cho các tỉnh miệt dưới.

Một buổi sáng cuối tháng Ba, tại bến lên hàng Chủng viện Cái Răng, những người khuân vác trái cây khẩn trương lên xoài, cam sành, đu đủ từ ghe xuồng cho kịp chuyến xe trưa. Đến khoảng 12 giờ, những giỏ hàng bằng cần xé khoảng 50kg phần lớn đã đóng xong.

Công việc hàng ngày của chị Nguyễn Thị Phúc là đóng gói trái cây để bán về miệt Thứ

Trong những người đóng hàng ở đây có chị Nguyễn Thị Phúc, người chuyên thu mua hàng nơông sản. Vẫn không ngơi tay đóng hàng, chị Phúc cho biết: “Tôi mua củ quả theo mùa, hàng có quanh năm. Mỗi ngày từ 6 giờ sáng là bắt đầu mua hàng, đóng gói chậm lắm đến 2 giờ chiều thì hàng lên xe. Chiều tối hàng đến các vựa ở Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá”.

Khi tôi hỏi về những vui buồn trong nghề làm lái trái cây, chị Phúc vui vẻ nói: “Nghề này quanh năm ở bến bãi nhiều hơn ở nhà, nên đẻ ít mà vẫn ít có thời gian chăm sóc con. Quê tôi ở thị trấn Ngã Sáu, thuộc quận Châu Thành A, Hậu Giang. Từ năm 21 tuổi, khi lấy chồng về thị trấn Cái Răng, tôi đã bắt đầu làm nghề mua bán trái cây, đến nay đã tròn 15 năm, tức gần bằng phân nửa tuổi tôi.

Mười lăm năm ấy, không thể nhớ bao nhiêu ngàn tấn trái cây, củ quả mà tôi mua từ nông dân, những người cung ứng hàng, rồi đóng giỏ đưa đi Cà Mau, Rạch Giá - Kiên Giang mà dân mình quen gọi là Miệt Thứ tiêu thụ. Cứ tính trung bình mỗi năm tôi mua 2.000 tấn rau củ, mười lăm năm qua, các chủ vườn bán cho tôi khoảng 30.000 tấn".

Theo chị Phúc, với mỗi đầu tấn như vậy, từ chuyện khuân vác, đóng giỏ, tiền bến bãi và tiền vận chuyển tới Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang... chi phí trọn gói phải từ 450 - 500 ngàn đồng. Tiền lời mỗi tấn sau khi trừ hết chi phí còn khoảng 150 - 200 ngàn đồng. Như vậy, mỗi ngày nếu đi được từ 5 đến 10 tấn củ quả, chị Phúc có tiền triệu.

Chị nói: “Tiền tính thì nhiều nhưng đâu phải tiền trao, cháo múc. Tiền nợ, tiền gối đầu chuyến này ăn hàng chuyến khác, tiền cho những người thu mua hàng cho mình mượn trước, tức đầu vụ mình cho họ mượn tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bao trái, khi có hàng thì họ chở ra cân cho mình. Bằng cách này, chúng tôi giúp qua giúp lại và không bao giờ thiếu hàng cung ứng cho thị trường. Tôi còn có quan hệ với thương lái ở Cái Tắc, Phụng Hiệp (Hậu Giang), nên nếu có thiếu loại hàng mà thị trường đang cần, mình chỉ cần a lô là sẽ có ngay”.

Khi tôi hỏi chị về cạnh tranh trong làm ăn, về ước mơ của chị trong cuộc sống và phát triển nghề nghiệp, chị Phúc nói: “Tại bến này có mấy chủ đóng trái cây, rau củ, chúng tôi sống rất tình cảm với nhau. Chúng tôi đối xử với nhau cũng như anh chị em, khi cần thì chia sẻ nguồn vốn, chia sẻ hàng cho nhau.

Thực lòng, tôi không có ước mơ gì cao xa, công việc ổn định, phát triển, làm có tích lũy chút đỉnh, gia đình hạnh phúc, con cái học hành thành đạt là đủ lắm rồi. Tôi biết ơn chồng tôi, người đã giúp tôi rất nhiều để có cuộc sống và nghề nghiệp ổn định như hôm nay”.

Chẳng mấy chốc mà đã đến giờ cơm trưa, các chủ vựa và người làm ở bến lên hàng Chủng viện Cái Răng rủ nhau cùng ăn cơm, do chung gạo nấu. Các chị vui vẻ mời khách ăn cùng.

Theo ông Huỳnh Vĩnh Sơn, người đại diện thu tiền tại bãi lên hàng Chủng viện Cái Răng, chị Phúc không phải là thương lái lớn nhưng có thâm niên và cung cách làm ăn tốt, có quan hệ tốt với nông dân, người thu mua nông sản và quan trọng hơn với đầu ra nông sản ở các tỉnh. Có thể nói chị Phúc là chiếc cầu để nông sản miệt vườn đến với miệt Thứ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Người nối miệt vườn với miệt Thứ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO