Chuyển giao KHKT cho nông dân: Không chỉ cần kinh phí

01/07/2009 09:19

Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha canh tác ở nước ta còn thấp, tỷ lệ sử dụng lao động cao, trong khi nhiều mặt hàng nông sản của chúng ta thua trên sân nhà là một thực tế đáng buồn.

Chuyển giao KHKT cho nông dân: Không chỉ cần kinh phí

Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha canh tác ở nước ta còn thấp, tỷ lệ sử dụng lao động cao, trong khi nhiều mặt hàng nông sản của chúng ta thua trên sân nhà là một thực tế đáng buồn. Do vậy đưa khoa học kỹ thuật về với nông dân (ND), giúp ND nâng cao năng suất, hiệu quả, khả năng cạnh tranh là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, việc chuyển giao áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) cho ND hiện vẫn còn nhiều bất cập.

Những mô hình đột phá

Buổi chuyển giao KHKT của Hội ND thành phố phối hợp với Trung tâm Khuyến nông diễn ra cuối tháng 5 vừa qua đã thu hút sự tham gia của hàng trăm hộ ND xã Thuần Mỹ (Ba Vì). Những kiến thức chuyển giao được ND hào hứng đón nhận là kỹ thuật trồng và nhân giống cây đậu tương vụ hè thu. Sau khi được tiếp cận với những kỹ thuật canh tác mới, niềm vui rạng ngời trên gương mặt những người ND. Bởi họ đã hiểu ra nhiều điều mà trước nay mình chưa biết như tiết kiệm giống, phân bón mà vẫn bảo đảm năng suất.

Thông qua những mô hình, tiến bộ KHKT, các loại giống cây trồng, vật nuôi, phương pháp thâm canh mới đã được ND tiếp nhận và ứng dụng ngày một nhiều vào thực tế, tạo những bước đột phá mới cho nông nghiệp Thủ đô. Nổi bật như mô hình trồng hoa theo kỹ thuật mới với gần 2.500ha hoa, cây cảnh (trong đó, có 55.000m2 trồng hoa trong nhà lưới công nghệ cao) cho thu nhập từ 250 đến 450 triệu đồng/ha/năm ở Từ Liêm, Gia Lâm, Đông Anh... Hay mô hình trồng rau sạch 3.000ha ở Đông Anh và Gia Lâm cho thu nhập 250 đến 300 triệu đồng/ha/năm.

Bất cập trong chuyển giao

Việc chuyển giao, áp dụng tiến bộ KHKT vào nông nghiệp đã thu được hiệu quả kinh tế cao, song vẫn còn không ít vấn đề. Bà Nguyễn Thị Xuyên, Trưởng ban Kinh tế Hội ND thành phố cho biết, hiện nay, toàn thành phố có khoảng 4 triệu ND, trong đó có 500.000 hội viên, nhu cầu được tiếp cận KHKT của bà con rất lớn, nhưng khó có thể đáp ứng. Trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, Hội ND Hà Nội đã mở 10 lớp chuyển giao KHKT đến bà con.

Ban đầu, theo kế hoạch mỗi lớp chỉ có khoảng 70 hội viên, nhưng vì nhu cầu rất lớn nên trong các buổi tập huấn, bà con kéo đến rất đông, thường xuyên có hơn 100 người. Biết điều này là tốt, nhưng Hội ND cũng không thể mở thêm lớp bởi kinh phí hạn hẹp. Để tổ chức các buổi chuyển giao KHKT đến ND, cán bộ hội thường xuyên phải vận động, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể để có kinh phí. Một bất cập nữa là hiện nay phần lớn các kỹ sư nông nghiệp lại tập trung ở các vụ, viện, trường đóng ở các thành phố, còn tại các vùng nông thôn nơi rất cần KHKT thì lại vắng bóng họ.

Nhiều ý kiến cho rằng, để KHKT đến với ND một cách hiệu quả, trước hết người ND phải có ý thức tiếp thu, đồng thời cần có sự liên kết, gắn bó chặt chẽ giữa nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp và các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, việc thường xuyên xây dựng các mô hình và đưa ND đi tham quan học hỏi kinh nghiệm các mô hình sẽ giúp họ nắm bắt được thông tin thực tế về KHKT, công nghệ mới và tiếp cận thị trường nông sản hàng hóa thuận lợi, hiệu quả.

Bên cạnh đó, cũng cần nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý cơ sở cũng như ND thông qua các đợt tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức. Muốn khắc phục những hạn chế trong sản xuất nông nghiệp thì phải giúp cho ND nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất thông qua áp dụng KHKT, đào tạo nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng. Do đó, Nhà nước cần có những cơ chế chính sách để khuyến khích các nhà khoa học gắn bó với đồng ruộng và về trực tiếp với ND.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyển giao KHKT cho nông dân: Không chỉ cần kinh phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO