Dấu ấn Việt Nam trên đấu trường quốc tế

Minh Huy - Minh Quân| 31/01/2022 06:00

Năm 2021, dù đại dịch Covid-19 để lại nhiều mất mát, tổn thất về tinh thần cũng như sự phát triển chung của nền kinh tế thế giới, nhưng với tinh thần và ý chí Việt Nam, những gương mặt và thương hiệu tiêu biểu đại diện cho Việt Nam trong nhiều lĩnh vực vẫn tỏa sáng tại các đấu trường quốc tế, mang lại niềm tự hào và vinh quang cho Tổ quốc Việt Nam.

TS. Nguyễn Trọng Hiếu nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng

Năm 2021, TS. Nguyễn Trọng Hiếu (hiện là nghiên cứu viên, giảng viên cao cấp ngành năng lượng điện mặt trời tại Đại học Quốc gia Úc - ANU) đã vinh dự được trao giải thưởng khoa học công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2021 trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Nguyễn Trọng Hiếu sinh năm 1988, là cựu sinh viên lớp Kỹ sư tài năng Điện - Điện tử của Trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Với thành tích xuất sắc, Nguyễn Trọng Hiếu được nhận học bổng toàn phần để hoàn thành hai năm cuối chương trình đại học ở bang Oregon, Mỹ.

Nguyen-Trong-Hieu-1384-1643339890.jpg

Đầu năm 2013, Trọng Hiếu sang ANU học tiến sĩ theo diện học bổng toàn phần, với đề tài vật liệu bán dẫn cho pin mặt trời và nhận bằng vào năm 2016. Năm 2017, Nguyễn Trọng Hiếu sang Mỹ làm việc tại phòng thí nghiệm quốc gia về năng lượng tái tạo và sau đó trở về ANU nghiên cứu, giảng dạy ngành công nghệ điện mặt trời vào đầu năm 2018.

Năm 2019, nhóm nghiên cứu của Nguyễn Trọng Hiếu đã công bố phát minh "phép màu của tốc độ và không gian", mở đường cho sự ra đời của thế hệ mới các công cụ phát hiện khiếm khuyết trên pin mặt trời với độ phân giải và tính chính xác cực cao.

Theo TS. Nguyễn Trọng Hiếu, vật liệu 2D được sử dụng trong nghiên cứu chỉ mỏng bằng một phần hàng trăm nghìn sợi tóc, kích cỡ gần như "tàng hình" trước mắt thường. Trong tương lai, loại vật liệu này có thể đóng vai trò quan trọng trong cách mạng hóa công nghệ dùng cho pin mặt trời, điện thoại di động và thiết bị cảm biến.

Với nghiên cứu này, Nguyễn Trọng Hiếu và nhóm đã chọn con đường khác với đa số dự án về pin mặt trời, vốn tập trung vào cải thiện chất lượng của phần lõi bên trong pin mặt trời, mà quan tâm tới lớp màng mỏng bên trên của pin, có chức năng dẫn điện từ pin và bảo vệ phần lõi.

Đầu năm 2021, nhóm nghiên cứu của Nguyễn Trọng Hiếu đã được Cơ quan Năng lượng Tái tạo Úc cấp khoản tài trợ lên tới 1 triệu AUD (hơn 17 tỷ đồng) cho dự án phát triển pin mặt trời thế hệ mới.

Trong hơn 5 năm qua, tính từ năm 2016, anh đã nhận được số tiền tài trợ nghiên cứu khoảng 6,8 triệu AUD (khoảng 115 tỷ đồng) trong vai trò trưởng hoặc đồng trưởng dự án. Tính từ năm 2014 đến nay, Nguyễn Trọng Hiếu đã có 72 công bố trên tập san quốc tế. Anh sáng lập và quản lý hai phòng thí nghiệm quang học tại ANU.

Nguyễn Thúc Thùy Tiên đoạt vương miện Miss Grand International 2021

Ngày 4/12/2021, Nguyễn Thúc Thùy Tiên - người đẹp từng lọt vào top 5 Hoa hậu Việt Nam 2018 với danh hiệu Người đẹp Nhân ái - đã đăng quang ngôi vị Hoa hậu Hòa bình Quốc tế (Miss Grand International 2021).

Thùy Tiên đã vượt qua 69 người đẹp đại diện các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia đêm chung kết Miss Grand International 2021 diễn ra tại Bangkok, Thái Lan.

Nguyen-Thi-Thuy-Tien-2-copy-8110-1643339

Giá trị lớn nhất và tự hào khi Nguyễn Thúc Thùy Tiên đại diện Việt Nam đoạt được danh hiệu này là đã đưa Việt Nam lên hạng thứ 7 trên bản đồ nhan sắc thế giới. 

Thùy Tiên cho biết, cô lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc nên đã dạy cô biết tầm quan trọng của sự yêu thương. Cô mong mọi người hãy dùng tình yêu, sự đồng cảm để chấm dứt chiến tranh. Người đẹp nói: "Bạo lực không chỉ khi bạn làm tổn thương ai đó bằng hành động mà còn bằng lời nói của bạn. Dịch Covid-19 vừa xảy ra đã dạy tôi về việc có thể có tình huống xấu xảy ra và bạn có thể không còn cơ hội đối xử tốt với mọi người nữa. Mỗi chúng ta là một phần của việc thay đổi thế giới, có thể ngăn chặn chiến tranh và bạo lực. Chúng ta là người hùng của chính mình".

Đại diện Việt Nam còn gây ấn tượng với màn thuyết trình về "chiến tranh" bằng cả tiếng Anh và tiếng Thái với câu trả lời: "Chiến tranh không chỉ là vấn đề xảy ra trong quá khứ, chiến tranh có thể là cuộc chiến giữa thiên thần và ác quỷ trong mỗi con người chúng ta".

Hồ Văn Ý vào top 10 thủ môn futsal xuất sắc nhất thế giới

Với màn thể hiện xuất sắc ở vòng chung kết FIFA World Cup 2021, thủ môn tuyển futsal Việt Nam Hồ Văn Ý đã lọt vào top 10 thủ môn futsal hay nhất thế giới do trang FutsalPlanet bình chọn. Anh là một trong hai thủ môn châu Á nằm trong danh sách này. Đây là lần thứ hai thủ thành này nằm trong đề cử rút gọn. Trước đó, anh được đề cử hồi năm 2018.

van-y-2025-1643339890.jpg

Hồ Văn Ý là một trong những tuyển thủ góp công lớn giúp tuyển Việt Nam vào đến vòng 1/8 FIFA Futsal World Cup 2021 diễn ra tại Lithuania hồi tháng 9/2021 vừa qua. Văn Ý sinh năm 1997, quê ở Quảng Nam, cũng là người trẻ nhất được đề cử năm nay khi mới 25 tuổi. Ngoài ra, thủ thành này cũng tỏa sáng trong màu áo Câu lạc bộ Thái Sơn Nam vô địch Giải Futsal Quốc gia 2021.

Năm nay, Hồ Văn Ý sẽ cạnh tranh với các đối thủ Andre "Deko" Pereira Coelho, Thiago Mendes Rocha "Guitta", Willian Felipe Dorn (Brazil), Didac Plana Oltra, Federico Perez Garrigos (Tây Ban Nha), Leonardo De Melo Vieira Leite "Higuita" (Kazakhstan), Nicolas Sarmiento (Argentina), Dmitri Putilov (Nga) và Alireza Samimi (Iran).

Quốc Cơ - Quốc Nghiệp tiếp tục lập kỷ lục Guinness quốc tế

Ngày 23/12/2021, lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam được anh em "hoàng tử xiếc Việt Nam" Quốc Cơ - Quốc Nghiệp giơ cao tại Nhà thờ Chánh tòa ở thành phố Girona, Tây Ban Nha, trong niềm tự hào, xúc động và cả giọt nước mắt. Quốc Cơ - Quốc Nghiệp đã lập kỷ lục Guinness thế giới bằng màn chồng đầu giữ thăng bằng leo liên tục 100 bậc thang tại Nhà thờ Chánh tòa với thời gian chỉ 53 giây, trong sự ngưỡng mộ và thán phục của nhiều người theo dõi  tại chỗ và trên toàn thế giới. 

Quoc-Co-Quoc-Nghiep-2-7680-1643339891.jp

5 năm trước, vào năm 2016, cũng chính hai anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp đã xác lập kỷ lục Guinness thế giới bằng màn biểu diễn tương tự, leo 90 bậc thang tại địa điểm trên trong 52 giây. Dù chỉ thêm 10 bậc, anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp trong thử thách lần này gặp không ít khó khăn. Quốc Cơ chia sẻ 10 bậc thang được thiết kế mới có chiều cao, chất liệu khác biệt nhiều so với 90 bậc sẵn có. Theo chia sẻ của Quốc Cơ, hai anh em phải sử dụng những kỹ năng và kinh nghiệm lâu năm, duy trì nhịp thở, nhịp chân với tốc độ vừa phải mới có thể cán đích thành công.

Kỷ lục mới của Quốc Cơ - Quốc Nghiệp lần này càng trở nên đáng giá, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến quá trình tập luyện, di chuyển của hai anh em. Tuy nhiên, bằng tài năng và sự khổ luyện không ngừng, Quốc Cơ - Quốc Nghiệp đã đưa tên tuổi của mình nói riêng và xiếc Việt Nam thêm một lần nữa vang danh thế giới, bạn bè năm châu phải nhắc tới.

VinFast ra mắt ô tô điện tại Mỹ

Ngày 18/11/2021, sự kiện "có một không hai" trong lịch sử ngành ô tô Việt Nam diễn ra khi hãng xe VinFast (thuộc Tập đoàn Vingroup) lần đầu giới thiệu các mẫu xe điện tại Triển lãm ô tô Los Angeles 2021, Mỹ. Sự kiện đã đưa Đông Nam Á trở thành điểm sáng mới trên bản đồ ô tô thế giới, khi giới thiệu đến công chúng quốc tế một thương hiệu xe điện thông minh toàn cầu.

VinFast-1638-1643339891.jpg

Mới đây nhất, trong khuôn khổ Triển lãm Điện tử Tiêu dùng CES 2022 cũng diễn ra tại Mỹ, VinFast đã công bố chiến lược phát triển mới, theo đó dừng sản xuất xe xăng từ cuối năm 2022, tập trung hoàn toàn cho việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất các dòng xe thuần điện. Đây là quyết định bước ngoặt, đưa VinFast trở thành một trong những hãng xe xăng đầu tiên trên thế giới chuyển hẳn sang thuần điện, khẳng định dấu ấn tiên phong, thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng xe điện toàn cầu.

Vừa qua, trang báo của các nước như Malaysia, Nhật Bản, Anh... đồng loạt đưa tin về VinFast của Việt Nam. Các trang tin ghi nhận năm 2022 VinFast đặt ra mục tiêu bán 42.000 chiếc xe điện trên toàn cầu, tăng so với kế hoạch trước đó là 15.000 chiếc. Năm 2022, công ty chủ yếu nhắm đến thị trường Mỹ và châu Âu. Động thái này của nhiều tờ báo chứng tỏ triển vọng phát triển của Tập đoàn Vingroup ra nước ngoài đã được quốc tế nhìn nhận nghiêm túc, cả về tiềm năng cũng như các cơ hội hợp tác. Đây là tín hiệu tốt cho Vingroup nói riêng và các tập đoàn Việt Nam nói chung khi nhắm đến thị trường toàn cầu trong tương lai. 

Nguyễn Thị Thu Nhi giành chức vô địch boxing WBO thế giới

Nữ võ sĩ Nguyễn Thị Thu Nhi đã đánh bại đương kim vô địch người Nhật Bản Etsuko Tada vào chiều 23/10/2021 để đoạt chiếc đai WBO thế giới hạng minimum tại Nhà thi đấu Ansan (Hàn Quốc).

Nguyễn Thị Thu Nhi đã làm nên lịch sử cho boxing Việt Nam, trở thành võ sĩ đầu tiên của boxing Việt Nam giành đai vô địch WBO thế giới. Chiến thắng của Thu Nhi làm nức lòng người hâm mộ, đưa boxing Việt Nam lên bản đồ boxing thế giới.

Nguyen-Thi-Thu-Nhi-9550-1643339891.jpg

Nguyễn Thị Thu Nhi sinh năm 1996 tại An Giang. Năm 14 tuổi, Thu Nhi bén duyên với môn võ cổ truyền, sau đó chuyển sang chơi boxing vì lời khuyên của huấn luyện viên thấy cô phù hợp với môn thể thao này hơn. Tiến bộ nhanh chóng, Thu Nhi đã khẳng định tên tuổi với ba huy chương vàng boxing toàn quốc các năm 2015, 2017 và 2018; huy chương vàng Cúp các câu lạc bộ toàn quốc từ năm 2015-2019.

Tháng 2/2020, Nguyễn Thị Thu Nhi làm nên lịch sử cho boxing Việt Nam khi đánh bại tay đấm Thái Lan Kanyarat Yoohanngoh tại Campuchia, đoạt đai WBO châu Á - Thái Bình Dương. Việc sở hữu chiếc đai này là cơ sở để Thu Nhi thách đấu Etsuko Tada ở trận tranh đai WBO thế giới.

Như vậy, Nguyễn Thị Thu Nhi hiện giữ hai chiếc đai là WBO châu Á - Thái Bình Dương và WBO thế giới. 

Ví điện tử Momo của Việt Nam đạt định giá 2 tỷ USD 

Một loạt trang báo như Business Times hay Bloomberg ghi nhận việc ví điện tử MoMo của Việt Nam đạt định giá 2 tỷ USD sau lần huy động mới nhất với khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư do Ngân hàng Mizuho (ngân hàng toàn cầu Nhật Bản) dẫn đầu và một nhóm nhà đầu tư toàn cầu gồm Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management. 

momo-5832-1643339891.jpg

Tờ Business Times của Singapore đánh giá ngành công nghệ tài chính đã bắt đầu có sức hút lớn tại Việt Nam. Đất nước gần 98 triệu dân trong thời kỳ đại dịch Covid-19 với các nhà bán lẻ trực tuyến và người tiêu dùng tìm đến các tùy chọn thanh toán không tiếp xúc. Vì vậy, đây sẽ là cơ hội cho hình thức phát triển ví điện tử và nhiều lĩnh vực công nghệ có liên quan, gián tiếp tác động vào sự tăng trưởng kinh tế sau đại dịch vào năm 2022.

MoMo từng được biết đến là ứng dụng ví điện tử phổ biến nhất Việt Nam suốt nhiều năm liền. Tuy vậy, giờ đây startup này đang hướng đến việc phát triển trở thành một super app (siêu ứng dụng). 

Hiện MoMo có hơn 1.600 nhân viên với trụ sở chính tại TP.HCM và các văn phòng tại Hà Nội, Đà Nẵng. Công ty thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) này hiện có khoảng 31 triệu người dùng với hơn 140.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc.

Ông Nguyễn Mạnh Tường - Phó chủ tịch HĐQT, đồng Tổng giám đốc MoMo cho biết, sự cam kết mạnh mẽ của các nhà đầu tư toàn cầu đối với MoMo - một sản phẩm công nghệ được xây dựng hoàn toàn bởi các kỹ sư Việt Nam chính là điều khích lệ lớn lao để doanh nghiệp này tiếp tục đổi mới, sáng tạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Dấu ấn Việt Nam trên đấu trường quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO