Chương trình "Ngày hội Thương lái"

DNSG| 02/03/2010 05:49

Với mong muốn giới thiệu và xây dựng hình ảnh đẹp về thương lái và cũng nhằm động viên thương lái đóng góp nhiều cho xã hội, Báo DNSG khởi xướng chương trình "Ngày hội Thương lái".

Chương trình

Đề cương tổ chức
"Ngày hội Thương lái" lần thứ I năm 2010
Chủ đề: “Thương lái trong lưu thông nông – thủy sản”
**********

I- GIỚI THIỆU HÌNH THÀNH Ý TƯỞNG TỔ CHỨC:

Biết bao năm qua, cứ diễn ra tình trạng nông dân không có vốn nên không trữ được lúa, cà phê, tiêu, đậu, muối… chờ giá bán cao; không thu hoạch được trái cây, rau củ, cá, tôm… vào thời điểm giá tốt nhất. Mặc dù Chính phủ đã ban hành Quyết định 80/2002/QĐ-TTg khuyến khích tiêu thụ nông, lâm, thủy sản hàng hóa thông qua hợp đồng, theo hướng có lợi cho nông dân, nhưng hơn 7 năm qua, rất ít doanh nghiệp tạo được mối quan hệ bền vững với nông dân, ngư dân, trang trại nhằm gắn sản xuất với tiêu thụ ổn định. Nông dân tiêu thụ hàng hóa vẫn trông nhiều vào thương lái.

Vậy mà một thời gian dài, thương lái luôn bị coi là thành phần không tốt, là tầng nấc trung gian chuyên o ép người sản xuất để hưởng lợi nhiều nhất. Kinh tế phát triển, những từ ngữ "con buôn", “tư thương” dần dần đã bớt được dùng để chỉ thương lái, thái độ miệt thị “kẻ trục lợi”, “ép giá”, “tranh mua” cũng được thay bằng sự nhìn nhận công bằng của xã hội về vai trò không thể thiếu của thương lái trong hệ thống lưu thông, phân phối không chỉ đối với nông, lâm, thủy sản mà còn với nhiều hàng hóa khác.

Ngoại trừ số ít làm ăn không uy tín, còn hầu hết thương lái tổ chức thu mua của người sản xuất khá tốt. Nhiều thương lái không ngại vào tận đồng sâu, lên đồi cao để thu mua hàng, thậm chí đầu tư vốn cho người sản xuất, hướng dẫn người sản xuất cách sản xuất tốt, bảo quản khi thu hoạch để tăng giá trị sản phẩm, điều mà nhiều doanh nghiệp chưa làm được.

Không bao biện cho thương lái, nhưng cần tôn trọng và đối xử bình đẳng với họ. Rất mừng là năm vừa qua, tại nhiều hội nghị về tiêu thụ hàng hóa, vận động tiêu dùng trong nước, xuất khẩu, thương lái đã được nhắc đến một cách trân trọng. Chính lãnh đạo các bộ, chính quyền, sở, ngành địa phương cũng lên tiếng đề nghị đừng lên án, chỉ trích thương lái, mà hãy nhìn nhận vai trò của họ, khuyến khích họ tính toán lợi nhuận hợp lý để chia sẻ cho nông dân.

Song bù lại, họ cần được hưởng những cơ chế thuận lợi để phát huy sự linh hoạt trong thu mua, lưu thông hàng hóa. Với mong muốn xây dựng hình ảnh đẹp về thương lái, giới thiệu những điển hình thương lái giỏi và cũng nhằm động viên thương lái đóng góp nhiều cho xã hội, Báo Doanh Nhân Sài Gòn khởi xướng chương trình Ngày hội Thương lái.

II- MỤC ĐÍCH TỔ CHỨC:

- Tìm hiểu, giới thiệu vai trò thương lái trong hệ thống thu mua, phân phối, tiêu thụ của từng ngành hàng; thay đổi nhận thức của xã hội về thương lái.

- Giới thiệu đến công chúng những điển hình thương lái trong từng ngành hàng, từng địa phương; thương nhân (chợ đầu mối, chành) có cách thức tổ chức thu mua, tiêu thụ tốt hàng hóa trong nước, có hỗ trợ người sản xuất, để từ đó nhân rộng những nhân tố tích cực, nhằm động viên thương lái đóng góp nhiều cho xã hội và xây dựng ý thức thương lái có trách nhiệm cùng phát triển kinh tế đất nước, giúp người dân làm giàu.
- Khuyến khích doanh nghiệp kết hợp với thương lái và người sản xuất để tạo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.

III- HÌNH THỨC TỔ CHỨC:

“Ngày hội Thương lái” dự kiến sẽ được tổ chức mỗi năm với chương trình gồm ba phần chính: Hội thảo, Lễ hội và Triển lãm.

“Ngày hội Thương lái” lần thứ I năm 2010, bên cạnh chuyển tải tư liệu, hình ảnh thương lái Việt Nam qua từng thời kỳ, sẽ đặt trọng tâm vào chủ đề: “Thương lái trong lưu thông nông – thủy sản”, tập trung cho khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.

Chương trình cụ thể:

- Hội thảo:

+ Phần 1: “Thương lái Việt Nam: Lịch sử và hiện tại trong lưu thông, phân phối” với các tham luận, trao đổi trực tiếp của các nhà sử học, nhà khảo cứu, chuyên gia kinh tế, các cơ quan chức năng.

+ Phần 2: “Kết nối thương lái vào chuỗi giá trị tiêu thụ nông – thủy sản”, tổ chức gặp gỡ giữa các doanh nghiệp, thương lái và người sản xuất để trao đổi về nhu cầu thị trường, các biện pháp để tiêu thụ nông – thủy sản tốt nhất, khả năng liên kết doanh nghiệp với thương lái.

 - Lễ hội “Cảm ơn Thương lái” với hình thức sân khấu hóa và giới thiệu các điển hình có cách thức tổ chức tốt tiêu thụ nông – thủy sản.
- Triển lãm “Thương lái Việt Nam xưa và nay” cho những ngành hàng nông – thủy sản thế mạnh của từng địa phương có sự đóng góp của thương lái với hình thức mô phỏng hình ảnh thương lái; bên cạnh tổ chức triển lãm ảnh và sản vật.
- Trao giải cuộc thi viết và chụp ảnh về thương lái.

Thời gian dự kiến: khoảng tháng 8 năm 2010
Địa điểm: tại TP. HCM

Báo Doanh Nhân Sài Gòn thành lập Ban tổ chức do ông Nguyễn Thanh Minh, Tổng biên tập Báo DNSG làm Trưởng ban và các tiểu ban phụ trách các phần công việc khác nhau; bên cạnh đó, mời một số nhà nghiên cứu, chuyên gia tham gia Ban tư vấn.

IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI:

1. Mở trang thông tin cho Ngày hội Thương lái trên Doanh Nhân Sài Gòn Online

- Thông tin về chương trình chung, các cuộc thi viết và chụp ảnh về lưu thông, phân phối nông – thủy sản và các hoạt động của thương lái.
- Chuyển tải các bài viết, hình ảnh về các vùng sản xuất; đặc tính thu mua, tiêu thụ hàng hóa của thương lái từng địa phương; các điển hình thương lái giỏi; những điển hình liên kết giữa doanh nghiệp và thương lái.

2. Mở trang chuyên đề “Thương lái Việt Nam” trên báo tuần và báo tháng

- Thông tin về chương trình chung, các cuộc thi viết và chụp ảnh về lưu thông, phân phối nông – thủy sản và các hoạt động của thương lái.
- Chuyển tải các bài viết, hình ảnh về các vùng sản xuất; đặc tính thu mua, tiêu thụ hàng hóa của thương lái từng địa phương; các điển hình thương lái giỏi; những điển hình liên kết giữa doanh nghiệp và thương lái.
-
Ghi nhận ý kiến bạn đọc bình chọn các bài viết hay và tác phẩm ảnh đẹp, độc đáo về thương lái.

3. Cuộc thi viết và chụp ảnh về thương lái

- Thời gian: phát động từ ngày 23/2, kết thúc vào ngày 30/6.
- Ban tổ chức vận động các nhà văn, nhà báo, nhà nhiếp ảnh tham gia viết bài, chụp ảnh hoặc sưu tập các tư liệu, hình ảnh về thương lái Việt Nam xưa và nay.
- Bài viết thể hiện bằng các hình thức: ký sự, phóng sự, ghi nhận, phỏng vấn, bình luận, phản ảnh,….
- Hình ảnh gồm: phóng sự ảnh, ảnh nghệ thuật, ảnh thời sự, chân dung,… Có hai nhóm điểm để chọn tác phẩm đoạt giải: bình chọn từ bạn đọc và bình chọn của Ban giám khảo chuyên môn. Từ các bài viết được bình chọn, Ban giám khảo chuyên môn sẽ quyết định gương mặt thương lái điển hình.

4. Tổ chức Ngày hội Thương lái

- Thời gian: dự kiến tháng 8/2010 tại TP.HCM
- Nội dung: gồm ba phần như nêu trên (Hội thảo, Lễ hội, Triển lãm)
- Chú trọng giới thiệu các loại nông – thủy sản địa phương có thương hiệu
- Dự kiến số lượng khách tham dự: 500 người.

TP.Hồ Chí Minh, ngày 4 tháng 2 năm 2010

TM. Ban tổ chức
Trưởng ban tổ chức

Nguyễn Thanh Minh
Tổng biên tập

Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức
Cuộc thi viết và chụp ảnh thương lái
*******

I- CHỦ ĐỀ

Cuộc thi là một phần quan trong chương trình “Ngày hội Thương lái” lần thứ nhất-2010 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức. Bên cạnh chuyển tải tư liệu, hình ảnh thương lái Việt Nam nói chung, Cuộc thi sẽ đặt trọng tâm vào chủ đề: “Thương lái trong lưu thông nông - thủy sản”, tập trung cho khu vực Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

II – ĐỐI TƯỢNG

- Nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu quan tâm các vấn đề lưu thông, phân phối hàng hóa
- Nghệ sĩ nhiếp ảnh, phóng viên ảnh
- Sinh viên các trường đại học, cao đẳng, bạn đọc Báo DNSG

III- NỘI DUNG

* Bài viết:

- Những ngành nông sản, thủy sản, chăn nuôi có thế mạnh, đặc sản làng nghề có sự tham gia của thương lái trong việc thu mua, tiêu thụ hàng hóa.
- Tuyển chọn từ mỗi ngành hàng: thương lái cấp 1 (thu mua trực tiếp từ nông dân, người sản xuất nhỏ), thương lái cấp 2 (chủ vựa ở các chợ đầu mối hoặc các chủ chành, các nhà thu mua rồi cung cấp cho doanh nghiệp chế biến) đáp ứng tiêu chuẩn: thu mua lớn nhất, vựa lớn nhất, có hình thức thu mua hay và có lợi cho người sản xuất, có đầu tư vốn cho người sản xuất, có sáng kiến đóng góp cho ngành sản xuất phát triển.
- Hợp tác xã có cách làm ăn tốt, mang lại hiệu quả cao cho các hộ sản xuất, xem hợp tác xã như một thương lái tập thể.
- Người vừa trực tiếp sản xuất vừa là đầu mối thu mua, tiêu thụ hàng hóa.

Thể loại: ghi nhận, phóng sự, ký sự, phỏng vấn, bình luận,…

* Hình ảnh

- Cảnh mua bán nông sản, thủy sản, chăn nuôi có thế mạnh, đặc sản làng nghề có sự tham gia của thương lái trong việc thu mua, tiêu thụ hàng hóa.
- Gương mặt thương lái cấp 1, cấp 2.
- HTX sản xuất, kinh doanh giỏi và là đầu mối tiêu thụ nông - thuỷ sản.
- Người vừa trực tiếp sản xuất vừa là đầu mối thu mua, tiêu thụ hàng hóa.

Thể loại ảnh: thời sự, phóng sự, nghệ thuật

IV- THỂ LỆ

* Bài viết

- Tối đa 2.000 từ.
- Mỗi tác giả có thể gửi một bài viết riêng lẻ hoặc một cụm bài viết (mỗi bài tối đa 2.000 từ). Khuyến khích bài có hình ảnh kèm theo nội dung với chú thích rõ ràng.
- Bài dự thi đăng trên Báo Doanh Nhân Sài Gòn có nhuận bút.

* Hình ảnh

- Có thể gửi hình ảnh riêng lẻ hoặc một cụm hình ảnh (phóng sự ảnh).
- Hình ảnh phải được chú thích chi tiết: ngày chụp, nơi chụp, nhân vật trong ảnh (tên, tuổi, địa chỉ cư trú, kinh doanh…). Dung lượng ảnh từ 3 - 5 MB, 300dpi.
- Ảnh dự thi được đăng trên Báo Doanh Nhân Sài Gòn và Doanh Nhân Sài Gòn Cuối tháng sẽ có nhuận bút.

Nhận bài và ảnh dự thi từ 1/3 đến 30/7/2010.

* Bài và ảnh tư liệu

Đối với tư liệu và hình ảnh tư liệu về thương lái Việt Nam qua các thời kỳ, Ban tổ chức sẽ trả tiền bản quyền hoặc nhuận bút hợp lý, nhưng không đưa vào diện tham gia Cuộc thi.

- Bài viết gửi về Bà Các Ngọc qua email cacngoc@doanhnhansaigon.vn (ĐT:0903300970)
- Hình ảnh gửi về ông Quý Hòa qua email: quyhoa@doanhnhansaigon.vn (ĐT:0903378744)


Chú ý: Mỗi người có thể tham gia thi bài viết và ảnh.Tác giả ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ (nơi cư trú hoặc nơi làm việc, email, điện thoại).

V- GIẢI THƯỞNG

Giảithưởng

Bài  riêng lẻ

Cụm bài viết

Ảnh riêng

Phóng sự ảnh

Giải nhất

8 triệu đồng

12 triệu đồng

8 triệu đồng

12 triệu đồng

Giải nhì

6 triệu đồng

9 triệu đồng

6 triệu đồng

9 triệu đồng

Giải ba

4 triệu đồng

8 triệu đồng

4 triệu đồng

8 triệu đồng

Giải KK

2 triệu đồng

4 triệu đồng

2 triệu đồng

4 triệu đồng

TP. Hồ Chí Minh, ngày 4 tháng 2 năm 2010

BAN TỔ CHỨC
Trưởng ban

Nguyễn Thanh Minh
 Tổng biên tập

Gợi ý cho phóng viên và cộng tác viên viết bài và chụp ảnh

Chương trình “Ngày hội Thương lái”

Bài viết:

- Những ngành nông sản, thủy sản, chăn nuôi có thế mạnh, đặc sản làng nghề của từng địa phương có sự tham gia của thương lái trong việc thu mua, tiêu thụ hàng hóa.
- Tuyển chọn từ mỗi ngành hàng: thương lái cấp 1 (thu mua trực tiếp từ nông dân, người sản xuất nhỏ), thương lái cấp 2 (chủ vựa ở các chợ đầu mối hoặc các chủ chành, các nhà thu mua rồi cung cấp cho doanh nghiệp chế biến) tiêu biểu đáp ứng hai hoặc nhiều tiêu chuẩn: thu mua lớn nhất, vựa lớn nhất, có hình thức thu mua hay và có lợi cho người sản xuất, có đầu tư vốn cho người sản xuất, có sáng kiến đóng góp cho ngành sản xuất phát triển.
- Hợp tác xã có cách làm ăn tốt, mang lại hiệu quả cao cho các hộ sản xuất, xem hợp tác xã như một thương lái tập thể.
- Người vừa trực tiếp sản xuất vừa là đầu mối thu mua, tiêu thụ hàng hóa.
- Những hộ sản xuất, người mua bán, doanh nghiệp nói về đặc tính thương lái địa phương: ghi nhận cả những phản ảnh xấu, tốt.

Thể loại viết: ghi nhận, phóng sự, ký sự, phỏng vấn

Vì có cuộc bình chọn những nhân vật thương lái giỏi, có câu chuyện hay và bình chọn bài viết hay để trao giải thưởng (ngoài nhuận bút) nên các anh, chị cố gắng khai thác nhiều chi tiết hay, sâu sắc, chú ý đặc trưng riêng của từng loại thương lái (cách mua bán, dụng cụ hành nghề xưa và nay, cách ăn mặc, ngôn ngữ giao dịch, tiếng lóng hay nói với nhau, phương thức thanh toán, vận chuyển...)

- Bài viết gửi cho chị Các Ngọc qua email: cacngoc@doanhnhansaigon.vn
- Chú ý: người viết bài vẫn có thể tham gia thi ảnh

Hình ảnh

- Cảnh mua bán ngành nông sản, thủy sản, chăn nuôi có thế mạnh, đặc sản làng nghề của từng địa phương có sự tham gia của thương lái trong việc thu mua, tiêu thụ hàng hóa.
- Gương mặt thương lái cấp 1 (thu mua trực tiếp từ nông dân, người sản xuất nhỏ), thương lái cấp 2 (chủ vựa ở các chợ đầu mối hoặc các chủ chành, các nhà thu mua rồi cung cấp cho doanh nghiệp chế biến) tiêu biểu đáp ứng hai hoặc nhiều tiêu chuẩn: thu mua lớn nhất, vựa lớn nhất, có hình thức thu mua hay và có lợi cho người sản xuất, có đầu tư vốn cho người sản xuất, có sáng kiến đóng góp cho ngành sản xuất phát triển.
- Hợp tác xã có cách làm ăn tốt, mang lại hiệu quả cao cho các hộ sản xuất, xem hợp tác xã như một thương lái tập thể.
- Người vừa trực tiếp sản xuất vừa là đầu mối thu mua, tiêu thụ hàng hóa.

Vì có cuộc bình chọn hình ảnh đẹp để trao giải thưởng (ngoài nhuận ảnh) nên các anh chị cố gắng khai thác nhiều chi tiết hay, sâu sắc, chú ý đặc tả từng loại thương lái (cách mua bán ở nhà vườn, ruộng đồng, trang trại, cách ăn mặc, dụng cụ hành nghề xưa và nay, phương thức thanh toán, vận chuyển...).

Sẽ có một cuộc triển lãm ảnh “Thương lái Việt Nam xưa và nay” nên các anh, chị tập hợp được những hình ảnh về thương lái qua nhiều thời kỳ vẫn được nhận nhuận ảnh.

- Hình ảnh gửi về anh Quý Hòa qua email: quyhoa@doanhnhansaigon.vn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chương trình "Ngày hội Thương lái"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO